Bất cập
Sau hai cuộc lấy ý kiến, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTT&DL tổ chức hội thảo “Hoạt động sáng tác, lưu hành tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc trong thời hội nhập, phát triển hiện nay” sáng 31/10 tại Hà Nội. Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn điểm lại hoạt động ca múa nhạc thời gian qua, thừa nhận bên cạnh mặt tích cực thì các hoạt động này bộc lộ hạn chế. “Nhiều tác phẩm mới đáp ứng nhu cầu của khán giả, tuy nhiên vẫn xuất hiện tác phẩm chưa đạt chất lượng, ca từ nhảm nhí như Phiếu bé ngoan, Tan ka ka, Như cái lò, Em không hối tiếc”, ông Tuấn nói. Các nhà quản lý cầu thị, muốn lắng nghe ý kiến để hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực này.
Bất cập liên quan cấp phép được nhiều đại biểu nhắc tới. Ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng Quản lý Nghệ thuật, Sở VHTT Hà Nội nêu khó khăn khi hội đồng đi duyệt chương trình xong xuôi nhưng bị đơn vị tổ chức thay đổi vài bài lại phải tuân theo thủ tục cấp phép từ đầu. “Chúng ta có hội đồng duyệt rồi, nên chăng thay đổi đó có thể do hội đồng quyết định tại chỗ”, ông Trực nói. Ông cũng nhắc tới bất cập liên quan tới cam kết thực hiện bản quyền tác giả âm nhạc trong cấp phép chương trình.
Liên quan chuyện nộp tác quyền, NSƯT Trọng Thủy, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ lấy ví dụ mỗi khi nhà hát xin cấp phép chương trình lại phải tới VCPMC đóng bản quyền sau đó có xác nhận mới về Cục, Sở để hoàn thiện hồ sơ. “Cơ quan cấp phép và VCPMC nên phối hợp, có cửa nộp tác quyền tại chỗ tránh chậm trễ chương trình và ảnh hưởng việc quảng bá”, ông Thủy nói. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam nhắc tới khoảng trống kiểm duyệt trên internet: Không ít sản phẩm dị thường về hình thức, vay mượn về ý tưởng, nhàn nhạt về tính cách âm nhạc, lẫn lộn về khái niệm bản sắc dân tộc mà vẫn có hiệu ứng mạnh trên mạng xã hội, làm lệch lạc thẩm mỹ công chúng trẻ.
Tăng hậu kiểm
Nổi cộm nhất thời gian qua chính là lùm xùm cấp phép ca khúc sáng tác trước 1975. Có đại biểu nêu thực tế nhiều tác giả trẻ sáng tác ca khúc không vi phạm thuần phong mỹ tục nhưng ca từ ngô nghê đương nhiên được cấp phép, trong khi nhiều ca khúc trước 1975 ăn sâu vào đời sống lại bị gây khó dễ. Trả lời báo chí bên lề hội thảo, Thứ trưởng Vương Duy Biên cho rằng các nhà quản lý mong muốn tiến tới xây dựng chính sách quản lý, văn bản pháp quy trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật theo tinh thần “chặt chẽ nhưng phải thông thoáng, hạn chế xin-cho, làm nhiều giấy tờ hồ sơ thủ tục”.
Thực tế Nghị định 79 về nghệ thuật biểu diễn, Nghị định 15 sửa đổi phần nào đáp ứng tình hình thực tế nhưng trong quá trình vận hành bộc lộ bất cập, đòi hỏi phải điều chỉnh. Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự, Bộ Tư pháp đồng quan điểm với ông Vương Duy Biên về việc cần điều chỉnh văn bản pháp luật để đáp ứng thực tế. Nói về hạn chế của Nghị định hiện tại, bà Thoa cho rằng việc cấp phép ca khúc trước năm 1975 khó chấp nhận, các nhà quản lý nên nghiên cứu cách khác. Cụm từ “vi phạm thuần phong mỹ tục” theo đại diện Bộ Tư pháp khá mông lung, cần có tiêu chí, ví dụ để dễ hiểu và xử lý. Về việc này, ông Vương Duy Biên nêu quan điểm dù không định nghĩa rõ ràng nhưng ai cũng có thể hình dung ra thế nào là thuần phong mỹ tục.
Bà Minh Châu cho rằng trong thời đại công nghệ số, các nhà quản lý không thể quay lưng với mạng xã hội. Theo bà các nhà quản lý cần sự liên kết với hội đồng chuyên môn để trả lời thẳng thắn về hiện tượng âm nhạc, sáng tác mang tính chất thời trang lại được giới trẻ yêu thích như MV của Mỹ Tâm, Hương Tràm và thậm chí Sơn Tùng M-TP, hoặc phải thẳng thắn giải thích và thừa nhận sai lầm khi coi bolero là một dòng nhạc đang là cơn bão khủng khiếp trên truyền hình. Ông Đinh Công Thuận, Chánh Văn phòng Hội Nhạc sỹ Việt Nam đề xuất cần có hội đồng đủ năng lực chuyên môn cao để thẩm định tác phẩm, chịu trách nhiệm trước xã hội khi đánh giá tác phẩm.
Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL nói tới tinh thần cấp phép ca khúc trước 1975: Khi Nghị định chưa thay đổi thì vẫn thực hiện theo quy định, tuy nhiên lưu ý với những ca khúc quen thuộc nếu xét thấy nội dung không “vấn đề” gì chỉ cần đề nghị xin cấp tại địa phương. Với những ca khúc “nhạy cảm” nếu tác giả còn sống, tự nguyện chỉnh sửa lời cho phù hợp thì đều được ghi nhận và ủng hộ.