Cô nữ sinh cá tính giành học bổng 6 tỷ

Vương Nguyễn Thùy Linh, lớp 12A1, Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam giành học bổng danh giá của trường ĐH Dart Mouth (Top 11 trường ĐH tốt nhất nước Mỹ) trị giá 6,1 tỷ đồng.
Vương Nguyễn Thùy Linh, lớp 12A1, Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam giành học bổng danh giá của trường ĐH Dart Mouth (Top 11 trường ĐH tốt nhất nước Mỹ) trị giá 6,1 tỷ đồng.
TP - Sau rất nhiều nỗ lực, Vương Nguyễn Thùy Linh, học sinh lớp 12A1 Anh, Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam đã được trường ĐH Dart Mouth (Mỹ)  cấp học bổng trị giá hơn 6 tỷ đồng cho 4 năm học. Tuy nhiên, Linh khá khiêm tốn khi nói về mình: “Thành tích hôm nay chưa chắc sẽ đem lại thành công trong tương lai, vì vậy em chỉ muốn chia sẻ về hiện tại”.

Thành tích học tập của Linh khá toàn diện, trong đó nổi trội nhất là môn tiếng Anh. 12 năm liền là học sinh giỏi, Giải Nhất Olympic tiếng Anh TP Hà Nội 2015; giải Nhì tiếng Anh cấp TP năm 2016; giải Ba tiếng Anh học sinh giỏi Quốc gia năm 2017; giải thi viết luận Shakes Peare lives in Me 2016... Đọc qua, chắc hẳn nhiều người nghĩ Linh sẽ là một cô nàng mắt cận, mặt ngố, suốt ngày chúi mũi vào sách vở. Vậy nhưng, ở ngoài đời, Linh là cô nàng xỏ khuyên mày, 6 tháng phải thay đổi kiểu tóc một lần, mặc váy ngắn, trang điểm đậm khi đi dự tiệc và luôn tất bật ở các hoạt động xã hội.

Cô gái 18 tuổi không giấu nổi niềm vui khoe: “Sau khi Linh gửi hồ sơ tới 3 trường ĐH thì được ĐH Dart Mouth, ngôi trường ở bang New Hampshire cấp học bổng trị giá 262.000 USD (tương đương 6,1 tỷ đồng). Linh chọn trường Dart Mouth vì trường có hệ thống D-plan cho phép học sinh có thể chọn kỳ học ở nước ngoài. Vì thế, sinh viên có thể vận dụng để khám phá văn hóa nghệ thuật tại các nước bản xứ thay vì học ở một nơi suốt 4 năm học. Để thực hiện điều này, Linh cũng bắt đầu học tiếng Đức để theo đuổi mục tiêu.

Cô nữ sinh cá tính giành học bổng 6 tỷ ảnh 1 Vương Nguyễn Thùy Linh, lớp 12A1, Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam giành học bổng danh giá của trường ĐH Dart Mouth (Top 11 trường ĐH tốt nhất nước Mỹ) trị giá 6,1 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, bản thân và gia đình mới thở phào nhẹ nhõm, còn trước đó, quá trình học và luyện thi SAT cực kỳ căng thẳng”, Linh nói. Linh cho biết, các trường ĐH ở Mỹ xét học bổng rất gắt gao lại thu hẹp chỉ tiêu dần theo khu vực và vùng miền. Vì thế, khi mình xác định phấn đấu để giành suất học bổng du học ở Mỹ là phải cố gắng gấp 5, gấp 10 để đạt được các chỉ tiêu của trường. Đầu tiên, Linh phải tham gia bài thi chuẩn hóa (SAT). Kỳ thi này, có rất nhiều học sinh tham gia, tuy nhiên Linh đã xuất sắc đạt được 1.550 /1.600 điểm. Ngoài ra, trường ĐH ở Mỹ cũng rất coi trọng hồ sơ cá nhân bao gồm kết quả học tập, hoạt động xã hội và phần quyết định ghi điểm là bài phỏng vấn trực tiếp với giáo viên của trường. Tháng 8 này, Linh sẽ nhập học ngôi trường cô mơ ước.

Trải nghiệm để trưởng thành

Linh sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều công tác trong ngành Y. Bố Linh, một bác sĩ chuyên ngành mắt nói được 5 ngoại ngữ, mẹ cũng giao tiếp tốt 3 ngoại ngữ. Linh cho rằng, mình được thừa hưởng gene của bố mẹ, chính vì vậy việc học ngoại ngữ không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để đạt được thành tích tốt phải kiên trì và có đam mê với nó. Linh nói, mình không dành nhiều thời gian để học nhưng đã ngồi vào bàn là phải tập trung. Ngoài ra, khi luyện thi SAT, Linh chỉ tập trung luyện theo các dạng đề trên trang web chính là Khanacademy.org để chuẩn được ý tưởng của người ra đề. Khi có kinh nghiệm, bản thân chỉ cho phép giải quyết tối đa một câu hỏi trong vòng 1 phút hoặc ít hơn thì mới kịp thời gian. “Nếu ai thi SAT mà không luyện trước đề chắc chắn sẽ bị sốc thì lượng câu hỏi nhiều mà thời gian dành để làm bài rất hạn hẹp”, Linh chia sẻ.

Lớn lên, Linh rất ham mê các hoạt động xã hội. Ngay từ khi đặt chân vào Trường THPT Chuyên Hà Nội Amssterdam, Linh cùng nhóm bạn tham gia vào tổ chức Food rescue, các thành viên đến các nhà hàng, trung tâm tiệc cưới, gom đồ ăn tồn hàng ngày để gửi đến bệnh viện K, Làng trẻ em...

Linh tâm sự, dù gia đình không giàu có nhưng bố mẹ cũng lo cho Linh khá chu đáo từ nhỏ nên lần đầu tiên đi gom đồ ăn tồn đến cho người nghèo, bệnh tật hay trẻ mồ côi Linh đã ứa nước mắt vì thương xót. “Khi đó, Linh đã nghĩ rằng, mình rất may mắn vì hoạt động đã giúp Linh mở rộng tầm mắt, nhìn thấy nhiều góc cạnh không tròn trịa của cuộc đời để sau này biết sống sẻ chia hơn”, cô nói. Ngoài giờ học, Linh cùng các thành viên đi gom đồ ăn mang đến cho các hoàn cảnh khó khăn, công việc được 2 năm thì phải tạm dừng để ưu tiên cho việc học.

Làm bạn với cô con gái đầy cá tính

Mẹ Linh, chị Nguyễn Hồng Hoa, một bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô chia sẻ, con gái rất cá tính. Ngay từ khi học mẫu giáo con thích gì sẽ tự đề nghị với mẹ. Lên 3 tuổi, con nói thích học đàn. Vì chưa biết đọc biết viết nên chị đã ngồi cạnh con để ghi chép. Lên 4 tuổi, con nói thích học tiếng Anh và lên lớp 4 con nói “mình sẽ đi du học”. Dù khi đó, con còn quá bé nhưng tôn trọng quyết định của con nên chị luôn là người tìm hiểu trường lớp, giáo viên cho con theo học.

Chị kể, ở tuổi dậy thì, mới lớn chị cũng nhiều phen căng thẳng vì con. Có những lúc con buồn phiền vì một vấn đề nào đó, không chịu chia sẻ với mẹ, chị đã kết bạn với bạn của con, lập facebook, học ngôn ngữ teen... và rồi cùng con nói về một chủ đề nào đó con cùng quan tâm. Chị cứ kiên nhẫn học cách làm bạn với con như thế và quan trọng nhất chị làm cho con hiểu rằng, chị rất tin tưởng con. Cũng có lúc con học quá nhiều, căng thẳng, stress, lo sợ đến phát khóc, khi đó, chị đã kéo con ra khỏi bàn học đi xem phim, đi chơi và tâm sự để con hiểu, mục đích rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Nếu con không đạt mục đích đó cũng không sao để con bình tâm trở lại. “Còn những việc con làm như xỏ khuyên mày, nhuộm tóc... mình chưa bao giờ phản đối vì mình hiểu đó chỉ là hình thức bên ngoài, quan trọng là tính cách của con, vì thế con rất tin tưởng mẹ”, chị nói.

Nói về mẹ, Vương Linh tâm sự, chặng đường học 12 năm mình may mắn có mẹ rất tâm lý và tin tưởng. Đặc biệt, trước các vấn đề vướng mắc về tâm lý, mẹ không ngăn cấm mà giải thích cho mình hiểu, kể cả những chuyện như tình yêu, giới tính... mẹ đều hướng dẫn kỹ và giải thích tại sao chưa nên vướng vào những chuyện đó. “Vì mẹ trao cho mình niềm tin nên mình không muốn phá vỡ sự tin tưởng đó”, Linh thổ lộ.

Linh cho rằng, phần ghi điểm với ngôi trường danh tiếng chính là nội dung trả lời thuyết phục về đam mê tìm hiểu văn hóa khi được đặt chân vào môi trường đa chủng tộc. Ngoài ra, bản thân cũng xác định cho họ thấy rằng, mình có mục tiêu rõ ràng khi học xong mong muốn trở thành một nhà nghiên cứu khoa học hoặc giáo sư của một trường ĐH nào đó.

MỚI - NÓNG
Hàng hoa giấy lại bung nở rực rỡ trên cầu Vĩnh Tuy
Hàng hoa giấy lại bung nở rực rỡ trên cầu Vĩnh Tuy
TPO - Khi bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào Hà Nội, hàng chục nghìn cây xanh, nhiều công trình tại Hà Nội bị hư hỏng. Hàng hoa giấy được trồng trên cầu Vĩnh Tuy cũng không thoát khỏi bị quăng quật trở nên xác xơ, nhưng sau gần một tháng, hiện những cây này đang bung nở trở lại, rực rỡ sức sống.