Có nên sáp nhập các công ty hoa tiêu hàng hải?

Có nên sáp nhập các công ty hoa tiêu hàng hải?
Bộ GTVT vừa có chủ trương chuyển các Công ty hoa tiêu hàng hải và Công ty Trục vớt cứu hộ Việt Nam về làm đơn vị thành viên của các Tổng Công ty Bảo đảm hàng hải miền Bắc và miền Nam.

TPO xin giới thiệu bài viết của Thạc sỹ Đỗ Thương Huyền – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam xung quanh quyết sách mới còn gây tranh luận này.

Ngày 10-10-2011, Ban Cán sự Đảng bộ Giao thông vận tải ban hành Nghị quyết số 77/BCSĐBGTVT về một số công tác của Bộ tháng 10-2011, trong đó có chủ trương “chuyển nguyên trạng các công ty hoa tiêu hàng hải và Công ty Trục vớt cứu hộ Việt Nam về làm đơn vị thành viên của các Tổng công ty Bảo đảm hàng hải miền Bắc và miền Nam”. 

Ngay lập tức, 09 công ty TNHH MTV hoa tiêu hàng hải đã có văn bản kiến nghị, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản báo cáo Bộ trưởng xem xét lại. Chúng ta thử tìm hiểu xem liệu có nên thực hiện việc sáp nhập này trong thời điểm hiện nay.

Khái quát quy định của pháp luật và quy định quốc tế về hoa tiêu hàng hải

Theo quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam thì “Tổ chức hoa tiêu hàng hải là tổ chức cung cấp dịch vụ dẫn tàu biển ra, vào cảng biển, hoạt động trong một vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc của Việt Nam. Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của hoa tiêu hàng hải” (Điều 170 ).

Hiện nay, nước ta quy định có 10 vùng hoa tiêu bắt buộc do 12 công ty hoa tiêu hàng hải đảm nhận cung cấp dịch vụ dẫn tàu vào, rời và hoạt động tại cảng biển. Hiện nay, các công ty hoa tiêu đều được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH MTV hoa tiêu hàng hải, trong đó Bộ Giao thông vận tải là chủ sở hữu của 09 công ty, 01 công ty thuộc Bộ Quốc phòng, 01 Công ty thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Vũng Tàu và 01 công ty thuộc Tập đoàn Than-Khoáng sản VN (Bộ Công Thương).

Về chủ trương không đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh dịch vụ hoa tiêu hàng hải, ngày 04-5-2005, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã có Văn bản số 177-TB/TW do đồng chí Phan Diễn ký thông báo ý kiến của Bộ Chính trị như sau: “Về tổ chức hoa tiêu hàng hải, không nên đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh dịch vụ hoa tiêu hàng hải”.

Căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị, với địa vị pháp lý và tầm quan trọng của hoa tiêu hàng hải, Bộ luật Hàng hải Việt Nam đã quy định riêng Chương XII về hoa tiêu hàng hải, trong đó, xác định rõ hoa tiêu hàng hải là hoạt động đặc thù mang tính chuyên ngành, không chỉ nhằm mục đích bảo đảm an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, mà còn vì mục đích bảo đảm “an ninh hàng hải, góp phần bảo vệ chủ quyền, thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia” (Điều 170).

Triển khai thực hiện Bộ luật Hàng hải Việt Nam, ngày 28-11-2007 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 173/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của hoa tiêu hàng hải, trong đó quy định công ty hoa tiêu là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, có đủ số lượng hoa tiêu các hạng và phương tiện đưa, đón hoa tiêu theo quy định của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam. Đồng thời giao “Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định việc tách, sáp nhập các tổ chức hoa tiêu hàng hải hiện có thành công ty hoa tiêu độc lập” (Điều 13, Nghị định số 173/2007/NĐ-CP).

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 31/2005/NĐ-CP ngày 11-3-2005 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thì dịch vụ bảo đảm hàng hải, bao gồm: hoa tiêu, thông tin duyên hải, bảo đảm an toàn hàng hải. Thực hiện các nhiệm vụ công ích này như sau: 02 Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải cung cấp dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải (chứ không phải bảo đảm hàng hải), thông tin duyên hải do Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam và dịch vụ hoa tiêu do 11 công ty TNHH MTV hoa tiêu hàng hải đảm nhiệm (trong đó có 09 công ty hoa tiêu thuộc Bộ GTVT, do Cục Hàng hải Việt Nam trực tiếp quản lý).

Theo quy định của pháp luật quốc tế, Tổ chức Hàng hải quốc tế cũng đã ban hành Nghị quyết A960 về huấn luyện, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn và quy trình thực hiện dẫn tàu của hoa tiêu hàng hải với các quy định, yêu cầu chi tiết, chặt chẽ mang tính chuyên môn cao, đồng thời yêu cầu các quốc gia thành viên phải nghiêm túc thực hiện các yêu cầu quy định của Nghị quyết này.

Trong quy định của pháp luật Việt Nam không có văn bản nào quy định riêng về bảo đảm an toàn hàng hải, chỉ có các quy định riêng lẻ ở các văn bản yêu cầu phải thực hiện các quy định về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường; còn các quy định về bảo đảm an toàn hàng hải thực hiện theo quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế hay Tổ chức Thủy đạc quốc tế thì chỉ là các hoạt động chuyên về đo đạc, khảo sát biển, vận hành báo hiệu hàng hải chứ không hề có cung cấp dịch vụ hoa tiêu dẫn tàu hay thông tin điện tử.

Công tác dẫn tàu của hoa tiêu khác biệt với công tác khảo sát, đo đạc, quản lý vận hành luồng và báo hiệu hàng hải của bảo đảm an toàn hàng hải:

- Thực hiện các quy định pháp luật hiện hành, mô hình tổ chức hiện nay được phân định khá rõ ràng, vừa độc lập về tổ chức hoạt động nhưng lại vừa tác động tương hỗ, kiểm tra lẫn nhau. Cụ thể là:

+ Bảo đảm an toàn hàng hải: chia thành 02 vùng trách nhiệm với 02 Tổng công ty, thực hiện các nhiệm vụ về bảo đảm an toàn hàng hải: hệ thống luồng hàng hải, báo hiệu hàng hải cung cấp cho người đi biển (trong đó có tàu thuyền, hoa tiêu, các đối tượng liên quan khác), không có hoạt động dẫn tàu.

+ Hoa tiêu hàng hải: chia thành 10 vùng hoa tiêu bắt buộc với 12 công ty TNHH MTV hoa tiêu hàng hải đảm nhận việc dẫn tàu, không liên quan đến công tác khảo sát, đo đạc luồng hàng hải.

- Dịch vụ hoa tiêu hàng hải là dịch vụ công ích và là dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Tại Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu công việc và tính chất đặc thù của hoạt động hoa tiêu hàng hải đòi hỏi tổ chức hoa tiêu phải có tính độc lập cao. Hoa tiêu trong quá trình hoạt động có thể sử dụng luồng hàng hải (do bảo đảm an toàn hàng hải quản lý vận hành), luồng đường thủy nội địa (do đoạn quản lý đường sông quản lý vận hành), có thể dùng vùng nước, luồng nhánh cảng biển (do tổ chức, cá nhân khác quản lý vận hành), thậm chí là không có luồng, báo hiệu (vào cảng dầu khí ngoài khơi, dẫn tàu ở vùng hoa tiêu không bắt buộc). Như vậy, bảo đảm an toàn hàng hải chỉ cung cấp một trong các sản phẩm để công ty hoa tiêu, tàu thuyền hoạt động mà thôi. Các hoa tiêu hàng hải vẫn phải dẫn tàu trong các điều kiện chưa đáp ứng của tổ chức bảo đảm an toàn hàng hải (luồng hẹp, luồng cạn, thiếu phao, thiếu đèn…) nhưng vẫn hành hải an toàn.

- Bản thân hoa tiêu hàng hải là người có trình độ cao, có chuyên môn sâu về hàng hải, có kinh nghiệm và được đào tạo, huấn luyện theo chương trình riêng biệt, đặc thù, phải bảo đảm đáp ứng đủ thời gian thực tập dẫn tàu, chỉ được hành nghề sau khi có đủ Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải và Giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải. Bộ luật Hàng hải Việt Nam cũng quy định chi tiết về địa vị pháp lý và điều kiện hành nghề của hoa tiêu hàng hải.

- Hoa tiêu hàng hải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dẫn tàu còn phải có nghĩa vụ thông báo cho Cảng vụ hàng hải về những thay đổi bất thường về luồng, báo hiệu hàng hải và các chướng ngại gây nguy hiểm cho hoạt động hàng hải; mặt khác, hoa tiêu hàng hải còn là một bên giám sát, kiểm chứng khách quan về điều kiện thực tế của hệ thống luồng, báo hiệu hàng hải do các đơn vị bảo đảm hàng hải quản lý và vận hành.

Mô hình tổ chức hoa tiêu hàng hải

Trong quá trình xây dựng Bộ luật Hàng hải Việt Nam, báo cáo khảo sát tại các quốc gia trên thế giới do đoàn công tác của Quốc hội thực hiện năm 2005 và thực tế cho thấy tại cảng biển của các nước đều có tổ chức hoa tiêu độc lập theo hình thức công ty, hiệp hội hoặc trực thuộc cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Quốc phòng, Cục Hàng hải hoặc Cảng vụ hàng hải. Không có nước nào trên thế giới để tổ chức hoa tiêu nằm trong doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ngành nghề khác. Tất cả các mô hình tổ chức hoa tiêu hàng hải đều phải chịu sự quản lý trực tiếp, chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước về hàng hải.

- Nghị định số 173/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của hoa tiêu hàng hải quy định rõ công ty hoa tiêu là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, có đủ số lượng hoa tiêu các hạng và phương tiện đưa, đón hoa tiêu theo quy định của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam. Đồng thời giao “Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định việc tách, sáp nhập các tổ chức hoa tiêu hàng hải hiện có thành công ty hoa tiêu độc lập” (Điều 13, Nghị định số 173/2007/NĐ-CP) - Điều này là hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn quản lý từ trước đến nay.

- Thực hiện các quy định của Nghị định số 173/2007/NĐ-CP và Luật Doanh nghiệp 2005, đến nay, các tổ chức hoa tiêu đã được chuyển đổi thành công ty TNHH MTV hoạt động độc lập theo Luật Doanh nghiệp và các quy định liên quan khác, bảo đảm về điều kiện đặc thù của hoa tiêu hàng hải và phát huy được thế mạnh, chủ động trong bố trí, điều động hoa tiêu, hoạt động ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu cung cấp dịch vụ hoa tiêu hàng hải; hàng năm dẫn dắt hàng trăm ngàn lượt tàu vào, rời cảng an toàn, góp phần vì sự phát triển chung của ngành Hàng hải VN.

Mặt khác, trong tháng 7 và tháng 8/2011, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản chỉ đạo cho phép thực hiện thí điểm cổ phần hóa Công ty Dịch vụ và Vận tải biển Vũng Tàu, bao gồm cả Xí nghiệp hoa tiêu Vũng Tàu; đồng thời giao Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức sơ kết thí điểm cổ phần hóa sau 01 năm thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở xem xét sửa đổi, hoàn thiện mô hình tổ chức hoa tiêu hàng hải (Công văn số 1251/TTg-KTN ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 4788/BGTVT-TCCB ngày 10/8/2011 của Bộ Giao thông vận tải).

Kinh nghiệm thực tế

Kể từ khi thành lập đến nay, các tổ chức hoa tiêu hàng hải luôn chủ động trong công việc, bảo đảm cung cấp hiệu quả dịch vụ công ích hoa tiêu hàng hải, tự chủ về chuyên môn, tài chính và hoạt động của các đơn vị đều đạt hiệu quả cao. Thậm chí, các công ty bảo đảm an toàn hàng hải còn được “sử dụng hộ” kinh phí từ nguồn thu từ phí hoa tiêu hàng hải nộp ngân sách do các công ty hoa tiêu thực hiện.

Kinh nghiệm xây dựng tổng công ty lớn, đa ngành nghề của ngành Hàng hải VN cũng như các ngành khác hiện đang gặp phải nhiều khó khăn (điển hình như Vinashin, Vinalines) đang phải tái cơ cấu, hiệu quả sử dụng đồng vốn thấp, thua lỗ. Trong khi đó, mô hình hiện nay của các công ty hoa tiêu hoạt động hết sức hiệu quả, nộp ngân sách năm sau luôn cao hơn năm trước, chi phí thấp. Hơn nữa, trong những năm qua, hoạt động hoa tiêu hàng hải khi gặp những biến cố về tổ chức và cung cấp dịch vụ (chia tách tổ chức, thiếu hụt lực lượng hoa tiêu, hoa tiêu lãn công…) thì cũng chỉ trong nội bộ các công ty hoa tiêu chia sẻ và tự giải quyết vấn đề với nhau. Các công ty bảo đảm an toàn hàng hải không có chuyên môn về dẫn tàu nên không thể và chưa bao giờ hỗ trợ được gì về chuyên môn cho hoa tiêu hàng hải cả.

Như vậy, cả pháp luật quốc gia và quốc tế cũng như thực tế tại các nước trên thế giới và khu vực đều thừa nhận tính chất đặc thù, chuyên môn cao của hoa tiêu hàng hải và thực hiện mô hình tổ chức hoa tiêu độc lập hoặc trực thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước chứ không nằm trong doanh nghiệp khác. Việc chia tách, sáp nhập tổ chức hoa tiêu hàng hải phải thực hiện theo đúng các quy định của Luật Doanh nghiệp và Nghị định về tổ chức và hoạt động hoa tiêu của Chính phủ. Việc thành lập và duy trì mô hình tổ chức hoa tiêu độc lập, tiến tới mô hình tổng công ty hoa tiêu không những phát huy được vai trò, thế mạnh của hoa tiêu mà còn tạo điều kiện chủ động trong việc đào tạo, phân bổ nguồn nhân lực hoa tiêu hàng hải cũng như điều hòa kinh phí giữa các khu vực trong cả nước. Ngoài ra, tổ chức hoa tiêu độc lập còn đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát thực hiện nạo vét, bảo đảm độ sâu luồng hàng hải và tính chính xác của hệ thống báo hiệu hàng hải.

Ths. Đỗ Thương Huyền
Theo Hỗ trợ
MỚI - NÓNG