Bí quyết “lấy ngắn nuôi dài”
Giữa mùa dịch, anh Lê Thanh - Nhà sáng lập và điều hành Công ty CP Veritas Việt Nam cùng các cộng sự vẫn tất bật với những “đứa con tinh thần”: khẩu trang cà phê, ly chén từ bã cà phê, và gần đây nhất là sản xuất oxy y tế… “Trong những hoàn cảnh càng gian khó, mình càng không thể ngồi yên mà phải tìm cách xoay chuyển. Mục đích nhằm duy trì công ty, giữ công ăn việc làm cho mọi người. Hơn nữa, xoay chuyển còn là cơ hội để mình tìm được hướng kinh doanh mới” - anh Lê Thanh chia sẻ.
Xuất phát điểm là một startup làm giày từ bã cà phê, khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, anh Lê Thanh đã suy nghĩ đến việc làm khẩu trang khi thấy đây là mặt hàng thiết yếu rất cần cho người dân phòng chống dịch.
“Sẵn có công nghệ từ việc dùng bã cà phê để chế biến thành nguyên liệu làm giày, chúng tôi ứng dụng để làm khẩu trang không mấy khó khăn. Ưu điểm của cà phê là nguồn nguyên liệu sẵn có rất rẻ. Hạt nhựa sinh học từ cà phê có thể kéo sợi, làm nên những chiếc khẩu trang thương hiệu AirX. Đây là khẩu trang cà phê đầu tiên trên thế giới, vừa thời trang, vừa giặt được và thay màng lọc sau một tháng sử dụng, lại bảo vệ an toàn cho người dân khỏi nguy cơ nhiễm bệnh” - anh Thanh cho biết.
Giữa năm 2021, khi cả nước căng mình phòng chống cơn đại dịch lần thứ 4, anh Lê Thanh một lần nữa xoay chuyển. “Tôi đọc thông tin về dịch bệnh tại Ấn Độ, Indonesia, cảnh người dân giành giật những bình oxy để cấp cứu khiến mình không thể ngồi yên được. Oxy là một sản phẩm hỗ trợ hô hấp giúp cứu bệnh nhân COVID-19 kịp thời khi họ không may chuyển nặng. Nếu thiếu sự hỗ trợ của oxy, khả năng tử vong là rất cao. Đó là lý do tôi bắt tay vào việc tạo ra AirX Oxy nhiệt đới. Đây không đơn thuần là để kinh doanh, mà cái quan trọng là để cứu người không may mắc phải dịch bệnh” - Nhà sáng lập Lê Thanh bày tỏ.
Khi đó nhu cầu cần dùng bình oxy tại nhà ngày càng tăng do các ca lây nhiễm tăng nhanh, bệnh viện quá tải, chính quyền đề nghị F0 không triệu chứng cách ly, điều trị tại nhà. Anh Thanh cùng các cộng sự, đối tác làm việc ngày đêm để cho ra đời những bình oxy mini nhỏ gọn, dễ sử dụng và đặc biệt phải an toàn. Sản phẩm AirX Oxy nhiệt đới không chỉ đáp ứng kịp thời nhu cầu oxy khẩn cấp cho bệnh nhân COVID-19 mà còn giúp nhiều người khác gặp vấn đề về khó thở tạm thời, khó thở đột ngột, hen suyễn, tim mạch, nhồi máu cơ tim hay cho vận động viên thể thao…
Nhưng với anh Thanh, sản xuất khẩu trang hay bình oxy y tế chỉ là giải pháp tình thế trong mùa dịch còn phía trước, chàng trai trẻ đã có kế hoạch “dài hơi”, đó là thay thế nhựa bằng hạt nhựa sinh học từ bã cà phê.
Khoe những chiếc ly chén, muỗng nĩa, chai lọ… đến bàn chải đánh răng, bút bi thơm tho - Lê Thanh bật mí: tất cả đều làm từ… bã cà phê. Nguyên liệu mới này có tên là Coffee Bio-composite, có thể chế tạo ra mọi vật để thay thế nhựa truyền thống, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường.
Theo anh Lê Thanh, nguyên liệu mới này có tính cạnh tranh cao hơn so với nhựa truyền thống, giá thành rẻ hơn 10% so với các loại nhựa thô, do đó được kỳ vọng sẽ giúp ngành nhựa Việt Nam có thể cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế. Đồng thời cũng giúp giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu hoá thạch.
“Bã cà phê rất phổ biến ở nước ta, do Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, cũng là nơi tốt nhất để chúng tôi sản xuất ra nguyên liệu Coffee Bio-composite đầu tiên trên thế giới. Khi tạo ra nguyên liệu này, chúng tôi mong muốn nó có thể tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn ở Việt Nam là bã cà phê, đồng thời cũng đáp ứng được các tiêu chí như dễ dàng sản xuất, giá thành rẻ và có thể phân huỷ sinh học” - anh Thanh phân tích.
Nhà sáng lập Lê Thanh cho hay, bất cứ doanh nghiệp nào có nhu cầu về sản phẩm từ hạt nhựa sinh học cà phê sinh học, Veritas Việt Nam sẽ là nguồn cung ứng nguyên liệu hoặc sản xuất theo đơn đặt hàng (hình thức OEM - nhà sản xuất thiết bị gốc). “Đó là hướng phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Nhưng để “nuôi” được hoài bão đó, chúng tôi phải đưa công ty vượt qua mùa dịch bằng cách sản xuất sản phẩm theo nhu cầu thị trường” - anh Thanh khẳng định.
Khát vọng “cà phê quốc dân”
Những ngày này, ông Nguyễn Ngọc Luận - Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu đã cho ra đời hàng loạt sản phẩm cà phê hương vị mới như đậu xanh, khoai môn, bạc hà, nhàu, xoài, dừa… với thương hiệu Meet More. Khát vọng “cà phê quốc dân” từ nông sản chưa bao giờ thôi cháy bỏng với vị doanh nhân dạn dày kinh nghiệm này.
Ngay khi TPHCM thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch bệnh, ông Luận đã chuẩn bị tâm lý, nhân lực, vật lực để chuyển hướng sản xuất “3 tại chỗ”, đáp ứng tiêu chí vừa sản xuất, vừa phòng bệnh.
Tâm sự với chúng tôi, ông Luận không giấu được niềm vui khi công ty vừa được chứng nhận “doanh nghiệp xanh”. “Hơn 100 ngày giãn cách xã hội là quãng thời gian quá dài và khiến nhiều doanh nghiệp kiệt quệ. Lúc này, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân đều phải nhận thấy vai trò tự bảo vệ mình trong bối cảnh cùng sống chung với dịch” - ông Luận nói.
Ra đời đúng thời điểm “vàng”, khẩu trang AirX không những nhanh chóng được trong nước đón nhận mà còn có mặt tại hơn 50 quốc gia, được thị trường châu Âu ưa chuộng. Kinh doanh thuận lợi trong mùa dịch đã giúp Veritas Việt Nam “vượt bão” một cách thuận lợi.
Trải qua gần 2 năm duy trì hoạt động doanh nghiệp trong đại dịch, vị “thuyền trưởng” Nguyễn Ngọc Luận nhìn nhận, “trong nguy có cơ”, đại dịch chính là cơ hội để Meet More chinh phục thị trường thế giới.
Vị doanh nhân trong ngành F&B (nhà hàng và ăn uống) cho rằng, khi dịch hoành hành thì những thực phẩm chất lượng phục vụ sức khỏe rất cần thiết. Meet More đang có những lợi thế đó vì là nguyên liệu từ nông sản đạt các tiêu chuẩn cao về chất lượng ngay từ khi trồng trọt đến chế biến sau thu hoạch. Với định hướng nâng cao “Nông sản Việt”, Meet More mạnh dạn phát triển một thương hiệu Việt với những dòng sản phẩm từ nông nghiệp Việt ở mọi miền trên cả nước.
Nhân viên Meet More thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất |
Sau thời gian dài nghiên cứu, thử nghiệm kết hợp hàng ngàn sản phẩm, cuối cùng, ông Luận và đội ngũ của mình đã thành công trong việc sản xuất cà phê hoà tan trái cây, rau củ quả. “Việt Nam có bao nhiêu loại rau củ quả thì tôi sẽ có bấy nhiêu loại cà phê. Như vậy, chúng tôi được thị trường đón nhận nhanh chóng. Một minh chứng cụ thể cho thấy khách hàng tại Hàn Quốc, Úc và Mỹ đều thích sản phẩm này. Cũng là một cách mang thương hiệu nông sản Việt Nam ra bên ngoài hiệu quả”- ông Luận phấn khởi.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Phạm Ngọc Hưng nhìn nhận, các doanh nghiệp phải tự lên kế hoạch duy trì sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu, tìm đơn hàng mới, thay đổi sản phẩm để tồn tại.
“Những minh chứng về việc phát triển sản phẩm mới, dịch vụ mới của cộng đồng Doanh Nghiệp trong khó khăn chồng chất do dịch COVID-19 gây ra cho thấy, doanh nghiệp nào nỗ lực hết mình, luôn tìm khe sáng phía trước để tiến lên thì doanh nghiệp đó sẽ có nhiều cơ hội để tồn tại và nhiều động lực phục hồi mạnh mẽ khi đại dịch COVID-19 lùi dần” - ông Phạm Ngọc Hưng khẳng định.
Nhìn lại cách duy trì doanh nghiệp suốt 2 năm qua trong đại dịch, ông Luận tâm sự, khi dịch COVID-19 bất ngờ ập đến vào năm 2020 đã cho thấy bức tranh thực nhất về nông nghiệp Việt Nam. Dù Việt Nam có thế mạnh nông nghiệp nhưng nông sản Việt hầu hết tập trung xuất khẩu thô vào một vài thị trường mà ít quan tâm đến chế biến sâu. Kết quả, doanh nghiệp Việt đã bỏ qua các thị trường tiềm năng khác như: châu Âu, Mỹ hay Úc.
Tuy nhiên, chính sự phụ thuộc vào duy nhất một thị trường khiến khi xảy ra dịch bệnh COVID-19 mà nơi đầu tiên xuất hiện là Trung Quốc, lập tức các doanh nghiệp rơi vào tình trạng tê liệt. COVID-19 như một “gáo nước lạnh” tạt thẳng vào các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản theo kiểu lối mòn. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại chuỗi cung ứng trên toàn cầu về chất lượng, sản phẩm, giá cả cũng như cách làm việc của các doanh nghiệp.
Hải sản Hoàng Gia từ việc chỉ bán hải sản đã chuyển sang chế biến theo yêu cầu thực khách |
“Bài học từ các đợt dịch vừa qua cho thấy các doanh nghiệp cần xem xét và có kế hoạch đầu tư bài bản hướng tới chế biến sâu cũng như đa dạng thị trường xuất khẩu. Trong dịch COVID-19, gần như những doanh nghiệp chế biến sâu đều ít bị ảnh hưởng, thậm chí chúng tôi còn tăng được đơn hàng do những nhà cung cấp khác gặp khó vì dịch bệnh” - ông Luận cho biết.
Từ một doanh nghiệp chuyên cung cấp sỉ, Hải sản Hoàng Gia đã “bẻ lái” thành công, chuyển mình trở thành thương hiệu bán lẻ với 9 chi nhánh được thành lập chỉ ngay trong mùa dịch.
Sau khi xuất khẩu thành công sang Hàn Quốc, Úc, Mỹ, Nga, Ấn Độ… ông Luận đưa Meet More Coffee quay lại chinh phục khách hàng trong nước gần một năm qua và doanh số từ thị trường nội địa hiện đã tăng hơn 30%. Trong tương lai, thương hiệu đặt mục tiêu hướng đến 63 vị đặc trưng cho các loại nông sản ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, như thanh long Bình Thuận, xoài Tiền Giang…
“Tham vọng suốt đời của tôi là luôn muốn chứng minh cho cộng đồng mục tiêu tạo ra sản phẩm có giá trị, mang hồn của Việt Nam. Làm sao để người nước ngoài mua lại sản phẩm của mình và phủ sóng khắp thế giới” - doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận bày tỏ.
“Bẻ lái” tìm cơ hội
Là doanh nghiệp chuyên nhập khẩu hải sản cao cấp từ các nước về Việt Nam, Công Ty TNHH TM Quốc tế Hải Sản Hoàng Gia chuyên cung cấp sỉ cho hơn 2.000 nhà hàng, khách sạn khắp cả nước. Tuy nhiên, như bao doanh nghiệp khác, khi dịch bệnh bùng phát dẫn đến việc Thành phố giãn cách, mọi hoạt động của doanh nghiệp này bất ngờ chững lại.
