Cơ quan tố tụng nói gì sau khi xin lỗi 'tử tù 43 năm kêu oan'?

Ông Trần Văn Thêm và người thân tại buổi xin lỗi. Ảnh: Nguyễn Trường.
Ông Trần Văn Thêm và người thân tại buổi xin lỗi. Ảnh: Nguyễn Trường.
TPO - Sau buổi xin lỗi công khai cụ Trần Văn Thêm (81 tuổi) trú tại thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, đại diện 3 cơ quan tố tụng là TAND tối cao, VKSND tối cao và Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã có cuộc họp báo với một số cơ quan báo chí.

Không phải ông Thêm mang án tử hình gần 50 năm nay

Mở đầu buổi họp báo, ông Bùi Ngọc Hòa, Phó chánh án TAND tối cao nói: Có một số báo đăng lên là ông Trần Văn Thêm bị 2 án tử hình oan 46 năm là không chính xác. Thực tế, hai bản án đối với bị cáo Thêm năm 1974 của Tòa phúc thẩm TAND tại Hà Nội và năm 1973 của TAND Phú Thọ cũ (là các bản án đã quyết định ông Thêm tử hình do phạm tội giết người - PV) đã không còn phù hợp sau khi có quyết định giám đốc thẩm hủy 2 bản án này của TAND tối cao. Và lẽ ra, sau khi được thả tự do, các cơ quan tố tụng phải có các quyết định về mặt pháp lý nhưng do nhiều nguyên nhân khiến cho việc đưa ra các quyết định bị chậm. 

Đại diện của Bộ Công an cũng cho biết, thời gian ông Thêm thụ án tử hình cũng không phải là 5 năm 6 tháng 7 ngày mà đây là thời gian đã bao gồm cả lúc ông  bị tạm giam để điều tra theo quy định. 

Phó chánh án TAND tối cao Bùi Ngọc Hòa cho biết: ”Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Sau khi vụ án bị hủy để điều tra lại, xét xử lại, các cơ quan tố tụng đã vào cuộc điều tra. Trong giai đoạn đó đã có cơ sở để kết luận ông Trần Văn Thêm không phạm tội giết người nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng đã chậm ban hành quyết định”, 

Cơ quan tố tụng nói gì sau khi xin lỗi 'tử tù 43 năm kêu oan'? ảnh 1

Đại diện các cơ quan tố tụng tổ chức họp báo sau buổi xin lỗi công khai. Ảnh: Nguyễn Trường

Cùng chung quan điểm này, đại diện của Bộ Công an cho rằng: “Nếu nói thời điểm xảy ra vụ án đang chiến tranh ác liệt, năm 1972, nếu lúc đó là cơ quan cảnh sát điều tra, lúc đó tôi còn đang học cấp 2 nên đồng chí Phó Chánh án đã nhận là trách nhiệm chung của các cơ quan tố tụng. Đặc biệt trong thời gian qua, chúng tôi đã nhận rõ trách nhiệm đó nên chúng tôi có sự phối hợp chặt chẽ để xác định rõ là có người khác gây án. Nhưng hiện nay chúng tôi điều tra lại thì người này đã chết nên trong lý do hôm nay chúng tôi không nêu tên ai”.

Cơ quan tố tụng nói gì sau khi xin lỗi 'tử tù 43 năm kêu oan'? ảnh 2

Đại diện VKS nhận trách nhiệm trước vụ việc. Ảnh: Nguyễn Trường

Ông Thêm được bồi thường như thế nào?

Theo đại diện các cơ quan tố tụng, ngay sau buổi xin lỗi, ông Thêm và gia đình cần làm đơn và chuẩn bị các tài liệu chứng minh những tổn thất về tài sản, tinh thần trong suốt những năm qua. Trên cơ sở xem xét các xem xét những tài liệu, yêu cầu là chính đáng hợp lý và có cơ sở pháp lý thì sẽ bồi thường cho người bị oan sai. 

Hiện nay, các cơ quan tố tụng đã công bố những quyết định đình chỉ điều tra, bước tiếp theo là Tòa cấp cao tại Hà Nội sẽ đăng báo 3 số liên tiếp công khai xin lỗi. Việc bồi thường sẽ căn cứ vào đơn yêu cầu bồi thường của ông Thêm, TAND sẽ căn cứ để bồi thường theo quy định.

Đối với gia đình người bị hại (tức gia đình ông Nguyễn Khắc Văn), ông Bùi Ngọc Hòa khẳng định, vụ án này chưa được đình chỉ điều tra, tức là mới công bố quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Trần Văn Thêm. Còn vụ án giết người vẫn chưa đình chỉ điều tra. 

Tại cuộc họp, đại diện VKS cấp cao tại Hà Nội cho rằng: “Nếu như theo quy định của pháp luật hiện hành thì đến nay cũng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, bản thân người gây ra vụ án đã chết. Tuy nhiên, theo tôi đến lúc các cơ quan tố tụng phải kết thúc vụ án”.

MỚI - NÓNG