Cố vấn nhà nước Myanmar hầu tòa quốc tế

Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi trong ngày thứ hai của phiên tòa Ảnh: Getty
Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi trong ngày thứ hai của phiên tòa Ảnh: Getty
TP - Hôm qua, Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi đích thân đến Tòa án Công lý quốc tế của Liên Hợp Quốc để bảo vệ đất nước trước những cáo buộc diệt chủng đối với cộng đồng Hồi giáo thiểu số Rohingya.

Gambia, một quốc gia nhỏ bé ở Tây Phi và có phần đông dân số theo đạo Hồi, đâm đơn kiện Myanmar lên tòa án ở La Hay, Hà Lan, với cáo buộc rằng nước này vi phạm Công ước cấm diệt chủng có từ năm 1948. Gambia lập luận rằng, theo công ước, tất cả các nước đều phải có nghĩa vụ ngăn chặn diệt chủng xảy ra. Gambia nhận được ủng hộ chính trị từ Tổ chức Hợp tác Hồi giáo gồm 57 thành viên, cùng với Canada và Hà Lan. 

Văn phòng bà Suu Kyi nói rằng, đích thân bà đi hầu tòa là để “bảo vệ lợi ích quốc gia”. Bà ngồi yên lắng nghe trong phiên tòa hôm qua, khi các luật sư đại diện của Gambia đưa ra bằng chứng về nỗi khổ mà người Rohingya phải chịu đựng vì hành động của quân đội Myanmar, Reuters đưa tin. Trong phiên tòa kéo dài 3 ngày của tuần này, các thẩm phán sẽ nghe phần đầu của vụ kiện, trong đó có yêu cầu của Gambia về việc áp dụng “các biện pháp tạm thời”, tương đương lệnh hạn chế đối với Myanmar để bảo vệ cộng đồng người Rohingya cho đến khi phiên tòa kết thúc. 

Dù không tiết lộ sẽ biện hộ như thế nào, bà Suu Kyi và đội cố vấn pháp lý dự kiến lập luận rằng tòa án này không có thẩm quyền xét xử và không có hành động diệt chủng nào xảy ra ở Myanmar. Có hơn 730.000 người Rohingya chạy khỏi Myanmar sau khi quân đội tiến hành đợt truy quét ở bang Rakhine vào tháng 8/2017. Hầu hết số người này đang sống trong các trại tị nạn ở Bangladesh. Myanmar nói rằng, các chiến dịch của quân đội ở Rakhine là để đối phó nhiều hành động khủng bố, và binh lính của họ đã hành xử phù hợp. 

Việc bà Suu Kyi quyết định đích thân dự phiên tòa với tư cách ngoại trưởng nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân trong nước, nơi cộng đồng Rohingya bị coi là những người nhập cư trái phép. Hôm 10/12, đám đông tập trung ở nhiều thành phố của Myanmar để thể hiện ủng hộ đối với nhà lãnh đạo mà họ gọi với cái tên đầy tình cảm là “Mẹ Suu”. 

Bà Suu Kyi từng được ví như Nelson Mandela và Mahatma Gandhi. Năm 1991, bà được trao giải Nobel Hòa bình vì sự phản kháng của bà đối với chính quyền quân đội “bàn tay sắt”. Sau 15 năm bị quản thúc tại gia, bà được trả tự do năm 2010 và dẫn dắt đảng của mình giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015. 

Hôm 10/12, Mỹ tuyên bố trừng phạt 4 lãnh đạo quân đội cấp cao của Myanmar, trong đó có Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing cùng cấp phó Soe Win và 2 quan chức cấp dưới khác. Phát ngôn viên quân đội Myanmar Zaw Min Tun nói rằng, các biện pháp cấm vận đó không có tác dụng gì vì những người bị nêu tên không có tài sản ở Mỹ. “Nhưng điều đó gây tổn thất cho phẩm giá của chúng tôi”, BBC dẫn lời ông Zaw Min Tun. 

Trong lịch sử của mình, Tòa án Công lý quốc tế mới xử 3 vụ liên quan diệt chủng, gồm vụ Khmer Đỏ ở Campuchia vào cuối những năm 1970, vụ ở Rwanda năm 1994 và vụ ở Bosnia năm 1995.

MỚI - NÓNG