CODA - Hạnh phúc của người điếc

0:00 / 0:00
0:00
TP - Phim CODA vượt mặt những tựa phim xuất sắc khác để giành tượng vàng Oscar lần thứ 94 cho hạng mục Phim hay nhất hôm 27/3.

CODA (Child of deaf adults viết tắt của cụm từ Con cái của người khiếm thính, tựa tiếng Việt: Giai điệu con tim, đạo diễn Sian Heder) kể về hành trình trưởng thành của cô gái 17 tuổi Ruby Rossi có thính giác bình thường được nuôi dưỡng và lớn lên trong gia đình mà cha, mẹ và anh trai đều là người điếc. Ruby chịu trách nhiệm lớn lao là làm cầu nối giữa gia đình cô với những người khác trong cuộc sống thường ngày, trong công việc kinh doanh đánh bắt hải sản.

CODA - Hạnh phúc của người điếc ảnh 1

Một cảnh trong phim “CODA”

Bộ phim vừa là sự đấu tranh giữa việc theo đuổi ước mơ trở thành ca sĩ ở nơi xa lạ hoặc ở lại quê nhà giúp đỡ gia đình của Ruby, vừa khắc họa thực tế về cuộc sống của những người điếc trong xã hội. Tại thị trấn nhỏ nơi không ai biết ngôn ngữ kí hiệu ấy, gia đình của Ruby chỉ còn biết nương tựa vào nhau, nhờ đó thấu hiểu và gắn kết mạnh mẽ với nhau hơn hẳn mọi gia đình khác. Họ trông hạnh phúc hơn cả những con người có khả năng nghe nói bình thường nơi đây. Liệu mất đi khả năng nghe có khiến con người ta hạnh phúc hơn không?

Mất đi khả năng nghe sẽ khiến cuộc sống trở nên khó khăn gấp bội phần. Ngay từ nhỏ, một đứa trẻ điếc thường bị xa lánh, bị trêu chọc, bắt nạt. Điều này thường tạo ra những vấn đề về tâm lý cũng như là sự tự ti rất sớm cho những đứa trẻ điếc. Chúng ta đang sống trong một xã hội vị ngôn-xã hội này đề cao việc giao tiếp bằng lời nói và âm thanh thay vì thông qua ngôn ngữ viết và kí hiệu. Vì thế, những người không thể nghe hoặc nói thường bị xem như người yếu thế, cần được quan tâm chăm sóc đặc biệt. Trái ngược với nhận định sai lầm đó, người điếc rất ghét bị đối xử như là người khuyết tật hay bị coi như là người kém may mắn thông qua con mắt thương hại của người khác. Cộng đồng người khiếm thính vẫn luôn tự hào về bản thân cũng như chính nền văn hóa của cộng đồng này, đồng thời cố gắng dập tan những định kiến của xã hội và chứng minh rằng cuộc sống của họ vẫn hạnh phúc biết bao.

Dưới một góc độ nào đó, nghe là một đặc ân nhưng đồng thời cũng là một lời nguyền. Bởi vì đôi tai của ta không chỉ được nghe những lời hay ý đẹp mà ta còn bị ép buộc phải nghe những lời lẽ tiêu cực, chê bai, chửi rủa và đàm tiếu. Người Nhật có câu tục ngữ “không nhìn những việc gì xấu, không nghe những lời xấu, không nói những điều xấu” gắn liền với hình tượng khỉ tam không nổi tiếng.

Một cách trực quan và điển hình nhất, là sự cố giữa Will Smith và Chris Rock ngay tại lễ trao giải Oscar khiến hàng tỷ người còn tranh cãi. MC Chris Rock buông những câu đùa vô ý tứ về tình trạng sức khỏe của vợ nam tài tử Will Smith, để rồi Will nóng quá mất khôn chạy ngay lên sân khấu tặng đối phương một cái tát trời giáng, giữa lúc phát hình trực tiếp toàn thế giới. Will Smith sau đó đã gửi lời xin lỗi tới ban tổ chức, khán giả và cả Chris Rock. Thử hỏi lúc đó nếu không phải là Will mà là Troy Kotsur, nam diễn viên ngoài đời bị điếc bẩm sinh vào vai người cha điếc trong CODA - nghĩa là không thể nghe câu đùa kể trên - thì sự thể có diễn ra? Liệu sau đó ông sẽ bảo vệ gia đình mình ra sao, bằng cách nào?

Người điếc trò chuyện thông qua một ngôn ngữ trung gian là kí hiệu. Điều đó khá bất tiện, nhưng tôi cho rằng nó đem lại điều tích cực là giúp họ tránh những đoạn hội thoại nông cạn và vô nghĩa để có thể tập trung vào những mối quan hệ thực sự quan trọng với mình. “Người ta nói nhưng không thật sự nói. Người ta nghe nhưng không thật sự lắng nghe”-lời bài hát The sound of silence (Âm thanh của sự tĩnh lặng) của Simon và Garfunkel. Như muốn ám chỉ đến vô vàn những hội thoại trống rỗng vô nghĩa mà con người hầu như “tự nói tự nghe” mỗi ngày. Xã hội càng hiện đại con người ta dễ bị phân tâm hơn, dẫn đến những cuộc nói chuyện rơi tõm vào thinh không. Còn khi giao tiếp với người điếc/khiếm thính, ta sẽ tập trung sử dụng ngôn ngữ kí hiệu, tạo ra một cuộc đối thoại chánh niệm của những người thực sự muốn lắng nghe nhau.

Nhiều người cho rằng CODA thắng giải là một bất ngờ bởi nội dung tương đối dễ đoán và ít sự mới mẻ. Nhưng theo tôi đây là một bộ phim lớn. Nó không chỉ chạm đến trái tim của cộng đồng đông đảo những người câm điếc/khiếm thính vốn rất ít được xuất hiện trên màn ảnh rộng, chạm đến trái tim mỗi chúng ta mà còn đem lại bài học nhân sinh sâu sắc giữa thời hiện đại. Khi con người chủ yếu giao tiếp với nhau qua máy móc và những icon (biểu tượng) vô hồn. Còn ngôn ngữ nhiều khi lại trở thành một thứ bạo lực đau đớn và đáng sợ.

MỚI - NÓNG