Cô gái 'sinh ra để làm tình nguyện'

Cô gái 'sinh ra để làm tình nguyện'
'Những người kém may mắn, không có đôi tay, không còn đôi mắt… nhưng vẫn sống và vươn lên. Còn mình thì đã làm được những gì? Em thấy hổ thẹn với chính mình. Đó chính là động lực để em tham gia các hoạt động tình nguyện'.

Cô gái 'sinh ra để làm tình nguyện'

'Những người kém may mắn, không có đôi tay, không còn đôi mắt… nhưng vẫn sống và vươn lên. Còn mình thì đã làm được những gì? Em thấy hổ thẹn với chính mình. Đó chính là động lực để em tham gia các hoạt động tình nguyện'.

Tổ chức chương trình
Tổ chức chương trình "Trung thu biên cương" cho trẻ em xã Môn Sơn, Con Cuông.
 

Đó là những lời tâm sự của Trịnh Thị Thu Hường (K604 - kế toán, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An), Chủ nhiệm CLB Tình nguyện Tia sáng.

Hường là con độc nhất trong một gia đình công nhân. Bố mất sớm, mẹ dồn hết tình yêu thương cho Hường. “Em được thừa hưởng rất nhiều thứ từ mẹ. Cũng chính mẹ là người đã định hướng em tham gia vào các hoạt động vì cộng đồng. Mẹ bảo, chỉ khi nào con biết yêu thương đồng loại, biết yêu thương những người kém may mắn hơn mình, con sẽ được sống trong tình yêu thương của mọi người”, Hường tâm sự.

Trịnh Thị Thu Hường - Chủ nhiệm CLB tình nguyện Tia sáng
Trịnh Thị Thu Hường - Chủ nhiệm CLB tình nguyện Tia sáng.
 

Những lời nói của mẹ ngấm sâu vào tâm hồn của Hường. Khi còn ngồi trên ghế trường THPT, Hường đã nhiệt tình tham gia các phong trào tình nguyện. Trở thành sinh viên, ngay mùa hè năm nhất, Hường đã xung phong tham gia chiến dịch Mùa hè xanh do Đoàn trường tổ chức. Đó là lần “ngược núi” đầu tiên lên với đồng bào xã Châu Thôn (Quế Phong), cùng ăn, cùng ở với đồng bào, giúp đồng bào làm nhà vệ sinh, dạy các em nhỏ học bài.

“Em tham gia các chương trình tình nguyện nhưng nói thật lúc đó trong em vẫn chưa định hình được mình sẽ làm gì cho những mảnh đất khốn khó, nơi có những con người khốn khổ hay bất hạnh. Trong em luôn thường trực một suy nghĩ, mình phải sống như thế nào, phải làm những gì. Em muốn gây dựng một phong trào tình nguyện của riêng mình”.

Kết thúc chiến dịch Mùa hè xanh đầu tiên, Hường được nghỉ 3 ngày trước khi bước vào năm học mới. Dự định dành cả 3 ngày nghỉ cho mẹ nên Hường bắt xe về thị xã Thái Hòa. Và chính em cũng không ngờ được rằng, chuyến xe này đã trở thành một bước ngoặt lớn trong cuộc đời mình. Trên chuyến xe này, Hường chứng kiến cảnh hai em bị câm điếc bẩm sinh bị phụ xe hắt hủi chỉ vì các em không thể giao tiếp được và quan trọng là các em không có tiền.

Về nhà, Hường băn khoăn mãi, cả đêm trằn trọc không ngủ với bao câu hỏi: làm gì để giúp đỡ những trẻ em tàn tật, những số phận kém may mắn?Kết thúc sớm kỳ nghỉ với mẹ, ngay ngày hôm sau, Hường bắt xe xuống Vinh, tìm đến Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật Nghệ An để thăm các em. Chứng kiến những thiệt thòi các em gặp phải trong giao tiếp, trong cuộc sống, Hường đề xuất với giám đốc trung tâm được đến chơi và tổ chức dạy văn hoá cho các học viên của trung tâm.

Gắn bó với các em nhưng hiểu được các em là điều không dễ. Để các em có thể hòa nhập với cộng đồng, Hường trình bày ý tưởng sẽ thành lập nhóm giúp các em làm đồ handmade để cải thiện cuộc sống. Ý tưởng của Hường nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các bạn. Từ đó, đều đặn thứ 4 hàng tuần, nhóm của Hương lại đến giúp các em.

“Các em thì không nói được, trong khi chúng em lại không thể nói được bằng 'ngôn ngữ' của những người khiếm thính. Hướng dẫn các em làm một món đồ thực sự là một cuộc 'vật lộn' giữa hai bên. Để thuận tiện hơn, những thành viên trong nhóm phải học ngôn ngữ ký hiệu để có thể giao tiếp, hướng dẫn các em”, Hường cho biết.

Năm 2011, số bạn bè tham gia tình nguyện với Hường tăng dần, Hường quyết định bàn với cả nhóm thành lập CLB tình nguyện và lấy tên CLB tình nguyện Tia sáng. Với phương châm “Nhìn bằng mắt - Nghe bằng tai - Cảm nhận bằng con tim và hành động bằng đôi tay nhân ái”, trong 1 năm qua, CLB đã tổ chức được 6 chương trình tình nguyện có ý nghĩa với kinh phí lên đến gần 100 triệu đồng. Trong đó phải kể đến chương trình “Kết nối yêu thương”, “Tuần cháo yêu thương” và “Trung thu biên cương” đã để lại dấu ấn sâu sắc.

Tinh thần tình nguyện, sẵn sàng chia sẻ thế nhưng cái khó lớn nhất của Hường cũng như các thành viên trong CLB chính là tìm nguồn tài trợ cho các chương trình của mình. Để có kinh phí, các thành viên trong đội phải đi quyên góp khắp nơi.

Đến với những miền đất còn nhiều gian khó
Đến với những miền đất còn nhiều gian khó.
 

Ở những nơi nhận được sự ủng hộ của mọi người, đối với Hường đó là cả một hạnh phúc bởi chương trình của mình đã có sự lan tỏa, bởi mọi người đã mở rộng vòng tay hơn tới những mảnh đời nhiều thiệt thòi. Thế nhưng cũng có những khi cô bé này phải khóc hu hu như một đứa trẻ bởi bị người ta hiểu nhầm, cho rằng mình có động cơ, mục đích xấu.

Nhớ lại lần đầu tiên đi quyên góp, vận động kinh phí để tổ chức hoạt động tình nguyện, Hường vẫn còn vẹn nguyên cảm giác tủi hổ khi bị từ chối thẳng thừng. “Lần đó, CLB tổ chức chương trình 'Vì người nghèo' tặng quà cho người nghèo trên địa bàn thành phố.

Các thành viên trong đội đi phát tờ rơi kêu gọi hoặc đến các quán hàng quyên góp. Vừa trình bày xong mục đích của mình, em bị ông chủ quán dội ngay một 'gáo nước lạnh': “'Tin gì được mấy đứa mày. Chắc gì tiền ủng hộ của tao được đưa đi làm từ thiện...'.

Ấm ức lắm, tủi hổ lắm, nước mắt chỉ muốn trào ra. Nhưng ngẫm lại ông ấy nói cũng có lý, bọn em chẳng có gì để minh chứng cho việc làm của mình. Chỉ có cách là làm thật tốt để tạo niềm tin thôi!”. Sau các đợt quyên góp, Hường đều mời những tấm lòng hảo tâm, dù chỉ ủng hộ 5.000 đồng hay 10.000 đồng thôi, đến tham gia chương trình.

Và giang rộng hơn nữa vòng tay yêu thương..
Và giang rộng hơn nữa vòng tay yêu thương...
 

Tận mắt chứng kiến nỗi khó khăn của các em, chứng kiến những việc làm mà Hường và các thành viên CLB đã làm, nhiều người từ nghi ngờ đã trở thành những “mạnh thường quân”, thường xuyên tài trợ cho các chương trình tình nguyện của CLB. Đối với Hường, kết nối được những tấm lòng nhân ái, để mọi người cùng chia sẻ yêu thương đó là thành công lớn nhất mà em cũng như CLB làm được.

Để việc vận động kinh phí có hiệu quả, Hường cùng ban chủ nhiệm đưa ra nhiều mô hình hay: đặt các thùng quyên góp tiền lẻ ở các quán ăn, nhà hàng; đưa chương trình lên blog, Facebook kết nối với mọi cá nhân, tổ chức; các thành viên trong CLB làm việc bán thời gian để gây quĩ...

Hường chia sẻ: “Sắp tới em dự định sẽ mở một cửa hàng nho nhỏ bán hàng theo mùa để gây quỹ cho các chương trình hoạt động của mình. Đi xin chỉ là phương án tình thế thôi, phải làm như thế nào để các chương trình có kinh phí hoạt động thường xuyên và lâu dài”.

Không chỉ hướng tới những em nhỏ, những mảnh đời sớm phải chịu nhiều khiếm khuyết về hình hài, cô sinh viên này còn một mình đi “tiền trạm” ở các bản làng vùng sâu, vùng xa. Sau khi tận mắt chứng kiến những vất vả, thiếu thốn của các em học sinh vùng sâu, vùng xa, Hường lại về thành phố, lên kế hoạch vận động quyên góp để san sẻ một phần khó khăn cùng với các em, để con đường đến trường của học sinh vùng sâu, vùng xa đỡ gian nan hơn.

“Em không thể ngừng đi, không thể ngừng suy nghĩ về những người phải chịu thiệt thòi hơn mình. Cứ như thể, em sinh ra là để làm tình nguyện, để gắn bó mình với các hoạt động hướng về cộng đồng. Bởi với em 'Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình…'.

Ra trường, công việc rồi gia đình sẽ cuốn em vào nhiều lo toan mới nhưng hoạt động tình nguyện sẽ tiếp tục đồng hành với em bởi nó đã trở thành một phần máu thịt, một phần cuộc đời em rồi”, Hường tâm sự.

Theo Dân Trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG