'Cởi mở” cho văn nghệ sĩ: Vì sao chọn mốc 1993?

Các tác giả được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2016. Ảnh: Nhật Minh ​
Các tác giả được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2016. Ảnh: Nhật Minh ​
TP - Chỉ bốn năm sau khi ban hành Nghị định số 90 về xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước, Thủ tướng vừa ban hành Nghị định 133 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 90 năm 2014.

Quy định mới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị định 133 về xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (VHNT) ngày 1/10, hiệu lực từ 15/11/2018. Nghị định mới có 15 điều, điều khoản được sửa đổi và bổ sung.

Thay đổi đáng kể nhất phải nhắc dấu mốc từ 1993: Điều kiện để xét tặng quy định tác phẩm “đã được công bố, sử dụng dưới các hình thức xuất bản, kiến trúc, triển lãm, sân khấu, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, giảng dạy, đĩa hát và các hình thức khác kể từ ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam) 2/9/2945”. Nay Nghị định 133 sửa đổi, bổ sung điều kiện để xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cụ thể hơn, đặc biệt lấy dấu mốc 1993 để soi chiếu.

Ở Giải thưởng Hồ Chí Minh, những tác phẩm, công trình được công bố, sử dụng từ 1993 trở về trước cần: “Có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển VHNT Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có giá trị đặc biệt xuất sắc về VHNT, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật”.

Với tác phẩm, công trình công bố, sử dụng sau năm 1993 ngoài các tiêu chí trên cần đáp ứng tiêu chí đã được tặng Giải Vàng, Giải A, Giải Nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về VHNT cấp quốc gia do Bộ VHTTDL tổ chức hoặc giải thưởng cao nhất của Hội VHNT chuyên ngành Trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành hoặc được tặng giải cao nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật quốc tế có uy tín.

Tác giả được xét Giải thưởng Nhà nước phải có tác phẩm, công trình đáp ứng các tiêu chuẩn quy định rõ trong Nghị định 133. Với tác phẩm, công trình công bố, sử dụng từ 1993 trở về trước phải “có tác dụng tốt trong giáo dục, xây dựng con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân, góp phần đáng kể thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển VHNT Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có giá trị xuất sắc về VHNT, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật”.

Với tác phẩm công bố sau 1993 ngoài tiêu chí trên còn phải xuất sắc về VHNT, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật: Đã được tặng Giải Nhất, Nhì, Ba (Giải A, B, C hoặc Giải Vàng, Bạc, Đồng) tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về VHNT cấp quốc gia do Bộ VHTTDL tổ chức, hoặc được tặng giải thưởng của Hội VHNT chuyên ngành Trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành, hoặc được tặng giải thưởng chính tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm VHNT quốc tế uy tín.

Trước đó trong nhiều hội thảo, nhiều nhà chuyên môn góp ý về con số 90% phiếu đồng ý của hội đồng. Trong Nghị định mới, Chính phủ “rút” xuống còn 80%. GS.TS Lê Hồng Lý đồng tình giảm mức phiếu bầu, ông từng nhắc trường hợp đáng tiếc của nhà văn Bảo Ninh, hụt giải chỉ vì thiếu 1 phiếu. Mặt khác, trước đây Nghị định cũ yêu cầu ít nhất 75% thành viên hội đồng họp và bỏ phiếu, nay điều chỉnh tăng lên 90% thành viên hội đồng có mặt và bỏ phiếu. Bởi các thành viên  cần trách nhiệm hơn với lá phiếu của mình.

Vì sao dấu mốc 1993?

Trong các nội dung sửa đổi, bổ sung của Nghị định 133 về xét tặng giải thưởng, nhiều người thắc mắc về dấu mốc năm 1993. Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua-Khen thưởng, Bộ VHTTDL cho hay, dấu mốc này dựa vào Quyết định số 25-TTg ngày 19/1/1993 do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký. Đây là Quyết định về một số chính sách nhằm xây dựng và đổi mới sự nghiệp văn hóa nghệ thuật.

“Năm 1993 Chính phủ ra Quyết định gửi Bộ Văn hóa Thông tin, liên hiệp các hội VHNT, hội VHNT chuyên ngành đề nghị thường xuyên tổ chức các cuộc thi, liên hoan, hội diễn để trên cơ sở đó văn nghệ sĩ có điều kiện thể hiện tác phẩm của mình. Dấu mốc này được đưa ra làm căn cứ pháp lý cho hội đồng khi xem xét”, ông Phùng Huy Cẩn nói. Với dấu mốc này, ông Cẩn phân tích thêm: Có thể hiểu là tác phẩm nào sáng tác trước 1993 có giá trị đặc biệt xuất sắc nhưng không có giải thưởng vẫn được xem xét. Tuy nhiên nếu công bố sau năm 1993 phải đáp ứng tiêu chí như trong Nghị định 133.

Sau nhiều “lăn lộn” với các kỳ xét tặng giải thưởng và danh hiệu, ông Phùng Huy Cẩn cho rằng sự đánh giá tác phẩm văn học, nghệ thuật không thể cứng nhắc nhưng dù sao cũng cần đáp ứng tiêu chí định lượng: “Quy định về tiêu chí giải thưởng giúp hội đồng định lượng tốt hơn, việc xét tặng phải đi trên hai thanh ray định tính, định lượng mới có thể công bằng được”. Là một trong những người chủ trì soạn thảo Nghị định 133, ông Cẩn đánh giá quy định mới đáp ứng phần nào đòi hỏi của văn nghệ sĩ. Ông cũng nói, trong quá trình xem xét giải thưởng, Bộ VHTTDL luôn lắng nghe ý kiến đóng góp để kịp thời báo cáo Thủ tướng những trường hợp đặc biệt.

Ðiều khoản “cởi mở” cho văn nghệ sĩ

Sau những khúc mắc của những đợt xét tặng giải thưởng vừa qua, những người soạn thảo đưa vào điều khoản mở hơn trong quá trình xét tặng. Cụ thể, Nghị định 133 bổ sung điểm d khoản 3 Ðiều 17: “Xem xét đề nghị bằng văn bản của Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước và bỏ phiếu đối với các tác phẩm, công trình VHNT có giá trị đặc biệt xuất sắc, có ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài trong đời sống xã hội nhưng chưa đạt tỷ lệ phiếu đồng ý theo quy định tại Hội đồng cấp Nhà nước”.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.