Theo Sở GTVT TPHCM, quy hoạch phát triển giao thông vận tải của TP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007, điều chỉnh năm 2013 và từ quy hoạch này đã góp phần phát triển giao thông, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, quy hoạch trên cũng bộc lộ những vấn đề lớn. Đó cũng là những điểm nghẽn sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của TPHCM mà của cả vùng.
Phát biểu mở đầu hội thảo, ông Phan Văn Mãi cũng cho biết, sau thời gian thực hiện, quy hoạch giao thông ở TPHCM đã bộc lộ những bất cập rất lớn. Đó là những điểm nghẽn, nút thắt không chỉ ở phạm vi của ngành giao thông mà còn là vấn đề phát triển kinh tế, xã hội thành phố. Không chỉ của thành phố mà còn của khu vực, của vùng. Để quy hoạch giao thông đạt kết quả cao nhất cần đặt TPHCM với các mối quan hệ vùng như Đông Nam bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì hội thảo chuyên đề quy hoạch giao thông ở TPHCM. |
“Giao thông phải đi trước mở đường cho sự phát triển kinh tế xã hội để từ đó mở mũi giao thông cho sự phát triển của thành phố và cả vùng Đông Nam Bộ, dẫn dắt sự phát triển chung của cả nước”- ông Phan Văn Mãi nói.
Cũng theo ông Phan Văn Mãi, để thực hiện quy hoạch chung đạt kết quả cao nhất, việc rà soát các lĩnh vực, các định hướng phát triển chung của thành phố đặt trong mối quan hệ với vùng, gắn với quy hoạch ngành quốc gia, chiến lược quốc gia là rất quan trọng. TPHCM tiến hành rà soát các lĩnh vực, trong đó giao thông là rất quan trọng với quan điểm giao thông đi trước mở đường.
“Giao thông của thành phố không chỉ nằm trong địa giới TPHCM, phải kết nối không chỉ với các tỉnh, vùng lân cận mà nhìn rộng ra với kết nối rộng hơn, kết nối quốc gia và quốc tế. Do đó những định hướng, những điểm mới cho quy hoạch sắp tới cần được nhìn trong mối liên kết lớn”- ông Mãi nói.
Quang cảnh buổi hội thảo. |
Tại hội thảo chuyên đề, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết mong muốn lắng nghe ý kiến của đại biểu đánh giá kết quả triển khai quy hoạch giao thông của thành phố, đặc biệt chỉ ra những điểm nghẽn, những điểm cần phải sửa đổi để “tháo điểm nghẽn” giao thông của thành phố, từ đó mở rộng liên kết vùng, khu vực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng cho biết trong thời gian qua, TP gặp nhiều khó khăn trong triển khai các công trình giao thông, giải phóng nhiều mặt bằng, liên quan rất nhiều người dân. Nếu không có cách giải quyết bài toán về vốn cũng như e dè thì sẽ rất là khó thực hiện. Vì vậy, TPHCM rất mong muốn được lắng nghe ý kiến chuyên gia để giúp TP quy hoạch.
“Chúng ta có thể làm kinh tế giao thông thay vì chỉ là dự án giao thông. Nói rộng hơn, có cả kinh tế đất đai, câu chuyện chúng ta giải quyết hài hòa quyền lợi của người dân và nhà nước, nhà đầu tư thì chúng ta sẽ đẩy nhanh được các dự án giao thông trong thời gian tới”- ông Mãi nêu gợi ý và cho biết, những điểm mới này cần được nhìn rộng hơn trong mối liên kết giao thông thành phố không chỉ nằm trong địa giới thành phố mà phải kết nối các tỉnh, vùng lân cận, kết nối quốc gia, quốc tế.
Dự án giao thông còn chậm, chưa đồng bộ với quy hoạch
Tại hội thảo, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT cho biết đến nay, tình hình thực hiện các công trình giao thông kết nối vùng theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 còn chậm, chưa đồng bộ với quy mô dân số và tương xứng với vị trí, vai trò đầu tàu về phát triển kinh tế của thành phố.
Theo ông Lâm, trong tương lai cần nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh sao cho phù hợp với quy mô, tầm nhìn phát triển của TP.
Đơn cử như bổ sung quy hoạch hệ thống đường bên sông Sài Gòn như tuyến nối vào trung tâm TP với khu vực phía Tây Bắc TP...
Hệ thống đường sắt đô thị, quy hoạch đô thị theo hình thức TOD (Transit Oriented Development - Mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng), các tuyến đường sắt đô thị kết nối với các sân bay, cảng biển... tạo tiền đề phát triển kinh tế xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hiện nay, Chính phủ đã có quy hoạch ngành, cơ bản phù hợp với các quy hoạch trước đây, song sự kết hợp với các tỉnh liền kề với nhau là trách nhiệm của các địa phương.
“Ngoài hội thảo, TPHCM mong muốn được tiếp nhận ý kiến của các địa phương và chuyên gia để quy hoạch ngày một hoàn thiện hơn”- ông Lâm chia sẻ.