Con dị ứng sữa, mẹ nhầm rối loạn tiêu hóa

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Dị ứng sữa sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa và hấp thụ của trẻ. Nếu kéo dài, trẻ rất dễ bị suy dinh dưỡng.

Thạc sĩ, bác sĩ Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết thực tế số trẻ bị dị ứng sữa không cao. Tuy nhiên, do triệu chứng dị ứng sữa thường dễ lẫn với các triệu chứng khác về tiêu hóa, nên một số bà mẹ vẫn không phát hiện ra con mình bị dị ứng sữa.

Cần chú ý đến những phản ứng của trẻ sau khi dùng sữa.
Con dị ứng sữa, mẹ nhầm rối loạn tiêu hóa ảnh 1

Thường gặp ở trẻ dưới 6 tháng tuổi

Theo thạc sĩ Phan Thị Bích Nga, Phó giám đốc Trung tâm Khám và tư vấn, Viện Dinh dưỡng, dị ứng sữa là biểu hiện của khả năng không dung nạp được hoặc là phản ứng với những thành phần, đặc biệt là các loại protein trong sữa bò.

Khi trẻ uống sữa, hệ kháng thể trong cơ thể khởi động, gây ra các phản ứng chống lại. Ở mức độ dị ứng nhẹ, dấu hiệu thường gặp là trẻ có nổi mẩn ở quanh miệng, cả mặt hoặc cả người. Trẻ thường gặp các vấn đề về nôn trớ, có những biểu hiện của rối loạn tiêu hóa như đau bụng, khó tiêu, đầy hơi. Trẻ đau quặn, khó chịu hay quấy khóc, có thể biểu hiện ra ngoài như tiêu chảy.

Với các phản ứng ở dạng cấp tính, trẻ sẽ có những phản ứng mạnh như ho dữ dội, khó thở, nổi ban sưng phù mặt. Thạc sĩ Nga cũng cho biết thực tế dị ứng sữa hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 12 tháng, đặc biệt là dưới 6 tháng, nhưng chủ yếu các phản ứng thường gặp ở mức nhẹ. Tỷ lệ trẻ dị ứng sữa dưới 6 tháng tuổi là cao nhất, tiếp theo là từ 6 tháng đến 1 tuổi. Sau 1 tuổi, hơn một nửa trẻ dị ứng sữa sẽ hết các phản ứng này.

Các bà mẹ dễ bị nhầm

Thạc sĩ Nga cho biết các phản ứng có thể xuất hiện ngay sau lần đầu tiên trẻ dùng sữa ngoài, nhưng cũng có những trường hợp sau một thời gian sử dụng khoảng vài tuần cho đến một tháng mới xuất hiện dấu hiệu của dị ứng. Vì vậy, các bà mẹ thường khó nhận ra là con mình đã bị dị ứng sữa.
Ngoài ra, các bà mẹ rất dễ nhầm với các vấn đề về rối loạn tiêu hóa. Do vậy, một số bà mẹ vẫn tiếp tục dùng sữa ngoài trong nhiều tháng, vô tình gây nên tình trạng dị ứng kéo dài ở trẻ.

Thạc sĩ Nga cũng lưu ý việc nhầm lẫn các dấu hiệu mẩn do dị ứng sữa với chàm cơ địa. Thông thường, chàm cơ địa mọc khi thời tiết hanh lạnh, còn nếu thời tiết nóng ẩm, trẻ dùng sữa xong mà thấy nổi mẩn ở miệng, mặt hay toàn thân thì đó chính là phản ứng của dị ứng sữa.

Theo bác sĩ Thục, khi nghi ngờ trẻ dị ứng sữa cần được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán, hướng dẫn chế độ ăn.

Về vấn đề sử dụng sữa, các bác sĩ khuyến cáo an toàn nhất là cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Trong trường hợp mẹ ít sữa, phải sử dụng sữa ngoài cho trẻ thì nên lưu ý những phản ứng của trẻ sau khi dùng sữa.

Nếu trẻ dùng sữa mà hay đi ngoài, quấy khóc, bụng trướng, sôi bụng nên nghĩ ngay đến đầu tiên là nguyên nhân do sữa. Khi mua nên chú ý đến các yếu tố như thời hạn sử dụng, thành phần trong sản phẩm. Với thức ăn mới, các bà mẹ nên cho trẻ ăn tăng dần từng ít một để cho trẻ quen với thực phẩm. Trong trường hợp trẻ bị dị ứng, nên ngay lập tức ngưng sử dụng loại sữa đó.

Theo Theo Báo Đất Việt
MỚI - NÓNG