Để duy trì hoạt động, Hải Sản Hoàng Gia tìm mọi cách xoay chuyển. Ông Trần Văn Trường- Tổng giám đốc Công ty TNHH TM Quốc tế Hải sản Hoàng Gia nhớ lại: “Đang kinh doanh ổn định thì dịch bùng ở nhiều nơi, kênh phân phối sỉ giảm hơn 80%. Trong giai đoạn cực kỳ thách thức này, nếu tạm ngưng hoạt động không chỉ đứt gãy chuỗi cung ứng, mà còn đẩy nhiều nhân viên vào hoàn cảnh không có việc làm. Do đó, chúng tôi đẩy mạnh bán lẻ và tập trung vào khâu chế biến, giao hàng tận nhà cho khách”.
Ông Trần Văn Trường tìm mọi cách xoay chuyển để giữ vững công ty |
Bên cạnh đó, khi Thành phố giãn cách lần đầu tiên, hàng chục tấn hải sản của công ty nhập về không tiêu thụ được. Áp lực tồn kho, công nợ không thu hồi được, doanh nghiệp này đã buộc phải tìm hướng đi mới cho đầu ra của hàng hóa. “Duy trì hoạt động của công ty cũng là duy trì chén cơm của nhân viên”- ông Trường bộc bạch.
Sau một tuần trăn trở và đặt nhiều câu hỏi cho chính bản thân mình: dịch bệnh sẽ diễn ra bao lâu, bao giờ thì nhà hàng được mở cửa trở lại, nếu khách hàng không đến các nhà hàng thì có cách nào phục vụ họ tại nhà được không?… Do đó, công ty đã quyết định xoay chuyển sang mô hình bán lẻ, và chuỗi siêu thị hải sản có chế biến mang đi đầu tiên ra đời tại TPHCM.
“Cách duy nhất là phải đưa các sản phẩm trái cây của mình vào các món ăn, thức uống hằng ngày, tạo thành thói quen tiêu dùng. Nếu thành công chúng ta có thị trường lớn và sẽ không còn phải loay hoay mãi với bài toán “giải cứu” như hiện nay”.
Ông Nguyễn Ngọc Luận
Nhờ cách làm này, khách hàng chỉ cần ở nhà mà vẫn có thể thưởng thức các món hải sản được chế biến ngon miệng như khi ăn tại nhà hàng. Tính linh động ứng biến ấy còn giúp doanh nghiệp không chỉ vượt qua đại dịch thuận lợi mà còn liên tục khai trương thêm nhiều chi nhánh mới.
Với những kinh nghiệm có được bên cạnh việc thấu hiểu mong muốn của khách hàng, trong làn sóng dịch lần thứ 4, Hải sản Hoàng Gia tiếp tục ra mắt sản phẩm mới là những thố cá kho tiện lợi, bổ sung các mặt hàng đông lạnh cũng như các mặt hàng hải sản thiết yếu khác phục vụ tận nơi cho mỗi gia đình; đẩy mạnh bán hàng qua các kênh thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến; chủ động phương án “3 tại chỗ”, thành lập Ban Phòng chống dịch, thực hiện nghiêm chỉnh quy tắc 5K và 100% nhân viên đều tiêm 2 mũi vắc-xin ngừa COVID-19…
Sản phẩm ly, cốc được làm từ bã cà phê thay cho vật liệu nhựa do nhóm anh Lê Thanh sản xuất |
“Bên cạnh việc tạo ra thói quen mới thưởng thức hải sản cao cấp tại nhà, chúng tôi đã tạo thêm được việc làm cho người lao động, hỗ trợ ngư dân tiêu thụ hải sản từ các vùng biển Việt Nam. Nhờ chuyển đổi mô hình đúng thời điểm, chúng tôi vẫn đủ khả năng “nuôi quân”, tiếp tục duy trì kinh doanh trong giai đoạn gặp nhiều thách thức do dịch bệnh” -Tổng giám đốc Trần Văn Trường chia sẻ.