> Vợ Jang Song-thaek chỉ huy vụ thanh trừng chồng?
> Hình ảnh phiên tòa xét xử Jang Song Thaek
Lễ tưởng niệm diễn ra một tuần sau vụ tử hình nhân vật quyền lực thứ hai Triều Tiên Jang Song-thaek. Ông Jang và vợ, bà Kim Kyong-hui, từng được coi là “cặp đôi quyền lực của Bình Nhưỡng”.
Theo báo Nhật Bản Asahi Shimbun, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ra lệnh cho người cô ly dị một ngày trước khi xử tử ông Jang. Bà Kim Kyong-hui trước đây thường xuất hiện bên cạnh cháu trai Kim Jong-un và các nhân vật cấp cao trong các sự kiện quan trọng của Triều Tiên.
Báo chí Triều Tiên không nói tại sao bà Kim hôm qua không dự lễ tưởng niệm tại Cung tưởng niệm Kumsusan ở Bình Nhưỡng. Trong dịp tưởng niệm này, giới chính trị và quân đội Triều Tiên thề trung thành với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Theo giới quan sát, dù nhiều quan chức phải ra đi trong suốt lịch sử hiện đại của Triều Tiên, nhưng hiếm khi có nhân vật quyền lực nào như ông Jang bị hạ bệ một cách công khai như vậy. Các chuyên gia cho rằng, đây có thể là dấu hiệu nội bộ Triều Tiên có sự chia rẽ. Phần lớn quan chức cấp cao thuộc thế hệ cũ giờ đã được thay thế bằng người trẻ hơn. Vị trí Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên đã thay đổi bốn lần, từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền.
Ông Choe Ryong-hae, một người trung thành với đảng và gia đình Kim nhiều thập kỷ qua, rút lui khỏi sân khấu chính trị 3 năm trước, giờ nổi lên như một cố vấn có ảnh hưởng nhất đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Hôm 16/11, tuyên bố trước đám đông quân nhân bên ngoài cung Kumsusan, ông Choe nhấn mạnh lòng trung thành không lay chuyển đối với ông Kim Jong-un.
“Quân đội của ông Kim Jong-un luôn phục vụ ông đến lúc chết và chỉ duy trì quyền lãnh đạo của ông”, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA trích lời ông Choe. Quân đội cũng thề sẽ “trở thành những viên đạn và quả bom sống” trung thành duy nhất với nhà lãnh đạo Kim.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye triệu tập các quan chức an ninh hàng đầu để cảnh báo về nguy cơ Triều Tiên “gây hấn” sau vụ tử hình ông Jang và xử lý những người thân cận.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói rằng, sự ra đi của ông Jang có thể là bước ngoặt lớn ở Triều Tiên, và rất có khả năng nước này sẽ có hành động gây hấn vào đầu năm sau.
Sau vụ xử tử ông Jang, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gọi ông Kim Jong-un là “liều lĩnh” và “bấp bênh”, rằng việc đặt vũ khí hạt nhân vào tay một người như ông Kim Jong-un “càng khó chấp nhận hơn”.
Ở độ tuổi khoảng 30, nhà lãnh đạo Kim Jong-un thừa hưởng quyền lực từ cha mình vào tháng 12/2011. Từ đó, ông Kim Jong-un tiếp tục chương trình của cha mình với vụ thử hạt nhân lần thứ ba và phóng thành công tên lửa tầm xa, khiến Liên Hợp Quốc gia tăng áp dụng biện pháp trừng phạt sau đó.
Trúc Quỳnh
Theo BBC, CNN, Yonhap