Cô chủ art doll mới lạ

Họa sĩ Thu Hằng giới thiệu art doll
Họa sĩ Thu Hằng giới thiệu art doll
TP - Từ một khối gỗ nhỏ nhắn, họa sĩ Trần Thu Hằng (sinh năm 1984) gọt, tỉa nên những tác phẩm art doll (búp bê nghệ thuật) sống động. Tốt nghiệp trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội năm 2009, Hằng là họa sĩ trẻ hiếm hoi ở Việt Nam chọn dòng nghệ thuật mới, lạ để khởi nghiệp.
Họa sĩ Thu Hằng giới thiệu art doll
Họa sĩ Thu Hằng giới thiệu art doll.


Từ hình ảnh của trẻ thơ

“Đây là em bé chừng 2 tuổi làm bằng chất liệu gỗ thông tay cầm kéo, tay cầm lược đang bắc ghế soi gương tự cắt tóc cho mình. Còn kia là tác phẩm em bé leo lên bàn, nghịch đồ trang điểm khi mẹ vắng nha...”. Hằng lần lượt giới thiệu các tác phẩm art doll đầu tay.

Hằng đắt khách bởi sự cầu kỳ, kỹ tính. Bất cứ tác phẩm nào dù bé tí xíu, chị đều không làm qua loa dù đó chỉ là những họa tiết nhỏ. Từ lọ nước hoa trên bàn trang điểm được làm bằng hai hạt đá đính liền, một to, một nhỏ với nắp đậy bằng đồng chị cũng phải kỳ công mài dũa... Những tác phẩm của Hằng đều toát lên sự hài hước, dễ thương của trẻ thơ.

Bài viết về các tấm gương, mô hình kinh doanh, lập nghiệp hoặc ý kiến tham gia diễn đàn Kinh doanh từ 1 triệu đồng xin gửi về: thegioitre@tienphong.vn

Căn phòng ở rộng chừng hơn 20m2 trên phố Hạ Hồi, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), Hằng biến thành phòng làm việc và trưng bày các tác phẩm của mình. Mỗi sản phẩm búp bê nghệ thuật hoàn thành, Hằng đều giới thiệu trên website http://www.deviantart.com. Ngoài ra, trên trang facebook cá nhân, Hằng cũng tận dụng để các bạn trẻ yêu nghệ thuật biết đến.

Vào ĐH, Hằng chọn nghiệp vẽ tranh màu nước. Đến năm học thứ 2, khi tham dự triển lãm búp bê Nhật Bản với những tác phẩm art doll độc đáo, Hằng bị hút hồn. Cô say sưa với những nguyên liệu rẻ tiền và hàng loạt ý tưởng liên tục nhảy múa trong đầu. Hằng chọn lối khởi nghiệp từ những miếng gỗ vụn, cúc, đá, hạt cườm, mảnh gạch vỡ...để làm art doll.

Hiện tại Hằng đang sản xuất ba dòng sản phẩm: Búp bê sáng tác, búp bê đặt hàngbúp bê cổ tích. Hai dòng sản phẩm búp bê sáng tácbúp bê đặt hàng dù mới mẻ nhưng đã thuyết phục được khách hàng yêu chuộng nghệ thuật. Khách mua hàng của Hằng chủ yếu là người làm nghệ thuật hoặc các gia đình khá giả, muốn lưu giữ hình ảnh ngộ nghĩnh của con mình trong tủ kính.

Nói về sản phẩm búp bê cổ tích, Hằng cho biết, dựa trên nội dung các câu chuyện cổ tích Việt Nam, thay vì vẽ tranh Hằng tạo mẫu búp bê, rồi sản xuất hàng loạt. Mỗi hộp búp bê kèm theo một quyển truyện cổ tích được dịch sang tiếng Anh, phục vụ khách du lịch quốc tế tìm hiểu về truyện dân gian Việt Nam.

Giá trị của ý tưởng

Búp bê làm theo đặt hàng chỉ làm một sản phẩm duy nhất theo mẫu. Hằng bắt đầu cho ra đời đầu năm 2009, xuất phát từ ý tưởng của nhiều phụ huynh muốn con mình trở thành mẫu búp bê. Búp bê loại này có giá 500 USD. Khi sản phẩm ra đời không ít phụ huynh tìm đến tận nhà đặt hàng.

Hằng cho biết, khi phụ huynh đặt hàng nặn búp bê hình con của họ, Hằng thường đề nghị được đến tận nơi để chụp thật nhiều ảnh, ký họa em bé, chơi với bé để chớp khoảnh khắc thú vị nhất.

Khi bắt được thần thái của nhân vật, Hằng tìm cách thể hiện nhân vật có hồn nhất. Và sản phẩm búp bê đặt hàng chính là hình ảnh thu nhỏ sống động của các em bé thật ngoài đời. 

Búp bê của Hằng không tốn nguyên liệu, giá trị của nó có được chủ yếu do chất xám ý tưởng của người chế tác. Nuôi dự định phát triển ngành nghệ thuật art doll, trước mắt họa sĩ trẻ có kế hoạch lấy ngắn nuôi dài. Hằng nhận lời vẽ truyện tranh cho NXB Nhã Nam, vẽ minh họa cho một số báo, tạp chí. Số tiền thu về trung bình gần 10 triệu đồng/truyện cộng thêm các sản phẩm từ đơn đặt hàng giúp Hằng có vốn đầu tư cho kế hoạch dài hơi.

Khởi nghiệp từ ý tưởng với số vốn ban đầu vài trăm nghìn đồng, Hằng chọn mua nguyên liệu đất nặn, composite, silicon và tận dụng gỗ, vải vụn giá rẻ. Hai tháng tới, Hằng cho ra mắt bộ sản phẩm về búp bê cổ tích và tung ra thị trường thông qua các cửa hàng lưu niệm ở sân bay, phố cổ.

Đánh thức tiềm năng người trẻ

Trong hai ngày 5 và 6 – 10, diễn đàn “Kinh doanh từ 1 triệu đồng” đăng tải các bài viết Tỷ phú Take One khởi nghiệp từ vải vụn, Thành thạo hai ngoại ngữ, kinh doanh trà đá, báo Tiền Phong nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả.

Về nhân vật Trần Phương Huyền trong bài Tỷ phú Take One khởi nghiệp từ vải vụn, Dương Hoàng danthanh viết: “Chị khâm phục em có khả năng sáng tạo, thông minh và chịu khó khởi nghiệp từ nghề của mẹ. Chị nhận thấy mình còn yếu, bài viết này đã tiếp thêm sức mạnh để chị cố gắng khai thác khả năng của mình”.

Bạn duongvanchat chia sẻ: “Tôi nghĩ đây là tấm gương không chỉ tôi mà nhiều các bạn trẻ khác tham khảo. Bạn Trương Hoài Phúc viết: “Khâm phục bạn, bằng tuổi bạn mà mình chưa làm được gì, bạn đã cho mình thêm động lực để phấn đấu”.

Khởi nghiệp mọi nơi

Nickname Banlinh_danong đưa ra ý tưởng phù hợp với người chưa có kinh nghiệm và ít vốn:

1. Mở quán cà phê tình yêu ngay tại khuôn viên của các trường đại học bằng cách kinh doanh nhóm, mỗi người góp 1 triệu.

Tại quán này, chủ nhân cho thuê “dịch vụ tình yêu trong sáng” với không gian lãng mạn, thiết kế các ý tưởng dành cho tình yêu.

2. Nhóm 2 - 3 người hùn vốn đầu tư xe đẩy bán cafe di động tại những địa điểm đông người.

3. Chớp cơ hội. Thỉnh thoảng các Cty viễn thông có các chương trình khuyến mại tặng 130- 200% giá trị thẻ nạp, các bạn có thể tính toán để nạp thẻ hoặc liên kết với một cửa hàng điện thoại cùng thực hiện. Khi kết thúc các chương trình khuyến mãi, bạn bán cho khách hàng, bạn bè bằng cách chuyển khoản. Lợi nhuận có được từ số tiền khuyến mãi khá hấp dẫn.

Hải Yến - Phương Mai

 
MỚI - NÓNG