Cơm giá rẻ 5.000 đồng: Việc làm thiện nguyện của các bạn trẻ
> 'Phở miễn phí' giữa trung tâm Hà Nội
> Hơn 18.000 bữa ăn miễn phí cho sinh viên
Tôi đã nghe nhiều về suất cơm giá rẻ cho người nghèo với giá 5.000 đồng (gọi tắt là cơm 5.000 HN) ở Hà Nội, nhưng tận mắt chứng kiến việc làm thiện nguyện của các bạn ở "CLB tình nguyện trẻ" thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên TP Hà Nội, tôi mới thấy hết ý nghĩa sâu sắc của suất cơm giá rẻ dành cho người nghèo.
Các tình nguyện viên làm việc rất nhiệt tình cho bữa cơm giá rẻ 5.000đ sáng 13-1. |
Chủ nhật hằng tuần, hơn 30 bạn trẻ của "Chương trình cơm giá rẻ" lục tục dậy từ 4h sáng đi chợ, nấu cơm để đến 11h là có 130 suất cơm nóng hổi, đầy đặn đến bán ở hai điểm: đầu cầu Mai Động và Cảng Vân Đồn (trước cửa nhà số 1 phố Lê Quý Đôn) cho người lao động, sinh viên nghèo và bệnh nhân.
Cơm giá rẻ, ấm lòng người nghèo
0h30' sáng 13-1, tại số nhà 1 phố Lê Quý Đôn, Hà Nội, tấm băng rôn với dòng chữ "Cơm 5.000, giá rẻ phục vụ người lao động, người bệnh và sinh viên nghèo" đã gây sự chú ý của những người tham gia giao thông. Còn với người lao động, người bệnh ở quanh khu vực này thì họ không lạ lẫm gì với nhóm bạn trẻ bán cơm 5.000 ở đây. Dù chưa đến giờ nhưng đã có khá đông người đứng chờ mua cơm. Ai cũng phấn khởi bởi dự án cơm giá rẻ đã tiết kiệm cho họ được một khoản tiền nho nhỏ vào ngày chủ nhật hằng tuần.
Bác Nguyễn Thị Hà, nhà ở huyện Thanh Trì, Hà Nội mặc nguyên cả bộ quần áo bệnh viện ra đây mua cơm cho biết: "Tôi nghe nói có cơm 5 nghìn rất ngon, đây là lần đầu tiên tôi mua. Từ nãy xem các cháu tình nguyện bán cơm tôi rất cảm động". Chị Phạm Thị Mây, quê ở Kim Động, tỉnh Hưng Yên vừa quẩy gánh cam nặng trĩu qua đây được các bạn trẻ phát phiếu mua cơm đã vội vã đặt gánh hàng lên vỉa hè. Mở suất cơm nóng hổi, đầy đặn ra, chị ngỡ ngàng cho biết: "Lần đầu tiên bán hàng qua đây và được ăn cơm giá rẻ, tôi nghĩ chắc cơm có ít món, ai ngờ lại nhiều thế".
Tại điểm bán cơm giá rẻ 5.000 ở cầu Mai Động, dù chưa tới giờ nhưng đã có khoảng 20 người đứng chờ. Khi cơm canh được mang đến, các bạn tình nguyện viên phải làm công tác "giữ trật tự" bởi ai cũng muốn mua trước vì sợ… hết. Khách mua cơm được xếp thành hai hàng, lần lượt vào mua phiếu để phát cơm. Ở khu vực này hầu như không có sinh viên và người bệnh mà chủ yếu là người lao động nghèo.
Anh Đặng Văn Quang, quê ở xã An Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam lên Hà Nội làm nghề bốc vác thuê cho biết: "Tôi mua cơm ở đây nhiều lần rồi, lần nào cũng ngon. Tôi thấy các bạn trẻ ngày nay biết nghĩ và làm những công việc thế này là rất quý. Trong khi nhiều nơi bán hàng giá đắt, thậm chí còn bắt chẹt khách mà các bạn trẻ lại chấp nhận bỏ tiền túi, đi vận động để có những bữa cơm giá rẻ cho người nghèo thế này không phải ai cũng làm được".
Cơm giá rẻ 5.000 đồng phục vụ người lao động, sinh viên nghèo và người bệnh vào trưa 13-1. |
Nghĩa cử đẹp từ cái tâm
Người bệnh ở Hà Nội đã từng biết đến cơm giá rẻ 5.000 do chàng thanh niên quê đất mỏ Quảng Ninh khởi xướng, đối tượng phục vụ là bệnh nhân nghèo. Còn đây là chương trình cơm giá rẻ do CLB Tình nguyện trẻ Hà Nội sáng lập. Họ đều là những người từng tham gia công tác từ thiện và thanh niên tình nguyện nên rất thấu hiểu sự khó khăn của những người có hoàn cảnh không may mắn gặp khó khăn trong cuộc sống.
Người phụ trách dự án này cũng là chàng trai còn khá trẻ: Bùi Quang Long, hiện đang là cán bộ công nghệ thông tin của Trường Đào tạo cán bộ Đội Lê Duẩn. Long cho biết, ý tưởng đầu tiên là học tập mô hình cơm 2.000 của TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi triển khai ở Hà Nội thì gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện nhà xưởng. Sau rất nhiều cố gắng và quyết tâm, CLB Tình nguyện trẻ Hà Nội đã chỉnh sửa và ra đời dự án mang tên gọi: "Quán cơm lưu động giá rẻ phục vụ người lao động, bệnh nhân và sinh viên nghèo trên địa bàn Hà Nội".
Để tiết kiệm chi phí đến tối đa, Long đã lấy nhà mình để làm nơi nấu cơm từ thiện. Chính vì thế mà ngày 9-9-2012, dự án chính thức đi vào hoạt động với nòng cốt là các thành viên của CLB Tình nguyện trẻ. Thời gian đầu thực hiện khá khó khăn, 3 số đầu tiên toàn bộ chi phí đều là tiền túi của các thành viên. "Rất may từ số thứ 4 đến nay chúng tôi vận động được sự tài trợ của các nhà hảo tâm nên đã đủ chi tiêu" - Long cho biết.
Tính đến thời điểm này, cơm 5.000 ở Hà Nội đã thực hiện được 18 số với 1.410 suất cơm được trao đến tận tay người lao động nghèo tại 2 khu vực cầu Mai Động và Cảng Vân Đồn. Cơm 5.000 đã gây được tiếng vang và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân nghèo và cộng đồng mạng. Nhiều bạn trẻ sẵn sàng tham gia đăng ký làm tình nguyện viên cho chương trình. Bạn Đỗ Trung Kiên, sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội kể rằng, mình biết đến chương trình cơm giá rẻ là qua mạng xã hội. Thấy chương trình có ý nghĩa, lại vào sáng chủ nhật nên chàng sinh viên này đã đăng ký tham gia.
Nhìn vào thực đơn thay đổi từng tuần, chúng tôi thấy suất cơm 5.000 khá đầy đặn: gồm hai món thức ăn mặn, một món rau và canh, lạc rang, hoa quả tráng miệng. Và tôi được Long cho biết, giá trị thực của mỗi suất cơm là 20 nghìn đồng. Để có suất cơm giá rẻ đến tay người lao động, ngoài hoạt động thiện nguyện đề cao mục tiêu phát triển bền vững thông qua huy động đông đảo sức người, còn là sức của cộng đồng để chia sẻ một phần gánh nặng với những cảnh đời nghèo khó.
"Thông qua mạng xã hội, nhiều tấm lòng hảo tâm đã ủng hộ cho chương trình. Có người gửi 200.000 đồng, người gửi 500.000 đồng vào tài khoản mà không để lại tên" - Long trầm tư cho biết. Hiện tại, cơm 5.000 HN đang được triển khai ở giai đoạn 3: Phát triển bền vững với nhiệm vụ trọng tâm là mở quán kinh doanh dịch vụ ăn uống sinh lợi nhuận và sử dụng số tiền đó để 2 lần một tuần cung cấp được khoảng 350 suất ăn giá 5.000đ cho 2 khu vực lao động nghèo và cơ sở II của Bệnh viện K tại Thanh Trì, Hà Nội. Đây là một ý tưởng khá táo bạo, bởi theo cả nhóm thì không thể xin tài trợ mãi được, bởi nhiều chương trình đã "chết yểu" do chỉ dựa vào tài trợ. Họ muốn mình phải sống được chính bằng công sức lao động của mình.
Hiện tại, CLB Tình nguyện trẻ đã kêu gọi được 150 triệu tiền đầu tư và đang đi tìm mặt bằng để kinh doanh. Để dự án thiện nguyện của các bạn tiếp tục thành công, chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều sự hỗ trợ của cộng đồng cùng chung tay chia sẻ cho người nghèo hơn nữa.
Theo CAND