Có việc ổn định vẫn muốn 'ngó nghiêng'

Có việc ổn định vẫn muốn 'ngó nghiêng'
Bạn biết mình đã rất may mắn khi có được công việc ổn định, nhưng bạn vẫn muốn “ngó nghiêng” các vị trí khác?

> Đại gia âm thầm thử thách con làm sếp

> 5 lợi ích của việc bị sa thải

Có việc ổn định vẫn muốn 'ngó nghiêng' ảnh 1

Có thể bạn muốn một chỗ lương bổng hậu hĩnh hơn, có thể công việc hiện tại chưa đủ thách thức với bạn, hoặc đơn giản chỉ vì bạn muốn thử sức trong một lĩnh vực mới mẻ khác.

Dù lý do “nhảy việc” của bạn là gì, bạn cũng cần lên kế hoạch thật cẩn thận khi muốn rời bỏ công việc ổn định hiện tại. Bằng cách vạch ra những lý do xác đáng, đưa ra những quyết định có căn cứ cụ thể và thực hiện quá trình tìm việc một cách bí mật, bạn có thể chuyển đổi từ vị trí công việc rất tốt hiện tại sang một công việc khác cũng tốt không kém.

Xác định rõ vì sao bạn muốn “nhảy việc”

Con người luôn có xu hướng thích thay đổi công việc, nhưng sự khác biệt giữa họ là ở chỗ khởi động một cách đầy ý thức quá trình này. Điều trước tiên bạn cần làm là xác định thật rõ vì sao bạn muốn đổi việc.

Bà Mary Elizabeth Bradford, một chuyên gia việc làm cho rằng, “lập kế hoạch là điều quan trọng trước nhất. Hãy hỏi mình câu đó và viết ra những động cơ, những điều khiến bạn thấy, việc chuyển đổi công việc là điều thật sự cần với bạn. Đó có thể vì mức lương hiện tại thấp, vì khoảng cách địa lý hay vì bạn muốn ra khỏi ngành nghề hiện tại. Hãy tạo ra chiến lược rõ ràng và lên kế hoạch để đạt được điều đó. Hãy liên kết những kỹ năng nghề nghiệp và thế mạnh của bạn với lựa chọn công việc mới”.

Nếu quá trình xem xét ban đầu này tạo hứng thú với bạn, hãy tiếp tục các bước tiếp theo. Hãy xác định lại số lượng thành tựu bạn đã đạt được trong sự nghiệp tính tới thời điểm này và lên danh sách những mối quan hệ công việc và những người có thể sẽ xác minh cho bạn các thành tựu đạt được đó.

Tạo cơ hội thử sức cho mình

Nếu bạn đang tìm kiếm những vị trí mới hoặc đang quan tâm tới việc chuyển đổi ngành nghề, hãy thử nghiệm trước khi bước vào nó thực sự.

Thay vì chỉ dành ra 2 tuần tập trung quan sát và hy vọng mọi điều tốt đẹp, bạn hãy chú tâm vào chuyện làm thử công việc mới. Đó là lời khuyên của chuyên gia việc làm Ramon Santillan. “Bạn có thể thử bằng cách trò chuyện với những người đang làm trong lĩnh vực muốn chuyển tới hoặc tham gia thử thách với công việc đó. Cách này không chỉ giúp bạn hiểu rõ, liệu đây có phải con đường bạn muốn đi tiếp hay không mà còn có lợi thế ở chỗ, những người bạn gặp gỡ có thể giúp bạn đặt một chân vào ngành nghề mới. Họ có thể biết về các vị trí còn khuyết trong công ty họ đang làm việc”, Ramon Santillan chia sẻ.

Cẩn trọng trong quá trình tìm việc

Nếu bạn đã quyết định tiến tới tìm kiếm một công việc mới, hãy nhớ giữ thật chắc vị trí công việc đang làm. “Trong bất cứ thời điểm tìm việc mới nào, luôn có một số nguy cơ bạn phải đối mặt”. Đó là lời khuyên của chuyên gia việc làm Bradford. Bạn có thể giảm thiểu nguy cơ bằng cách chia sẻ với những người có vai trò quyết định rằng, việc thay đổi này là hoàn toàn bí mật, không nên đưa thông tin riêng tư của bạn lên trang mạng xã hội hay các trang thông tin việc làm.

Cũng như thế, đừng bao giờ gửi hồ sơ của bạn cho nhà tuyển dụng khi chưa gọi điện để yêu cầu được nói chuyện với người phụ trách hồ sơ của công ty. Hãy nói rõ với họ rằng việc bạn định đổi việc là bí mật, yêu cầu họ không chuyển thông tin của bạn tới bất cứ nơi nào nếu bạn không đồng ý.

Cân nhắc trong cách đối xử với các nhà quản lý hiện tại và tương lai

Nếu bạn đã tìm thấy công việc mình quan tâm và ghi được điểm trong cuộc phỏng vấn rồi, hãy nhớ tỏ ra thật tế nhị, khéo léo.

Trong cuộc phỏng vấn ở công việc mới, có thể người ta muốn biết vì sao bạn quan tâm tới việc này, những bước bạn đã làm để tìm hiểu về lĩnh vực định tham gia, những người bạn đã gặp và những câu hỏi bạn đặt ra với họ, các công việc tình nguyện bạn đã tham gia và những kinh nghiệm trước đây của bạn sẽ giúp bạn hoàn thành tốt công việc mới như thế nào?

Theo chuyên gia Santillan, khi tham gia phỏng vấn, bạn cũng có thể hỏi về việc nhà tuyển dụng đã tham gia lĩnh vực nghề nghiệp của họ ra sao và những thách thức lớn nhất với họ là gì. Bằng cách này, bạn sẽ quyết định được xem bạn có muốn theo đuổi công việc mới đó không, nhưng đừng bao giờ dùng những điều tiêu cực để khẳng định điều đó.

Khi gặp gỡ với nhà quản lý hiện tại hay tương lai, bạn hãy tỏ ra tôn trọng cả hai giai đoạn sự nghiệp của mình. Khi giải thích vì sao bạn muốn đổi việc, chuyên gia Bradford khuyên bạn hãy có câu trả lời kiểu như: “Mặc dù tôi đã có những thách thức và thành công rất thú vị với công việc hiện tại, những niềm đam mê của tôi lại ở lĩnh vực... và tôi quyết định mình sẽ dồn sức cho những tìm kiếm để thay đổi”.

Trong giai đoạn kinh tế liên tục biến chuyển như hiện nay và ngày càng nhiều vị trí công việc phát sinh, hiện tượng chuyển đổi công việc cũng dần trở nên phổ biến. Dù vậy, việc bạn suy nghĩ thật kỹ càng trong các bước “nhảy việc” và duy trì thái độ tôn trọng với những nhà quản lý để đảm bảo các bước tiến an toàn trong sự nghiệp của mình vẫn hết sức cần thiết./.

Theo Đỗ Dương
Dân trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG