Có thể sản xuất đại trà ngô biến đổi gene trong năm nay

Có thể sản xuất đại trà ngô biến đổi gene trong năm nay
TPO - Ngày 5-4, Viện Di truyền Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), cho biết việc khảo nghiệm ngô biến đổi gene (BĐG) diện rộng cho kết quả khả quan.

Dự kiến có thể đưa loại ngô này vào sản xuất đại trà trong năm nay trong khi vẫn còn nhiều ý kiến quan ngại.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tại buổi công bố kết quả kết quả khảo nghiệm ngô BĐG hôm qua, Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết, qua 2 vụ khảo nghiệm giống ngô biến đổi gene trên diện rộng tại 4 tỉnh, đại diện các vùng sinh thái là Vĩnh Phúc, Đắk Lắk, Sơn La và Vũng Tàu, cho kết quả khả quan, có sản lượng, năng suất tăng đáng kể so giống bình thường. Do vậy, Viện này đề nghị đề nghị Bộ NN&PTNT công nhận kết quả khảo nghiệm các giống ngô chuyển gen an toàn sinh học và môi trường sinh thái nước ta.

Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết, qua khảo nghiệm, giống ngô BĐG không tác động đến việc hình thành các loại cỏ dại, dịch hại cho ngành nông nghiệp. Đồng thời, không có rủi ro đáng tiếc ảnh hưởng đến kết quả khảo nghiệm, sức khỏe những người tham gia khảo nghiệm, đồng thời cũng chưa ghi nhận được ảnh hưởng xấu nào của các giống ngô này với đa dạng sinh học, môi trường sinh thái nông nghiệp và hệ sinh thái xung quanh cũng như các tác động bất lợi khác.

TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp cho hay, khả năng kháng sâu của ngô khảo nghiệm cho kết quả tốt, năng suất, chất lượng và độ kháng sâu đục thân của loại cây trồng này hơn hẳn cây ngô được trồng đối chứng trong cùng một điều kiện như nhau. Cụ thể năng suất ngô BĐG cao hơn từ 30-40%.

Ông Nguyễn Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng thừa nhận, kết quả khảo nghiệm ngô BĐG cho kết quả tốt, độ an toàn sinh học cao. Sở dĩ Việt Nam đặt ra vấn đề trồng ngô BĐG trong các năm tới như một vấn đề mang tính chiến lược, bởi nhu cầu bức thiết về nguồn thức ăn gia súc đang thiếu hụt hiện nay, trong khi dư luận vẫn lo ngại về những tác hại khó định lượng của loại cây trồng này.

Hiện, hàng năm, nước ta vẫn nhập khoảng 1,6 triệu tấn ngô nguyên liệu để chế biến thức ăn chăn nuôi. Do vậy, việc áp dụng rộng rãi trồng ngô BĐG đang được Bộ NN&PTNT cân nhắc.

Tuy nhiên, bện cạnh đó, vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại về giống ngô BĐG khi áp dụng trồng đại trà. Nguyên Viện trưởng Viện di Truyền Nông nghiệp Trần Duy Quí cho hay, mới làm 2 vụ liên tiếp không có gia trị gì trong khảo nghiệm, thí nghiệm, làm sao mà đã đánh giá được ảnh hưởng sinh vật, môi trường. Đơn cử như Mỹ có kinh nghiệm trồng cây biến đổi gen nhưng giờ mới phát hiện ra sâu ăn rễ.

“Cây trồng BĐG là thành tựu của loài người, nhưng phải tuân thủ nguyên tắc của tất cả các nước, trong đó có VN. Chúng ta đã có Luật An toàn sinh học, nên tôi đề nghị, nếu có triển vọng thì nên khảo nghiệm liên tiếp 6 vụ. Chúng tôi ủng hộ đưa cây trồng BĐG trồng càng sớm càng tốt nhưng, phải làm kỹ càng, thấu đáo”- ông Quý nói.

GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng cũng cho rằng, muốn đưa bất kỳ cây trồng BĐG cần phải có đánh giá rủi ro, giám sát chặt chẽ, phải tính toán hết sức kỹ lưỡng giữa những lợi ích thật sự cho người nông dân. Ở Việt Nam mới khảo nghiệm 2 vụ là chư đủ điều kiện kết luận, nhưng kết quả này là một bước quan trọng để làm tiếp khảo nghiệm một vài vụ nữa.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng, việc ứng dụng cây trồng BĐG vào sản xuất là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với các quốc gia, đặc biệt nước ta mới tiếp cận với loại cây này. Bước đầu, Bộ sẽ công nhận khảo nghiệm, sau đó, sẽ xin ý kiến Bộ TB&MT, lúc đó mới đưa ra khuyến cáo công nhận kết quả hay không. Nếu thuận lợi, có thể dưa sản xuất ngô BĐG trong năm nay.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Thái Nguyên chốt phương án sắp xếp tinh gọn bộ máy
Thái Nguyên chốt phương án sắp xếp tinh gọn bộ máy
TPO - Với việc thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tỉnh Thái Nguyên sẽ giảm được một cơ quan khối Đảng cấp tỉnh, giảm 9 cơ quan khối Đảng của cấp huyện; giảm 6 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 36 phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.