Có thực đẹp và sang nhờ yến sào?

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Không chỉ chọn các nhãn mác thời trang hàng hiệu, các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp đắt tiền… thời gian gần đây, mốt ăn cháo yến cũng được nhiều phụ nữ ưa dùng để giữ gìn nhan sắc và thể hiện sự phong lưu.

Yến sào - Món ăn thời thượng

Nếu chị Ngọc Hạnh (ngụ P. Đa Kao, Q.1, Tp.HCM) thỉnh thoảng mới đi thưởng thức các món ăn từ yến, trong đó có món cháo yến chỉ vì: “Đi ăn cho biết với người ta chứ thấy mấy chị làm cùng cứ bàn tán về cháo yến, yến sào ăn vào trẻ đẹp hơn mà mình không biết thì cũng kỳ!” thì bà Trần Thị Ngọc Du (cư xá Cửu Long, P.22, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM) lại khẳng định đấy là thói quen không thể thiếu của bà hơn một năm nay.

Bà Du là tiểu thương kinh doanh vàng bạc đá quý có tiếng ở chợ Bình Tây, cuộc sống khá giả, nên rất quan tâm đến sức khỏe và sắc đẹp bản thân. Bà rất hay xum xoe kể với mọi người về thói quen “quý tộc” này. Bà kể, một lần đi spa, nghe mấy nhân viên nói về món cháo yến: “Ăn cháo yến thường xuyên, đều đặn không những bản thân người pụ nữa đẹp ra mà còn tốt cho sức khỏe”.

Từ đó bà Du đưa món ăn này vào luôn danh mục thói quen thường xuyên của mình. Đều đặn mỗi tuần bà ăn cháo yến 2 lần. Đó là chưa kể những món cũng được chế biến từ yến mà bà ngẫu hứng dùng thêm như: nước yến sào, chè yến… Ấy vậy nhưng khi mọi người hỏi sâu vào tác dụng cụ thể của cháo yến như thế nào, đẹp ra sao thì bà không giải thích được.

“Chết” vì câu “Tiền nào của nấy”

Đó chính là tình cảnh chung của hầu hết chị em chọn cháo yến để thể hiện sự phong lưu và ước muốn làm đẹp của mình. Khi dùng món này, họ chỉ nghĩ đơn thuần “tiền nào của nấy”, món ăn có đắt tiền thì công dụng cũng tương xứng.

Chị Nguyễn Thị Hiền (35 tuổi, một tiểu thương nhỏ ở chợ Bình Tây, Q.5 Tp.HCM) có chồng là cán bộ nhà nước, cuộc sống gia đình chỉ ổn định nhưng cũng muốn chơi sang. Chị nói: “Mình có thói quen là chịu “đầu tư” làm đẹp lắm. Tiền xài bao nhiêu cũng hết nhưng chịu khó trích ra để đẹp hơn mà giữ được chồng cũng tốt”. Chị nói đã lên mạng tìm hiểu về cháo yến sau khi nghe một chị quản lí trong công ty bộc bạch về thói quen làm đẹp là ăn cháo yến. Vừa lau máy ép trái cây, chị vừa tủm tỉm: “Ăn cháo yến nghe nói ngủ ngon hơn, da trắng ra mà trẻ trung nữa. Mình không nhiều tiền thì khoảng một tháng ăn một lần. Bồi bổ cơ thể mà đẹp thêm nữa thì bỏ tiền cũng đáng”.

Nhưng mọi chuyện không đơn giản. Có thể ngày xưa mọi người trọng chữ tín nên luôn đưa câu “Tiền nào của nấy” làm tiêu chí trong buôn bán. Trong thời đại ngày nay, câu thành ngữ này lại dễ trở thành mồi câu hữu hiệu để giới buôn bán tung mẻ lưới làm ăn.

Chị Ánh Nguyệt (37 tuổi, ngụ tại H.Dĩ An, Bình Dương) từng là đầu bếp cho nhiều nhà hàng ở Tp.HCM cho biết: “Phần lớn nhà hàng, đặc biệt là các quán ăn dành cho người trung lưu thường chế biến món ăn từ yến rất… tiết kiệm yến. Một tổ yến họ có thể nấu từ 2 đến 3 tô cháo giá trung bình khoảng 200 ngàn đồng.

