Có nên giao giám định âm thanh, hình ảnh cho Viện Kiểm sát?

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu ảnh: minh châu
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu ảnh: minh châu
TP - Ngày 10/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, một trong những vấn đề còn ý kiến khác nhau là việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tư pháp và các cơ quan hữu quan, trong đó có Bộ Công an cho rằng, đây là vấn đề mới, đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ chuyên sâu, phải đầu tư khoản kinh phí lớn và đồng bộ về trang, thiết bị do đó, cần được Chính phủ đánh giá kỹ tác động.

Trong khi đó, một số ý kiến của Thường trực Ủy ban Tư pháp và các cơ quan như Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao lại tán thành với quy định của dự thảo luật. Các ý kiến này đề nghị bổ sung Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Ông Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho rằng, hiện nay Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã có Phòng kỹ thuật hình sự, nay chỉ bổ sung thêm nhiệm vụ giám định âm thanh, hình ảnh và điều này là đúng theo luật định. Trên lý thuyết thì giám định âm thanh, hình ảnh có cơ quan giám định của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thực hiện.

Tuy nhiên, hiện nay Bộ Quốc phòng không làm, thực tế chỉ có Bộ Công an thực hiện. “Khi có những việc cơ quan giám định tư pháp của Bộ Công an bị khiếu nại, chúng tôi gửi yêu cầu giám định sang Bộ Quốc phòng thì không được đáp ứng… Một số lĩnh vực hiện nay chỉ có một cơ quan giám định duy nhất là Bộ Công an”, ông Cường nói.

Lý giải về quan điểm không đồng tình, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, nội dung này mới phát sinh chứ chưa có dự thảo ngay từ đầu. Bên cạnh đó, hiện nay cơ quan Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đều có chức năng này. Và thực tế từ năm 2012 tới nay, Viện Khoa học Hình sự tiếp nhận 42 vụ trưng cầu giám định âm thanh, 18 vụ giám định kỹ thuật số, điện tử, con số này không nhiều.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Chính phủ đồng ý với đề xuất của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vì trong cơ cấu tổ chức ở đây đã có Phòng Kỹ thuật hình sự, nay chỉ giao thêm việc. Mặc dù Bộ Công an có ý kiến không đồng ý ngay từ đầu, nhưng, Chính phủ thực hiện theo nguyên tắc đa số, nên ý kiến của Chính phủ về vấn đề này là không thay đổi, nghĩa là ủng hộ bổ sung chức năng cho viện kiểm sát như dự thảo trình ra Quốc hội.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.