Ông viết: “Nâng phím đàn/ Một bài ca hát riêng tặng em/ Một bài ca viết riêng tặng em/ Một bài ca từ trái tim luôn yêu đời/ Luôn mơ ước yêu thương con người/ Yêu đất nước và yêu em”.
“Hà Nội mến yêu của ta, thủ đô mến yêu của ta…”
Nhớ về người chồng gắn bó hơn nửa thế kỷ, NSƯT Phi Điểu cười, nhẹ nhàng “chấm điểm”: “Ông ấy là nhạc sĩ viết chậm nhất. Phải đợi chín muồi mới ra được tác phẩm. Cho nên Phan Nhân không thể viết theo “đơn đặt hàng”.
Đến đây bà tiết lộ: “Khi tập kết ra Bắc, chồng tôi đã nung nấu ý định viết một ca khúc về Hà Nội. Nhưng không thể viết được, 18 năm sau, khi chứng kiến trận Điện Biên Phủ trên không - trên bầu trời Hà Nội suốt 12 ngày đêm thì câu hát mới cất lên: Hà Nội mến yêu của ta, thủ đô mến yêu của ta/Là ngôi sao mai rạng rỡ…”.
Chân dung cố nhạc sĩ Phan Nhân do con trai ông, họa sĩ Hồng Quân, vẽ. |
Phan Nhân để lại cho đời gia tài ca khúc giá trị. Ông là “cha đẻ” của rất nhiều nhạc phẩm được yêu thích như Chú ếch con, Vườn cây của ba (thơ: Nguyễn Duy) Thành phố của tôi Em ở nơi đâu, Bài ca cho em Hàng cây ơn Bác, Cây đàn guitar của Victor Hara…
Nhưng nhắc đến Phan Nhân là phải nhắc đến Hà Nội niềm tin và hi vọng. Ông sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng để có nhạc phẩm sống mãi với thời gian này.
NSƯT Phi Điểu bùi ngùi kể: “12 ngày đêm oanh liệt ấy, bất chấp sự ngăn cản của tự vệ cơ quan, Phan Nhân không chịu xuống hầm trú ẩn, ông lao lên sân thượng lầu 4 Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ, Hà Nội, để chứng kiến Hà Nội chiến đấu từ trên cao. Nếu trốn ở hầm trú ẩn thì làm sao mà viết? Ông ấy muốn có mặt ở nơi đầu sóng ngọn gió. Cả một trời đạn bom nhưng ông không sợ, không quản tính mạng, đầu chỉ đội một chiếc mũ sắt. Hà Nội niềm tin và hi vọng đã ra đời trong 12 ngày đêm anh dũng và đau thương ấy”.
Nhạc sĩ Phan Nhân không màng sự sống để tặng Hà Nội, mảnh đất ông gắn bó 21 năm, một món quà vô giá: “Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời/Càng tỏa ngát hương thơm hoa Thủ đô/Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô/Nghe tiếng cười chưa quên niềm thương đau…”.
Cố nhạc sĩ Phan Nhân (1930-2015). |
Khi Phan Nhân đội mũ sắt giữa trời đạn bom để viết Hà Nội niềm tin và hi vọng thì ông đã có một vợ, hai con. Vợ ông, NSƯT Phi Điểu lúc ấy đang công tác ở Trung Quốc, còn hai con của ông mỗi đứa sơ tán một nơi.
“Hồi ấy chúng tôi không dám gửi hai đứa trẻ cùng một chỗ, lỡ gặp chuyện không may. Chồng tôi cũng vừa đi học ở Hungari về. Ông ấy quyết bám trụ Thủ đô, liều mạng lắm, lì lắm. Chúng tôi ra Hà Nội năm 54, cứ tưởng 2 năm sau sẽ trở về, không ngờ ở lại đến 21 năm. Cho nên Hà Nội đã thành một phần máu thịt của chồng tôi. Ngoài Hà Nội niềm tin và hi vọng ông ấy còn có bài Xa Hà Nội nữa”, NSƯT Phi Điểu chia sẻ.
Sở hữu nhiều ca khúc nổi tiếng, khán giả tò mò không biết Phan Nhân ưng nhất “đứa con tinh thần” nào?
Vợ ông nhớ lại những ngày hai người còn bên nhau: “Tên tôi là Nguyễn Thị Phi Phi nên chồng tôi hay gọi tôi theo cách gọi của các con: Má Phi. Có lần, ông ấy bảo tôi: Má Phi biết không, Phan Nhân ở Hà Nội 21 năm, Phan Nhân có được bài hát về Hà Nội. Phan Nhân còn có một bài về Sài Gòn là bài Thành phố của tôi. Rồi khi về quê, miền Tây, Phan Nhân lại viết bài Trên quê hương Minh Hải. Trên dải đất hình chữ S, chồng tôi đã để lại những “đứa con tinh thần”. Chỉ như vậy, ông ấy mới thấy mình hoàn thành được sứ mạng của một người con Việt Nam”.
Cố nhạc sĩ Phan Nhân và vợ, NSƯT Phi Điểu. |
NSƯT Phi Điểu bật mí: Ca khúc sáng chói trong sự nghiệp của chồng bà từng suýt bị vứt sọt rác: “Ban đầu người ta không dùng, còn bảo bài này như nhạc… Campuchia. Lúc đó tôi đang ở Trung Quốc. Ông viết thư báo cho tôi: Người ta coi bài của anh nhưng không duyệt má Phi ơi. Chồng nặng tâm tư tôi cũng rất buồn nhưng biết làm sao, chỉ an ủi vài lời. Sau đó chồng tôi lại đưa bài cho giọng ca vàng khi ấy, ca sĩ Trần Khánh: Trần Khánh ơi, mình có bài này. Khánh coi có dùng được cho Phan Nhân không? Nếu được hai anh em cùng bàn nhau dựng. Trần Khánh coi xong thì gặp Phan Nhân bảo: Trời! Sao tôi thấy cái bài này hay quá, hợp giọng tôi lắm. Anh dựng đi. Cuối cùng, bài hát tưởng ra sọt rác đã vút bay trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1973, Hà Nội niềm tin và hi vọng đã đoạt giải A, Cuộc thi sáng tác về Hà Nội chiến đấu chống B.52.
Chẳng có tài sản gì ngoài vài nốt nhạc…
Nhạc sĩ sinh ra và lớn lên ở Long Xuyên, An Giang thành công muộn. Đưa tên tuổi của ông đến với công chúng lại là ca khúc thiếu nhi, khi Chú ếch con và Chú cừu Mộc Châu đoạt giải A cuộc thi sáng tác thiếu nhi Trung ương, năm 1967. Lúc đó, nhạc sĩ Phan Nhân đã 37 tuổi.
Nói đến ca khúc Chú ếch con, con trai của nhạc sĩ Phan Nhân, họa sĩ Hồng Quân kể: “Nhạc sĩ Bửu Huyền là người Huế. Chú ấy cũng tập kết ra Bắc như ba tôi. Chú có căn nhà ở đường Bà Triệu. Từ Đài Tiếng nói Việt Nam ở Quán Sứ đạp xe về nhà xa nên buổi trưa ba tôi hay ghé nhà nhạc sĩ Bửu Huyền. Chú Bửu Huyền có cậu con trai tên Thanh có đôi mắt tròn, to, dễ thương như chú ếch con. Ba tôi cao hứng viết bài Chú ếch con”.
NSƯT Phi Điểu tiếp lời: “Con trai của Bửu Huyền hồi đó đi học hay đội mũ rơm, ôm cặp rơm đáng yêu lắm nên ông ấy viết: Chú ngồi học bài một mình bên hố bom kề vườn xoan…”.
Vợ chồng cố nhạc sĩ Phan Nhân và các con khi ở Hà Nội. Ảnh do họa sĩ Hồng Quân cung cấp. |
“Cha đẻ” của Chú ếch con trong cuộc sống đời thường ra sao, phóng viên hỏi.
Phu nhân của cố nhạc sĩ bật cười, “tố” chồng: “Ông ấy không hề biết gì về đời sống áo cơm. Tôi cho ông ăn gì thì ông ăn nấy, không kêu ca, phàn nàn. Người miền Nam hay thích ăn chè mà ông đâu biết nấu, tôi lại đi đọc suốt đêm (NSƯT Phi Điểu từng là phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam - pv), có khi đêm khuya mới về, sau khi hoàn thành bản tin sáng sớm. Ở nhà ông ấy mang hũ đường ra vừa ngồi viết nhạc vừa xúc từng miếng đường cho vào miệng để ăn thay chè. Người này dễ nuôi lắm”.
Thời khói bom, gia đình nhạc sĩ Phan Nhân - NSƯT Phi Điểu ít có dịp sum vầy bên nhau: “Hồi ở Hà Nội chúng tôi sanh hai đứa con, đều gửi vô nhà trẻ của Bộ Văn hoá nuôi giùm. Tôi đi theo đoàn suốt, Phan Nhân thì đi theo bộ phận âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam hoài, đâu có gặp nhau! Vào trong này hai vợ chồng, con cái mới ở với nhau như một gia đình bình thường, trong cái nhà chưa hoá giá, Nhà nước cho ở nhờ để làm việc thôi. Chồng tôi từng nói với tôi: Má Phi này, tôi có qua đời thì tài sản chẳng có gì, chỉ còn có mấy nốt nhạc cùng hai đứa con để lại cho bà”, nhớ chuyện xưa NSƯT Phi Điểu càng thương người bạn đời không để tâm “cơm áo gạo tiền”.
Bà nói: “Lương chồng tôi đủ ăn đã là hên lắm rồi. Tôi lo cuộc sống cơm áo còn ông ấy lo mấy nốt nhạc”.
Nhưng NSƯT Phi Điểu không trách chồng, người đàn bà quê Đồng Tháp trải lòng: “Tôi cũng dễ tính. Vợ chồng lấy nhau là cái duyên cái nợ. Mà ông ấy cũng vui, không thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ con, ngược lại cũng lãng mạn lắm. Mỗi khi có sự kiện âm nhạc ông muốn tôi đi cùng và luôn dặn vợ: Má Phi mặc áo dài nhé!”.
“Người dễ nuôi” và dễ tính trong đời thường, theo đánh giá của bạn đời lại khó tính trong sáng tạo nghệ thuật: “Ông ấy kỹ tính trong ca từ, chắt lọc từng chút. Có những ca khúc phải 2 năm ông mới ra được phần lời ưng ý. Cân nhắc kỹ càng cho nên khi sản phẩm đã công bố thì ông thì không thay đổi, sửa chữa nữa”.
Đến đây NSƯT Phi Điểu tổng kết: “Gia tài ca khúc của ông ấy không nhiều. Vì ông ấy có viết nhanh được như người ta đâu. Không ép mình sáng tác, cũng không làm non, phải chờ tình cảm thăng hoa, dù phải chờ gần 20 năm như ca khúc viết về Hà Nội”.
Hên quá đi!
Bài hát “Chú ếch con” từng được phát sóng trên một đài truyền hình nổi tiếng của Italy. Phóng viên tò mò hỏi: Bài hát ra nước ngoài có mang lại nguồn thu nào cho tác giả? Phu nhân cố nhạc sĩ đáp: “Họ liên hệ và xin phép đàng hoàng nhưng không có đồng nào đâu. Song chồng tôi vẫn rất vui, còn bảo: Trời đất ơi, mình cũng hên vì người ta dựng bài hay quá, hát cả bằng tiếng Ý”.
NSƯT Phi Điểu còn kể thêm: “Bài hát Trên quê hương Minh Hải của chồng tôi được nhiều đoàn cải lương dùng lắm. Nhưng họ không trả thù lao cho người sáng tác, đã vậy còn bảo không phải của Phan Nhân. Tôi từng nói với ông ấy: Ủa sao ba kỳ vậy, bài này ba sáng tác mà người ta xài chùa quá trời, ba lên tiếng đi. Chồng tôi lắc đầu: “Kệ, người ta xài cho mình là mừng rồi. Người ta biết đến tác giả thì quý, không biết đến thì thôi, coi như khuyết danh đi, kiện cáo chi mất công”.