Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng. |
Cô bé có cái tên khá đặc biệt - Nguyễn Thị Sari. Người mẹ nông dân thích ăn sơ ri, vì vậy đứa con gái bé bỏng mang luôn cái tên Sari lúc chào đời.
Đứng như Sari
Với hình hài yếu ớt và khiếm khuyết, cô bé Sari lọt lòng trong giọt nước mắt nghẹn ngào và nỗi buồn đè trĩu mái tranh nghèo của cha mẹ ở miền Cần Đước, Long An. Đôi chân bị liệt của hình hài bé nhỏ ấy khiến cặp vợ chồng nghèo tắt hẳn hy vọng, niềm háo hức trông chờ con tập lẫy, tập bò. Em lớn lên như cây cỏ. Chỉ có đôi chân là không đứng được trên cuộc đời như bạn bè trang lứa.
Tuổi đến trường, em khát khao được cắp sách đi học. Người chị gái thương đứa em nhỏ, bốn năm liền cõng em trên vai đến lớp, đưa vào tận chỗ ngồi.
Ngày nắng cũng như mưa, cô học trò nhỏ như cục kẹo, đến giờ học lại cuống quýt ôm lấy vai chị cứng ngắc để được đến trường. Người chị cũng chẳng lớn gì cho cam, những hôm trời mưa choàng chiếc áo mưa mỏng dính, giữ chặt lấy hai tà để cô em khỏi ướt, trông cứ như đang khoác trên vai chiếc cặp sách nhỏ xíu. Chứng kiến cảnh đó, các thầy cô giáo ở ngôi trường làng không nén được xúc động và cảm phục.
Thầy cô gom góp, vận động xin cho em được chiếc xe lăn. Lúc đó em vừa bước sang lớp 6, con đường đến trường gần 10 cây số đầy ổ gà, ướt nhoẹt bùn những ngày mưa. Sari ngồi lọt thỏm trong chiếc xe lăn. Chiếc xe có hai cái lắc tay hai bên hông, giúp đẩy về phía trước để di chuyển.
Có lúc Sari choài cả thân mình tới trước lấy hết sức đẩy mà chiếc xe không xê dịch. Nhưng cô vật lộn với chiếc xe trong 7 năm trời để tốt nghiệp được cấp 3. “Có lẽ nhờ 7 năm đẩy xe lăn ở quê, em mới có được sức khỏe và thể trạng như bây giờ”, Sari nói.
Cả nhà Sari chỉ biết kiếm sống bằng nghề dệt thảm. Ngoài giờ học, em lăn vào phụ giúp gia đình. Ngày em tốt nghiệp cấp ba, má buồn rầu: “Nuôi con đến vậy là kiệt sức rồi con à. Giờ con phải tự đứng thôi, Sari ạ”. Sari biết nhà mình nghèo, có bán hết tất cả cũng không đủ tiền cho em học đại học.
“Em quyết định lên Sài Gòn. Ba má em la dữ lắm. Nhưng em vẫn quyết đi lên thành phố”. Sari đẩy xe lăn lóc cóc đi xin việc. Thế nhưng chẳng ai nhận cô bé quê mùa liệt cả hai chân vào làm việc. May sao, một người chủ tiệm may gia công ở Hóc Môn thương tình nhận em vào làm. Em nhanh chóng thuần thục công việc. Một năm trời, em tích góp được hơn một triệu đồng, với quyết tâm vào bằng được đại học.
Một góc trung tâm treo đầy bằng khen, huân huy chương của Sari. |
Người cha thứ hai
Ngày nọ, có người đàn ông dáng vẻ khắc khổ, mái tóc bạc trắng tìm đến xưởng may nơi Sari làm việc. Người đàn ông mà sau này em mới biết là bác Trần Hoàng Minh, chủ nhiệm một cơ sở chăm sóc và dạy nghề cho người khuyết tật ở quận Tân Phú.
“Cháu về ở với bác, đói no bác cháu ta cùng chịu”, người đàn ông nói. Sari không thể ngờ rằng đây chính là bước ngoặt thay đổi cuộc đời em. Đến trung tâm, em làm quen với môn bơi lội. “Con không đứng được trên bờ, giờ con thử xuống nước đứng xem sao”, người bác già khuyên nhủ.
Sau ba tháng luyện tập, từ chỗ không biết bơi, Sari bất ngờ giành 3 huy chương vàng tại giải bơi lội người khuyết tật toàn quốc diễn ra ở Huế. Một năm sau, tại Paragames 2008 tổ chức ở Thái Lan, em đạt 2 huy chương bạc trong sự ngỡ ngàng của làng thể thao nước nhà.
Trở về nước, em lại đạt luôn 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc trong giải thể thao người khuyết tật toàn quốc tại TPHCM. Vừa luyện tập, thi đấu, em tranh thủ buổi tối để ôn lại kiến thức đã bỏ quên trong một năm trời làm việc ở xưởng may.
Kỳ thi ĐH năm đó, em đỗ luôn vào khoa Anh văn, trường Đại học Hùng Vương. Chưa dừng lại ở đó, một năm sau, Paragames Kuala Lumpur vinh danh cô bé vàng Việt Nam với 3 huy chương vàng, phá 1 kỷ lục châu Á và 2 kỷ lục Paragames, đoạt cúp dành cho vận động viên xuất sắc nhất Đại hội do chính hoàng hậu Malaysia trao tặng. Năm 2010, ở đấu trường Asiad, em cũng xuất sắc giành huy chương đồng.
“Thật bất ngờ khi trước đó em còn chưa biết bơi”, bác Minh, người cha đỡ đầu cho Sari vào môn bơi lội không giấu được tự hào. Thương Sari, bác Minh ngày ngày đưa em đến bể bơi, ngồi lặng lẽ bấm giờ cho cô bé. Trưa, ông bế cô bé lên chiếc xe máy cũ mèm, lọc cọc chạy về trung tâm cho Sari kịp bữa học chiều. Không kịp nghỉ trưa, ông lại chở Sari đến trường, dìu em lên tận lầu 5.
“Tui đã gần 70 tuổi rồi, không bế Sari lên nổi lầu 5. Cháu phải gắn hai cái nẹp vào chân, rồi một bên chống nạng, một bên tôi dìu, có khi mất cả giờ mới lên được đến lớp”, người bác già kể. Mỗi lần Sari đi thi đấu ở tỉnh xa, bác Minh bỏ tiền túi đi xe đò theo để tiện việc săn sóc, chăm lo cho em.
Những lần em ra nước ngoài thi đấu, không có tiền đi theo, bác ở nhà mà lòng như lửa đốt: “Người khác thi đấu dù sao cũng còn lành lặn, đi đứng được. Sari thì chỉ ngồi một chỗ thôi. Mà có phải thi đấu xong là thôi đâu, cháu còn phải học nữa chứ”.
Từ hai người xa lạ, họ trở nên thân thiết và gắn bó nhau như hình với bóng. Bất kể nắng mưa, những người lao công ở hồ bơi Tân Bình vẫn thấy một ông già tóc bạc ngồi dõi theo cô bé đang hụp lặn dưới làn nước. Biết được thành tích và khả năng của Sari, nhiều ông bầu mạnh ở thành phố ngỏ lời mời Sari qua nơi khác ở, điều kiện vật chất, luyện tập sung sướng, đầy đủ hơn.
Có người nói thẳng với Sari và nhiều em ở trung tâm: “Các em đã đủ lông đủ cánh, phải bay đi tìm chỗ tốt, sao cứ ở mãi cái trung tâm lụp xụp này”. Ba em đã rời trung tâm. Người bác già nghe tin, bảo: “Con cũng nên qua đó để có điều kiện phát triển tốt hơn”. Sari chỉ im lặng lắc đầu rồi lặng lẽ đẩy xe lăn đi vo gạo, nấu cơm cho buổi cơm chiều. Buổi tối, bác lại chở em đến bể tập như thường lệ.
Có hôm mưa, gặp lúc triều cường, chiếc xe giật giật mấy phát rồi tắt ngỏm. Bác Minh cởi áo mưa che cho Sari, rồi bồng em lên bậc thềm cao ráo, để em ngồi dưới mái hiên. Bác hì hục dốc ngược xe máy, nước trong ống bô ào ra. Cặm cụi một hồi, chiếc xe nổ máy. Bác lại bồng Sari ra lại xe, cô bé òa lên khóc: “Bác thương con như con ruột, sao con bỏ bác mà đi được chứ!”. Người bác già cũng không cầm được nước mắt. Mưa chiều Sài Gòn vẫn trắng xóa con đường trước mặt.
Những ngày đầu đại học, em cùng bác Minh phải leo mấy tầng lầu. Khi trường có thang máy, mỗi lần thấy hai bác cháu, người bảo vệ trước công trường lại lật đật chạy vào bấm thang máy cho em. Chuyện đến tai thầy Lê Văn Lý, hiệu trưởng trường ĐH Hùng Vương, nơi em đang theo học.
Thầy tìm về tận trung tâm, bảo: “Một cơ sở nhỏ bé mà nuôi dưỡng được em thành tài, tại sao một ngôi trường lớn lại không giúp được gì cho em chứ?”. Từ đó trở đi, em được miễn hoàn toàn các khoản học phí. Ở trường, một tấm bảng lớn lâu lâu lại cập nhật thành tích của Sari nằm ngay hành lang chính dẫn vào trường.
Sau thành tích vang dội tại Malaysia năm 2009, em được chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Cùng đợt với em có hai đàn chị điền kinh Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương, được nhận hạng Nhì.
“Má em ở quê mừng lắm. Tháng 8 năm sau em tốt nghiệp, mong muốn được học tiếp thạc sỹ. Ước mơ của em là được trở thành cô giáo dạy anh văn, lúc đó em sẽ có nhiều cơ hội giúp đỡ các bạn trẻ nghèo….”, Sari tâm sự.
Ngang như Sari
Mặc dù là vận động viên quốc gia, thế nhưng ngày ngày Sari vẫn phải mua vé vào tập bơi ở bể bơi Tân Bình. Người bán vé thương cô, mỗi lần xé vé xong chẳng bao giờ lấy tiền, chấp nhận bỏ tiền túi bù lỗ, mặc cho Sari nài nỉ. Lần sau, Sari mua luôn vé tháng 180 ngàn/ 15 buổi để người bán vé phải nhận tiền. “Cô chỉ nhận 100 ngàn thôi, còn lại con giữ lấy mà bồi dưỡng”, người bán vé cương quyết. Người bán vé tốt bụng chỉ giúp Sari được một thời gian. Bể bơi có người mới, bắt em mua vé tháng dành cho người lớn. Sari cự: “Nội quy ghi rõ trên 1m2 là mua vé người lớn, dưới 1m2 mua vé trẻ em. Con cao chưa tới 1m sao cô bắt con mua vé người lớn?”. Năm 2009 tại Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á ở Malaysia, Sari mang về cho quê nhà 3 tấm huy chương vàng. Nhà nước thưởng cho mỗi huy chương vàng 12,5 triệu (bằng ½ VĐV bình thường - Theo quy định hiện hành của nhà nước. Riêng ở TPHCM từ năm 2007, VĐV khuyết tật mới có quyền lợi bình đẳng với VĐV khác do sự đấu tranh của giám đốc Sở TDTT Nguyễn Hoàng Năng lúc bấy giờ). Theo quy định, thưởng cho mỗi huy chương của VĐV bao nhiêu thì thưởng cho HLV bấy nhiêu. Vị HLV trưởng của Sari ra Hà Nội nhận thưởng cho cả đội. Đến lúc về nhận tiền, mỗi người thấy thiếu 250 ngàn không rõ lý do. Sari hỏi thầy thì nhận được câu trả lời: “Phí để thầy đi lấy tiền về”. Không đồng ý, Sari làm đơn lên Sở hỏi rõ nguyên nhân. Tại cuộc họp gấp với thanh tra sở, ban lãnh đạo và HLV, vị HLV xin trả lại em 250 ngàn nhưng em không nhận: “Em được nhà nước thưởng hơn 50 triệu, 250 ngàn không đáng gì, nhưng em muốn mọi thứ phải minh bạch, tôn trọng vận động viên đã phải đánh đổi cả máu và nước mắt để có được vinh quang”. |