Đã hơn 1 tháng nay tôi phát động cuộc chiến tranh lạnh với má. Má hết khóc lóc làm căng mà thấy tôi vẫn ủ ê, bà đổ hết tội cho người khác: “Lấy vợ thì phải chịu khó, có mỗi cái chuyện đám cưới chay với bận áo dài mà cũng không làm được thì thằng đó không thương yêu gì mày đâu, lấy về chỉ có khổ”.
“Thằng đó”, chồng suýt cưới của tôi cách đây 1 tháng đã nói thẳng: “Anh quá mệt mỏi với chuyện lễ nghĩa cưới xin mà má em đòi hỏi rồi. Và nói thật là anh cũng ngán cái chuyện phải về làm rể má em. Thôi coi như mình không có duyên với nhau”.
Đó là một kết cục mà tôi đã linh cảm trước nhưng không khỏi cảm thấy chới với. Tôi không khóc nhưng cảm giác đời mình thế là hết, tôi cứ ngồi nhìn mình trong gương và một ý nghĩ từ lâu đã mọc mầm, mọc mống trong lòng tôi cuộn lên thành một câu nói rõ ràng: Ước gì mình đừng sinh ra là con của má.
Nói như thế vừa bất hiếu vừa bất công với má nhưng tôi không sao gạt được suy nghĩ đó ra khỏi đầu.
Má tôi lấy ba tôi năm 28 tuổi, cái tuổi mà thời đó người ta cho là “đã ế lắm rồi”. Đã vậy, ba tôi là người vô tâm, thích rượu chè đàn đúm với bạn bè hơn lo cho gia đình. Khi tôi lên 2, ba bỏ theo người đàn bà khác. Biết má cực khổ nên từ nhỏ tôi đã rất ngoan, sợ má buồn nên chưa bao giờ dám cãi điều gì. Nhưng ở tuổi 35, tôi bắt đầu thấy hối hận vì mình đã quá ngoan.
Ảnh minh họa
Má tôi lấy ba tôi năm 28 tuổi, cái tuổi mà thời đó người ta cho là “đã ế lắm rồi”. Đã vậy, ba tôi là người vô tâm, thích rượu chè đàn đúm với bạn bè hơn lo cho gia đình. (ảnh minh họa)
Gia đình tôi theo đạo và ăn chay trường từ thời ông bà ngoại. Má tôi lấy chồng cũng giữ nếp đó. Ông bà ngoại tôi thuộc lớp người cũ nên quan niệm phụ nữ đứng đắn phải để tóc dài, bận đồ bà ba, không đi chơi đêm, giao thiệp với đàn ông... Và tất cả quan niệm đó truyền lại đầy đủ cho má tôi và chúng tôi trở thành người thụ hưởng (hoặc là nạn nhân).
Từ lúc nhỏ cho đến thành thiếu nữ, tôi đi đâu cũng chẳng giống người thường bởi bộ quần áo trên người. Đó là những cái áo sơ mi rộng thùng thình, cổ kín mít; những cái quần bà ba đen ống rộng, dài thõng thược. Với má tôi, những chiếc quần tây hay quần jean ôm sát cơ thể là “coi không có được”. Sau này, khi đã đi làm, tôi mua quần áo theo ý mình nhưng dĩ nhiên không bao giờ có chuyện đầm váy, quần lửng quần lơ hay áo hai dây.
Thời mười tám đôi mươi tôi cũng có người theo đuổi. Tuy nhiên, má giám sát chuyện bạn bè của tôi rất chặt. Bạn tới nhà má ra tiếp chính, tôi chỉ ngồi chầu rìa, hễ anh nào ngỏ ý muốn đưa tôi đi uống nước là má đuổi thẳng cẳng.
Vì những chuyện như vậy mà tôi lớn lên quê mùa, rụt rè và thấy mình có vẻ không giống người bình thường. Đôi khi tôi muốn thay đổi, muốn bước ra ngoài khuôn phép má dạy nhưng sợ má buồn lại thôi.
Tôi không xinh đẹp, duyên dáng đã thế lại quê mùa, rụt rè nên chuyện tình cảm hầu hết chẳng đi đến đâu. Năm tôi 35 tuổi thì quen anh, đã ngoài 40 và đã qua một đời vợ. Ba mẹ anh đều đã mất, anh cũng không có con cái gì vướng bận nên lối sống có phần hơi tự do, phóng túng. Khi nghe tôi kể về những nguyên tắc của gia đình mình, anh rất ngạc nhiên và có vẻ không thoải mái khi gặp má tôi.
Và khi chúng tôi bàn tới chuyện cưới xin thì mọi thứ rối như canh hẹ. Má tôi yêu cầu đám cưới phải đãi chay chứ không đãi mặn vì đó là truyền thống gia đình. “Trong đám cưới con gái bác, bác không muốn có mùi thịt cá” - má tôi nói. Tôi nói đám cưới ngoài họ hàng hai bên còn có bạn bè, nếu đãi chay sợ nhiều người dị nghị. Má gạt phắt: “Ăn chay một bữa chết hả?”.
Anh có vẻ rất căng thẳng nhưng không nói gì, bảo sẽ tính lại. Nhưng chưa hết, má tôi bảo anh hôm nào rảnh ghé nhà để bà dẫn đi may bộ áo dài khăn đóng để mặc trong đám cưới. “Mình là người Việt Nam phải giữ truyền thống, bác không ưa mấy người đám cưới bày đặt bắt chướt Tây bận đồ vest, áo đầm” - má tôi nói.
Dù chuyện cưới xin chưa ngã ngũ nhưng má cứ liên tục gọi anh đến nhà chơi, ăn cơm và “chịu trận” những bài thuyết giảng về thuần phong, lễ giáo của má. Chưa hết, má tôi còn tìm cách thuyết phục anh ăn chay. Ban đầu má chỉ vin vào lý do tôi từ nhỏ ăn chay không biết nấu đồ mặn. Thấy anh không hưởng ứng, bà chuyển sang nói về những lợi ích về mặt sức khỏe. Thấy anh vẫn không hứa hẹn gì, má tôi quay sang chỉ trích người ăn mặn, nào là tâm không tốt, khi chết phải xuống địa ngục...
Sau những lần tiếp chuyện mẹ vợ tương lai, anh có vẻ suy nghĩ nhiều làm tôi thấy bất an ghê gớm. Và chuyện gì đến cũng sẽ đến. Một buổi tối, anh hẹn tôi ra uống cà phê rồi đưa ra quyết định dứt khoát trên. Trước khi về, anh nói thẳng: “Em nên góp ý để má thay đổi suy nghĩ hoặc bản thân em thay đổi. Nếu em cứ nghe lời má răm rắp như vậy thì không có thằng đàn ông nào chịu về làm rể đâu”.
Khi tôi kể lại chuyện đó và thử dùng lời khuyên nhủ má bỏ bớt mấy cái nghi lễ cưới hỏi rờm rà thì bà phát cáu. Má kết tội anh làm tôi hư hỏng, chỉ biết nghe lời trai về cãi lại má. Má nói anh là người xôi thịt nên không chịu ăn chay. Má bảo tôi nên cảm ơn má vì đã giúp tôi vạch ra bộ mặt thật của anh. “Đàn ông bây giờ thiếu gì, việc gì con phải khổ sở vì thằng đó”. Tôi gào lên: “Đàn ông thiếu gì nhưng bây giờ con đã 35 tuổi rồi mà có ai thèm ngó đâu. Truyền thống là cái gì, đoan chính là cái gì mà làm con ế chỏng ế chơ như vầy”.
Khỏi phải nói má ngạc nhiên thế nào khi đây là lần đầu tiên tôi lớn tiếng cãi lại. “Vì cái thằng đó mà mày dám nói như vậy với má hả. Mày muốn tao chết thì cứ lấy nó đi, đồ con bất hiếu”.
Vậy là xong, tôi đầu hàng. Làm sao tôi có thể thành con bất hiếu chỉ vì một người đàn ông. Làm sao tôi có thể thay đổi má khi hơn 30 năm qua tôi đã răm rắp nghe theo lời bà. Có lẽ tôi nên an phận làm con ngoan của má và đừng hy vọng gì đến chuyện chồng con. Thấy tôi có vẻ nguôi, má an ủi: “Chồng con là nghiệp chướng, không có thì đỡ phải khổ. Con có căn tu đó!”. Có lẽ tôi nên một lần nữa nghe lời má, cứ ở vậy rồi đợi khi có tuổi một chút thì đi tu cho rồi.