Đối với những quán trung lưu, tô cháo giá từ 150 ngàn thì lượng yến thật càng bị chắt chiu hơn nữa! Đó là chưa kể họ có thể mua hương liệu trôi nổi để nấu kết hợp với… yến giả. Chỉ có những người sành ăn mới biết chất lượng thật sự ở các quán ăn này”. Chị Nguyệt cũng nói thêm, không phủ nhận có những nơi uy tín và nấu cháo yến bằng yến thật và giá kèm theo đó cũng cao chót vót.


Tổ yến chứa đủ các axit amin cần thiết cho cơ thể con người nên được ưu tiên dùng cho người gầy gò, suy nhược. Tuy nhiên tổ yến được làm từ nước dãi của chim yến do đó nếu chim bị nhiễm bệnh hoặc thức ăn của chim bị nhiễm độc chất thì vẫn ảnh hưởng đến con người.
Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu Tp.HCM cho biết, theo Đông y, tổ yến có công dụng bổ phổi, bổ huyết, thanh nhiệt, ổn định thần kinh, trí nhớ, kích thích tăng trưởng tế bào, tăng cường đề kháng cơ thể. Người suy nhược nếu dùng thường xuyên sẽ đẹp da, tăng cường tuổi thọ.

Nhưng cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh ăn yến giúp có làn da trắng. Hơn nữa, những món ăn làm từ tổ yến kể cả cháo yến là dành cho người suy nhược cơ thể. Nếu người nào muốn dùng cũng cần có sự tư vấn của bác sĩ để phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại.

Ông Bảy cho biết thêm, tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người mà tác dụng của món ăn này sẽ khác nhau. Đặc biệt những người phải thận trọng khi dùng yến là: Bà mẹ mang thai dưới 3 tháng, trẻ sơ sinh. Khi dùng cho trẻ nên thử từ từ, vì có thể gây dị ứng.

Ngoài ra, theo Đông y người có thể trạng đàm thấp, béo mập, da mét, tay chân lạnh, cao huyết áp, thống phong, thường bị đầy bụng, tiêu chảy, lạnh bụng… không nên dùng yến sào.

Phân biệt yến sào giả- yến sào thật

Yến thật

Yến thật có hình dạng giống như chiếc vỏ ngao, vỏ sò. Đặc trưng nổi bật trước hết của tổ yến là sự chồng chéo, gắn liền nhau của nhiều lớp sợi trông như xơ mướp, vành tổ mỏng nhưng chân tổ lại dày để có thể bám chặt vào vách đá.

Kích thước mỗi tổ yến có chiều dài từ 8-10cm, ngang khoảng 5-6cm và cao từ 4-5cm. Tổ lớn và dày cân nặng bình quân 10g.

Về cảm quan, tổ yến thực có mùi tanh của nước biển, màu trắng trong, chỉ ở chân tổ có màu đen do dính đá, nước biển và lông chim. Lọc qua giấy lọc sau khi đun sôi để nguội tổ yến thực vẫn trở lại dạng sợi bình thường không mùi.

Yến giả

Yến sào giả “nguyên con” cũng có các sợi chồng chéo gắn liền nhau một cách rất công phu và tinh xảo, nhưng thực chất chỉ là một hỗn hợp được cấu tạo bằng Agar, tinh bột, lòng trắng trứng và sụn cước cá với một kỹ thuật chế biến tinh vi đến mức trông giống như yến sào thực.

Tổ yến giả có màu trắng đục hơi ngà, từ thân tổ ra một màu như nhau, toát ra mùi hôi khó chịu khi chưa đun lẫn khi đun. Mặt ngoài tổ nhẵn, các sợi bết nhau, bản sợi to trông “dại” không tự nhiên. Tổ nở ngay sau 2 phút ngâm, sợi rã ra và nước có màu trắng đục, độ pH = 5 là loại axit có hại cho người đau dạ dày. Đáng chú ý, sau 15 phút đun sôi, tổ yến giả có mùi của carbonat natri rất hắc. Sôi có nhiều bọt, không lọc được qua giấy lọc, để qua đêm chuyển màu vàng, chảy nước và hôi như bị thiu.

Mặt khác, do được làm có chất tinh bột nên khi khử bằng thuốc Luigon (loại thuốc thử đặc trưng để xác định tinh bột) nhỏ vào, tổ yến giả cho phản ứng tạo màu xanh (không còn màu sau khi đun để nguội); riêng tổ yến thực khi gặp thuốc thử này không có phản ứng tạo màu, vì không có tinh bột…

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG