> Phần một: Cổ tích một hoa khôi thoát về từ tổ quỷ
Vợ chồng Lục Thị Tuyết đưa con thăm Đồn Biên phòng Tân Thanh. |
Khi Tuyết được các chiến sĩ biên phòng Đồn Tân Thanh giải thoát, đưa đến bệnh viện khám, soi chụp, bố mẹ cô đau khổ khi biết con gái bị gãy cả hai chân, trật khớp, chùn 3 đốt cột sống, rạn xương háng…
Điều trị được một thời gian, một hôm, tình cờ, Tuyết nghe được mấy bác sĩ nói nhỏ với nhau: “Xem những phim chụp thì vô vọng rồi, chẳng thể đi lại được nữa. Tội nghiệp con bé mới chưa đầy 20 tuổi đời mà tàn tật, suốt đời phải ngồi xe lăn…”. Nghe vậy, Tuyết buồn bã vô cùng, mấy đêm liền không ngủ được…
Lục Thị Tuyết. |
Tuyết đang điều trị trong bệnh viện thì lần lượt hai em gái bị tai nạn giao thông. Thấy bố mẹ quá vất vả, Tuyết quyết định xin xuất viện.
Các bác sĩ ở Trung tâm Nhân đạo Hương Sen - Tuyên Quang thương tình cảnh của Tuyết nên dành tặng một chiếc xe lăn nhưng Tuyết chỉ cảm ơn, không nhận.
Mọi người đều không ai hiểu lý do vì sao, hỏi gặng mãi, Tuyết mới thổ lộ: “Cháu xin cảm ơn các cô chú, nếu cháu ngồi vào chiếc xe lăn này thì suốt đời cháu sẽ không thoát khỏi nó”.
Về nhà, Tuyết tập bò từ tầng 1 lên gác rồi lại bò xuống một thời gian dài khiến hai đầu gối chai sần. Sau khi đã đứng dậy được, Tuyết nhờ bố đóng cho 2 cái ghế rồi hai tay nắm chắc hai ghế lần đi từng bước, từng bước.
Sáu tháng sau, Tuyết bỏ ghế, vịn vào thành cầu thang miệt mài tập lên xuống. Lòng quyết tâm và sự kiên trì, bền bỉ của cô gái 18 tuổi đã được đền đáp: Hơn một năm sau, Tuyết đã có thể tự đi lại được trong nhà mà không cần vịn vào bất cứ vật gì.
Một hôm, Tuyết ngỏ ý xin phép bố mẹ cho ra Hà Nội tìm việc làm. Bố, mẹ kêu trời vì tình trạng sức khỏe và ý định của con gái, nhưng ý Tuyết đã quyết, ông bà đành đồng ý.
Do từng sinh hoạt và học nghề tại Trung tâm Nhân đạo dạy nghề cho trẻ em khuyết tật tại Tuyên Quang nên đặt chân lên đất Thủ đô, Tuyết tìm đến các trung tâm Chữ thập đỏ hoặc dành cho người khuyết tật để vừa tìm việc, vừa học nghề.
Thời gian đầu quả là đầy thử thách, vì đi đứng nhiều khi không vững, có lúc Tuyết nản lòng định gọi điện nhờ bố mẹ đón về.
Nhưng nghĩ đến cuộc đời vô dụng ăn bám bố mẹ, cô lại cắn răng chăm chỉ học nghề, đồng thời học thêm ngoại ngữ và theo lớp kế toán có niên hạn 2,5 năm.
Cũng chính thời gian theo học lớp kế toán này mà hạnh phúc mỉm cười với cô gái Tày.
Dạo đó, để tiết kiệm tiền xe ôm, Tuyết nhờ người bạn cùng lớp giúp tập đi xe đạp. Một hôm, đang loay hoay với chiếc xe đạp tuột xích thì có một anh bộ đội đến giúp. Chàng trai tên Dũng đang là cảnh vệ tại Tổng cục Chính trị.
Họ quen nhau, biết được hoàn cảnh của Tuyết, Dũng đã dành hết thời gian rảnh rỗi để động viên, khích lệ Tuyết trong công việc cũng như tập luyện đi lại hằng ngày. Một năm sau, tình yêu nảy nở nhưng gặp một trở ngại lớn là phía nhà Dũng kiên quyết phản đối vì sợ con trai rước một người tàn tật về sẽ phải “hầu hạ” suốt đời.
Đôi tình nhân trẻ tìm mọi cách thuyết phục nhưng vẫn không lay chuyển được ý chí sắt đá của bố mẹ Dũng nên cuối cùng phải dùng đến “chiêu” giả vờ “ăn cơm trước kẻng” và bắn tin cho gia đình là Tuyết đã mang thai 3 tháng.
Nhưng nhà Dũng cũng chẳng vừa, buộc Tuyết đi siêu âm, “âm mưu” của đôi bạn trẻ bị lộ tẩy. Chẳng còn cách nào khác, đôi uyên ương buộc chuyển từ “giả vờ” thành “làm thật” và khi Tuyết mang trong mình một bé trai 2 tháng tuổi thì bên nội đành phải thuận ý.
Chẳng ai ngờ, chỉ về làm dâu một thời gian, bố mẹ chồng đã yêu quý Tuyết như con đẻ bởi nết ăn, nết ở và sự tháo vát, đảm đang của cô con dâu vùng cao.
Khi Tuyết cầm tấm chứng chỉ kế toán trong tay thì cũng là lúc Dũng xuất ngũ. Dũng theo học lớp lái xe và tìm được việc làm. Tuyết, ngoài chuyên môn kế toán, còn thành thạo nghề may nên cũng vượt qua vòng tuyển chọn vào một công ty dệt may tại Hà Nội.
Để thuận tiện cho công việc, Tuyết thuê gian nhà gần công ty và tập đi xe máy. Khi công việc ổn định, Tuyết nhớ lại quãng thời gian đi tìm việc, học nghề ở các trung tâm dành cho người khuyết tật.
Vì đã trải qua những ngày cam go của người mất khả năng di chuyển, nên Tuyết luôn dành tình cảm đặc biệt cho những người có số phận bất hạnh, nhất là trẻ em mồ côi, tàn tật.
Có thời kỳ ở Hà Nội khi còn chưa kiếm được việc làm, dù bản thân đi lại còn khó khăn, Tuyết vẫn dành nhiều thời gian đi tìm việc làm giúp các em nhỏ khuyết tật.
Có dịp, Tuyết bỏ ra cả tháng trời đi khắp 14 xã một huyện của Bắc Giang, xin tổ chức biểu diễn văn nghệ cho các em ở 13 xã. Đi biểu diễn về, các em đều yêu quí, quyến luyến chị Tuyết.
Giờ đây, hằng ngày, sau khi hoàn tất công việc ở công ty, Tuyết vẫn dành thời gian đưa các em khiếm thính, khiếm thị đi đến những khu vực đông người như bến xe, nhà ga, gầm cầu chui… để bán sản phẩm do các em làm ra.
Hôm dọn đến chỗ thuê mới, Tuyết nhớ ngay đến Thanh Bình, một cô gái cũng xấp xỉ tuổi Tuyết, có hoàn cảnh rất éo le. Bố Bình nhiễm chất độc da cam, cả 4 đứa con của ông mà Bình là chị cả đều bị di chứng.
Do bệnh tình quá nặng, bố mất sớm, mẹ vừa ốm yếu, vừa một mình nuôi các con bệnh tật nên cũng lao lực mà qua đời để lại 4 chị em côi cút. Tuyết quen Bình qua những buổi biểu diễn văn nghệ và đi bán hàng rong.
Nay, đã có công ăn việc làm, có chỗ trú thân, Tuyết không quản khó khăn, vất vả để tìm được cho Bình một việc làm hợp với sức khỏe với mức thu nhập 85 ngàn đồng/ngày.
Rồi Tuyết rủ Bình về ở chung với mình để gánh đỡ cho Bình tiền ăn, ở. Bình vui lắm và rất chịu khó làm việc, mỗi tháng chắt chiu được trên dưới 2 triệu đồng gửi về cho 3 đứa em không nơi nương tựa ở Nghệ An.
Khi thấy Bình bị hẫng hụt bởi mối tình đầu với một chàng trai khiếm thị vừa hé nở đã lụi tàn, Tuyết càng dành nhiều thời gian để chăm sóc, động viên Bình đi tiếp trên chặng đường đời đầy gian truân…
Trung úy Biên phòng Hoàng Sơn Thoại, người góp phần cứu Lục Thị Tuyết và động viên cô đứng dậy sống tiếp. |
Qua cơn mưa, trời lại sáng. Đến nay, vợ chồng Tuyết đã xây dựng được một ngôi nhà 80m2 vững chắc ở quê chồng (Hà Nam). Đất thì bố mẹ chồng cho, bên ngoại cũng “kỷ niệm” 4 vạn gạch, tiền xây thì vay mượn mỗi người một chút cộng với số tiền hai vợ chồng tích góp cũng vừa đủ.
Khi đứa con đầu lòng ra đời, Tuyết viết thư cho Trung úy Biên phòng Hoàng Sơn Thoại, người có công đầu trong việc cứu cô về từ Trung Quốc: “… Anh Thoại à, em chẳng bao giờ quên được những ngày cuối năm Ất Dậu đầu năm Bính Tuất đó, nghĩ đến thật là khủng khiếp.
Sau khi em bị lừa bán sang Trung Quốc và bị mấy người vô nhân tính đó bán em vào động mại dâm, em không chịu nên bị chúng nó đánh đập rất dã man. Sau đó em đã nhảy lầu tự tử, may em không chết nhưng bị gãy cả hai chân, chùn 3 đốt cột sống, rạn xương háng.
Em nghĩ mình đã bị tàn phế, chẳng còn một tia hy vọng nào, rất may là em đã được các anh, các chú Đồn Biên phòng giải cứu về Đồn, được anh chải tóc, rửa mặt rồi bón cơm cho em, tình cảm thiêng liêng đó em sẽ chẳng bao giờ quên…
Em còn nhớ anh đã từng nói với em bức thư trước: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền…”. Những khi em đau buồn, tuyệt vọng, em lại nhớ đến những lời khuyên trong những lá thư anh viết cho em nên em đã rất cố gắng luyện tập không ngừng, ngày đêm luyện tập cực khổ hơn 3 năm…
Đến nay, sự cố gắng của em đã được đền đáp, em đã xây dựng gia đình, em rất hạnh phúc, hạnh phúc hơn là em đã sinh được 1 bé trai rất kháu khỉnh. Đã từ rất lâu, em coi các chú các anh cán bộ Đồn Biên phòng Tân Thanh - Lạng Sơn đã sinh ra em lần thứ hai”.
Tiếp theo và hết
Mạnh Việt