Có phải mọi cánh cửa đều đóng với thạc sĩ

Có phải mọi cánh cửa đều đóng với thạc sĩ
TP - Câu chuyện của thạc sĩ loại giỏi Phan Thị Trang Nhung suốt 3 năm, nộp gần ba chục bộ hồ sơ gõ cửa các cơ quan chức năng tại Đà Nẵng, nhưng vẫn thất nghiệp không khỏi làm rúng động dư luận. Câu hỏi được đặt ra là: có phải mọi cánh cửa đều đóng đối với người tốt nghiệp đại học hoặc với thạc sĩ, tiến sĩ hay không?

> Cứ thất nghiệp là đi làm… thạc sĩ
> Thừa thầy, thiếu thợ, vì đâu?

Anh Linh, một cử nhân ngành Triết học, sinh năm 1982, sau khi tốt nghiệp đã vào làm công tác giảng dạy môn chính trị, ở một trường trung cấp, nơi theo anh, công tác tuyển sinh không được tốt lắm, như tình cảnh của đa số trường trung cấp hiện nay.

 Nhìn chung, chúng ta đang rơi vào tình trạng thừa nhân lực nhưng lại không phải thừa. Mỗi năm hàng chục ngàn sinh viên, thạc sĩ tốt nghiệp nhưng ai cũng cố bám lấy Hà Nội, TPHCM hay các thành phố trung tâm thì lấy đâu ra chỗ làm!  

(Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội)

Để có cơ hội việc làm tốt hơn và quan trọng là được dạy những môn thuộc lý luận mà anh đã được học, Linh tự bỏ tiền túi ra học thạc sĩ triết học. Sau khi cầm tấm bằng thạc sĩ, Linh đã mất khoảng 2 năm để tìm việc làm nhưng kết quả vẫn là con số không. Phân tích nguyên nhân, Linh nói: ngoài tình hình xin việc khó khăn hiện nay, ngành học của anh bị hạn chế lĩnh vực công tác- không nhiều nơi cần người dạy môn chính trị hoặc nghiên cứu.

Theo anh, những trường đào tạo các ngành khoa học XH-NV hiện nay cần nghiên cứu kỹ công ăn việc làm của các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực này để đảm bảo sinh viên ra trường có nơi làm việc. Anh nói, khi chuẩn bị thi vào trường đọc thông tin, thấy nhiều cơ hội việc làm cho các ngành này, nhưng khi ra trường, mọi việc khác hẳn.

Ngoài ra, trường đại học đã không đào tạo các kỹ năng mềm cho sinh viên một cách đầy đủ khiến người tốt nghiệp không khỏi chật vật khi xin việc.

Một thạc sĩ Anh quốc khác, Hoàng Thu Trang, sinh năm 1989, tốt nghiệp ngành kinh tế đối ngoại (ĐH Ngoại thương) và học thêm Tài chính ngân hàng ở trường Đại học Birmingham. Trang rải hơn 100 bộ hồ sơ (trực tiếp và online) và chờ đợi.

Cô tâm sự: khổ nhất cho những người chờ việc là hàng ngày mong thư gửi đến, là nghe bà và mẹ thở dài: “Bỏ cả đống tiền cho đi học nước ngoài mà vẫn thất nghiệp” hay “chả thấy việc, chả thấy lấy chồng gì cả, học để làm gì”... Rồi số phận mỉm cười - 20 nơi gọi; Trang đi làm.

Cô chọn một ngân hàng. Vì môi trường làm việc không thích hợp, Trang bỏ việc. Sau đó lại rải thảm hồ sơ và cô may mắn đỗ vào chi cục quản lý thị trường Sở Công thương HN cùng lúc với một ngân hàng ngoại quốc. Cô chọn ngân hàng vì đó là lĩnh vực cô được đào tạo.

Trang tâm sự: ngày nay, dù cử nhân hay thạc sĩ, ra trường khó có cơ hội việc làm hơn do những nguyên nhân sau: kinh tế khó khăn, các cơ quan sa thải nhiều, ngày càng có ít nơi tuyển dụng trong khi bản thân người học thiếu kinh nghiệm thực tế.

Một nguyên nhân khác rất quan trọng là khó khăn đến từ việc không công bằng trong tuyển dụng: nhiều khi một kỳ thi tuyển chỉ tổ chức mang tính hình thức, thực chất, chỗ trống đã có nhân sự!

Tuy nhiên, Trang nhấn mạnh, mọi cánh cửa không phải đã đóng lại; muốn thành công, trước hết phải giỏi chuyên môn, giỏi kỹ năng mềm, không nản lòng, không bỏ cuộc và không... kén chọn việc hay địa bàn thì vẫn có thể tìm được việc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG