Có thể bỏ thi ba chung

Có thể bỏ thi ba chung
Các trường đại học (ĐH) tại TP.HCM đã góp ý cho dự thảo Chiến lược Phát triển giáo dục 2011 - 2020. Trong đó, đổi mới thi cử và quản lý, phân tầng các trường ĐH là vấn đề “nóng”.

> Điều kiện cho “3 chung” và “1 riêng”

Thí sinh căng thẳng
Thí sinh căng thẳng "chen" chân vào cánh cửa ĐH mỗi mùa thi. Ảnh: Đào Ngọc Thạch.
 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã làm việc tại TP.HCM vào hôm 4 - 10 với UBND TP.HCM, hiệu trưởng các trường của tất cả các cấp học, nhằm lấy ý kiến cho Chiến lược Phát triển giáo dục (GD) 2011-2020.

Thi ba chung đã lỗi thời

“Đã đến lúc quá chín muồi để chấm dứt thi ĐH-CĐ theo ba chung. Không có một dân tộc nào mà cả nước nín thở, hồi hộp theo dõi một cuộc thi ĐH đến từng dấu cộng trong đề thi. Chỉ cần sai một dấu là ảnh hưởng đến cả nước”. Đó là ý kiến của Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Theo ông Sen, giao quyền tự chủ cho các trường ĐH là xu hướng tất yếu trong đổi mới GD. Khi Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ tài chính cho các trường; quyền ký, cấp các văn bằng cử nhân, thạc sĩ và sắp tới đây là tiến sĩ cho hiệu trưởng các trường ĐH thì không cớ gì Bộ GD-ĐT lại vẫn cứ phải lo "siết" đầu vào.

Đồng tình với ý kiến của ông Sen có nhiều hiệu trưởng của các trường ĐH khác. Phó giáo sư, Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng ĐH Luật TP.HCM, phân tích thêm: Nếu thay đổi thi ba chung thì cần một lộ trình để sự thay đổi có căn cơ.

Cả xã hội cùng hồi hộp theo dõi và vận động theo kỳ thi ĐH. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Cả xã hội cùng hồi hộp theo dõi và vận động theo kỳ thi ĐH. Ảnh: Đào Ngọc Thạch.
 

Theo bà Quỳ, Bộ GD-ĐT nên mở rộng đầu vào tuyển sinh ĐH. “Không phải các trường ĐH, các ngành đào tạo đều cần phải thi đầu vào. Mỗi trường ĐH có cơ chế sàng lọc tự thân trong quá trình đào tạo, để đảm bảo chất lượng đầu ra. Đây mới là điều quan trọng. Vì vậy, có ngành cần phải thi đầu vào, có ngành không cần phải thi mà thí sinh chỉ cần đăng ký và được xét tuyển theo học”, bà Quỳ nói.

Bên cạnh đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Bảo Lâm, Hiệu trưởng ĐH Mở TP.HCM, cho rằng, việc thi theo các khối A, B, C, D như hiện nay đã không còn phù hợp với yêu cầu đào tạo của từng ngành.

Cùng ý kiến trên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Tấn Sơn, Hiệu trưởng ĐH Y dược TP.HCM, kiến nghị Bộ GD-ĐT cần có lộ trình để thay đổi các môn thi cho phù hợp với từng ngành đào tạo ĐH.

“Các trường ĐH có thể được tự tuyển sinh theo yêu cầu đào tạo và tự chứng minh chất lượng GD, chỗ đứng của trường. Từ đó, sẽ có sự phân tầng về chất lượng, vị trí các trường ĐH. Bộ GD-ĐT chỉ giữ vai trò kiểm tra, quản lý. Trường nào sai thì chịu trách nhiệm”, ông Sen nói.

Các trường ĐH kiến nghị được tự chủ trong phương án, cách thức tuyển sinh. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Các trường ĐH kiến nghị được tự chủ trong phương án, cách thức tuyển sinh. Ảnh: Đào Ngọc Thạch.
 

Đầu tư trọng điểm cho giáo dục

Song song với việc thi cử thì chất lượng và phân tầng GD cũng được các hiệu trưởng đặt ra. Theo bà Quỳ, Bộ GD-ĐT hiện nay đầu tư tràn lan cho GD.

“Cần có một sự phân tầng các trường ĐH, trường nào có nhiệm vụ “phổ cập” ĐH, trường nào đào tạo mũi nhọn, chuyên sâu, là đầu tàu “kéo” cả ngành GD đi lên”, bà Quỳ góp ý.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng, Nhà nước cần bỏ tiền đầu tư vào những ngành học mà đất nước, xã hội đang cần nhưng người học lại không mặn mà vì không phải ngành “thời thượng”.

Cụ thể hơn, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hay, Phó hiệu trưởng ĐH Nông Lâm dẫn chứng, trong mỗi đợt tuyển sinh của trường thì khối kinh tế có thí sinh thi vào rất nhiều, trong khi khối khoa học kỹ thuật thì không ai thi. Trong chiến lược GD cần có những chính sách điều phối để cân bằng nguồn nhân lực.

Kết luận trước các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Thi ba chung đã tồn tại qua 10 năm nay và đạt được những hiệu quả. Hiện nay, người dân đã có sự cân nhắc khi chọn lựa khi thi vào các trường ĐH. Về việc thay đổi, tìm phương án thay thế cho hình thức thi ba chung, Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu nhưng sẽ thực hiện từng bước, tránh gây đảo lộn, “sốc” trong thay đổi.

“Bộ GD-ĐT cho phép các trường đề xuất phương án tuyển sinh (để thay thế thi ba chung) nhưng không được lặp lại hiện trạng thi tràn lan như trước kia. Việc tuyển sinh phải công khai cho toàn dân giám sát và đảm bảo an toàn. Nếu các trường có phương án khác thay thế thi 3 chung thì Bộ ủng hộ, miễn sao đảm bảo các điều kiện trên”, ông Luận nói.

Theo Viên An
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG