Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn thông tin, dự thảo Nghị định gồm 6 chương, 33 điều; dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Trong đó có một số nội dung quy định đáng chú ý, còn nhiều ý kiến như biên chế một phường gồm bao nhiêu công chức; có cho phép ký hợp đồng làm công tác chuyên môn giải quyết các công việc mang tính chất có thời hạn, thời vụ, phù hợp thực tiễn hay không; trưởng công an phường có thuộc cơ cấu tổ chức UBND phường không…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ băn khoăn về hoạt động của UBND phường theo chế độ thủ trưởng theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Ông Huệ cho rằng, vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau, không phải dễ.
“Cơ chế thủ trưởng nhưng theo nguyên tắc tập trung dân chủ thì có thực hiện được không. Không quy định rõ thì không vận hành được, có xung đột, công việc trì trệ. Nhiều khi chủ tịch UBND phường lại không dám quyết”, ông Huệ nói. Ngoài ra, còn các vấn đề liên quan đến việc phân cấp, phân quyền, tuyển dụng, bổ nhiệm, cấp ngân sách…
“Trước đây phường là một cấp ngân sách, bây giờ là một đơn vị dự toán ngân sách, thì như thế nào. Không giải quyết được vấn đề này thì tắc hết, không có tiền, không hoạt động được”, ông Huệ nêu. Ngoài ra, còn vấn đề liên quan đến thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. “Đây là vấn đề rất khó, rất mới”, ông Huệ nêu.
Liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND phường theo chế độ thủ trưởng, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, trong dự thảo trước đây, quy định chủ tịch UBND phường được quyền quyết định, không tham khảo ý kiến của các Phó Chủ tịch, các ủy viên. Tuy nhiên, sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý thì lại thấy quy định chủ tịch UBND phường tham khảo ý kiến tập thể, các phó chủ tịch trước khi ra quyết định. Như thế vẫn giữ như mô hình trước đây, theo cơ chế tập thể chứ không phải cơ chế thủ trưởng.
Đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc thí điểm cơ chế thủ trưởng trên nguyên tắc tập trung dân chủ chứ không phải lãnh đạo tập thể. Cơ chế thủ trưởng là theo quyết định của chủ tịch. Muốn họp lúc nào là theo quyết định của chủ tịch chứ không phải họp định kỳ. Vị này đề nghị Dự thảo Nghị định phải đầu tư thêm về tổ chức, cách thức thực hiện, quy định rõ việc nào chủ tịch quyết định, việc nào phối hợp, vấn đề nào phải quyết, vấn đề nào phải trao đổi, lấy ý kiến…
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, việc thí điểm phải mang tính chất đặc thù của chính quyền đô thị, mà hiện nay theo Dự thảo Nghị định thì chưa rõ. Bà Ngọc cho rằng, cần làm rõ về quy chế, cơ chế hoạt động của UBND phường, chỉ ra điểm khác so với hiện tại, chứ nếu không thực hiện được cơ chế thủ trưởng thì lại giống như cái cũ. Trong khi đó, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khóa XVI Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, nếu không quy định rõ về cơ chế thủ trưởng có nguy cơ dẫn đến sai phạm, mất cán bộ.
Đảm bảo an ninh trật tự thế nào?
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, liên quan đến nội dung đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, nếu không giao cho công an phường chịu trách nhiệm địa bàn thì rất khó thực hiện, vì địa giới hành chính từng phường có đặc trưng riêng.
“Dù lực lượng công an thực hiện theo chỉ đạo từ ngành dọc rồi, nhưng phải có lãnh đạo công an trong Đảng ủy phường thì mới tham gia chỉ đạo đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn được”, ông Long nói.
Chủ tịch UBND phường Tràng Tiền cũng cho rằng, nếu UBND phường chỉ đề xuất công an phối hợp thực hiện đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thì rất khó. “Nếu giao việc đảm bảo an ninh trật tự… cho cấp quận thì rất vất vả, không kịp thời với diễn biến ở địa bàn. Chúng tôi đề xuất UBND cấp phường được chỉ đạo công an phường”, vị này nêu.
Bí thư, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho rằng, cần linh hoạt trong quy định về đội ngũ công chức phường, không nên quy định “trung bình 15 công chức một phường” vì có phường lớn, phường nhỏ, đông dân cư, có những phường có nhiều nhiệm vụ, quận có thể điều chỉnh, biệt phái công chức đến công tác cho phù hợp.
Ông Lưu cũng cho rằng, hiện nay việc đảm bảo an ninh, trật tự đô thị, nhiều nhiệm vụ khác nếu không có sự hiện diện của công an phường thì không thực hiện được. Đại diện lãnh đạo phường Điện Biên (quận Ba Đình) cũng cho rằng, phường Điện Biên đang là loại 1, có 23 biên chế nhưng đang quá tải công việc, nếu rút xuống còn 15 công chức thì càng quá tải, không đáp ứng được công việc. Việc UBND phường chỉ phối hợp chứ không chỉ đạo công an phường cũng gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý…
Góp ý vấn đề này, bà Ngô Thị Thanh Hằng cũng đồng ý việc nếu không có công an tham gia trong UBND phường thì rất khó làm việc… Đặc biệt, hiện nay có những chung cư trên địa bàn các phường có hàng nghìn, chục nghìn người, nhiều tệ nạn mới xuất hiện, nếu không có lực lượng công an từ cơ sở thì quận, thành phố không “với tay dài” nắm được. Bà Hằng cũng cho rằng, không nên quy định mỗi phường bình quân 15 công chức, mà nên ghi từ bao nhiêu đến bao nhiêu để quận linh động điều động, sử dụng, bởi có những phường hiện nay chỉ 5.000 – 7.000 dân, trong khi có phường tới 40.000 dân.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, bộ phận soạn thảo sẽ nghiên cứu kỹ hơn về chế độ thủ trưởng nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ; hoàn thiện thêm về nguyên tắc làm việc của UBND phường và chủ tịch UBND phường. Ông Tuấn cũng đồng tình với ý kiến của một số lãnh đạo phường, quận về việc nên đưa công an vào cơ cấu tổ chức UBND phường để cùng thực hiện bảo vệ trật tự trị an trên địa bàn. “Tất nhiên không phải là công chức của phường, ngành dọc vẫn chỉ đạo”, ông Tuấn nói đồng thời cho rằng, việc sửa đổi, hoàn thiện dự thảo Nghị định để ban hành sẽ tạo luồng gió mới trong hoạt động của chính quyền cơ sở.