Lực lượng chức năng cấp phát thuốc tại điểm công bố dịch bạch hầu ở bản Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát |
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, đến chiều ngày 13/8, 34 trường hợp tiếp xúc gần với 3 ca mắc (F1) được cách ly sức khỏe bình thường. Ca bệnh bạch hầu đầu tiên là P.L.M đã xuất viện trong tối 12/8, hiện đang được hạn chế tiếp xúc với mọi người trong vòng 7 ngày và tiếp tục theo dõi ngoại trú đủ 60-70 ngày.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, ổ dịch tại khu phố Đoàn Kết đã được khoanh vùng và ngăn chặn thành công, không để dịch lây lan sang các địa phương khác. Hiện tại, cả 3 bệnh nhân mắc bạch hầu đang được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, và Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đều có sức khỏe ổn định và đang có dấu hiệu phục hồi tốt.
Trong những ngày qua, Trung tâm Y tế huyện Mường Lát đã phối hợp với Trạm Y tế thị trấn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại khu vực ổ dịch. Cụ thể, đã phun Cloramin B với nồng độ 0,1% Clo hoạt tính để khử trùng, đồng thời cử cán bộ y tế thường trực tại khu phố để theo dõi tình trạng sức khỏe của người dân. Bên cạnh đó, hơn 800 người dân tại khu phố Đoàn Kết đã được cho uống thuốc kháng sinh dự phòng và cấp khẩu trang để bảo vệ sức khỏe.
Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định từ khâu phát hiện, thu dung, cách ly, phân tuyến điều trị bệnh nhân đến khoanh vùng và xử lý ổ dịch, tất cả đều được lực lượng chức năng thực hiện hiệu quả. Hiện nay, ngành chức năng của tỉnh đang phối hợp với các đơn vị liên quan, xin cấp bổ sung 25.000 liều vắc xin bạch hầu - uốn ván giảm liều để triển khai tiêm phòng chiến dịch cho đối tượng nguy cơ và nguy cơ cao tại thị trấn Mường Lát và 3 xã giáp ranh.
Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát đã tiến hành chuyển 5 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh, trước đó đang cách ly và điều trị tại khoa truyền nhiễm, về cách ly tại nhà. Hiện tại, sức khỏe của các trường hợp này đã ổn định và đủ tiêu chuẩn để xuất viện. Sau khi trở về, họ sẽ tiếp tục được trạm y tế địa phương hướng dẫn uống thuốc kháng sinh dự phòng theo quy định của Bộ Y tế.
Ông Hồ Văn Trọng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát cho biết, đến thời điểm này tại bệnh viện đang cách ly điều trị 6 bệnh nhân F1 của ca bệnh Ph.L.M. Bệnh viện đã chủ động bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, cơ số thuốc kháng sinh điều trị triệu chứng bệnh (penicillin G, erythromycin), thuốc trợ lực, hoá chất tiêu độc khử trùng..., để sẵn sàng tổ chức thu dung cách ly, điều trị kịp thời ca nghi nhiễm bạch hầu.
Không thiếu vắc xin, thuốc phòng chống bạch hầu
Bộ Y tế nhận định đã có vắc xin tạo miễn dịch cộng đồng, có thuốc kháng sinh và huyết thanh kháng độc tố để điều trị bệnh bạch hầu.
Về kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2025, Bộ Y tế cho biết, hiện tại chương trình tiêm chủng mở rộng đang triển khai tiêm vắc xin để phòng 11 bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm gồm: viêm gan B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do Haemophilus influenzae type B, sởi, viêm não Nhật Bản B, rubella, tiêu chảy do virus rota.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế, 5 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm chủng hầu hết các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng chưa đạt tiến độ, hiện chỉ có vắc xin lao, sởi và DPT (bạch hầu - ho gà - uốn ván) đạt tiến độ theo kế hoạch.
Số ca bệnh bạch hầu ở nước ta đã giảm nhiều kể từ khi bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng, từ gần 3.500 trường hợp mắc năm 1983 xuống còn khoảng từ 10 - 50 trường hợp mắc/năm (trong vòng 15 năm giai đoạn từ 2004 - 2019). Đến năm 2020, số ca bệnh tăng với 226 trường hợp, chủ yếu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi và Quảng Trị.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm chủng các vắc xin có chứa thành phần bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT...) đầy đủ, đúng lịch để bảo đảm miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm, cần tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể. Ngoài ra, người lớn cần tiêm nhắc lại khoảng 10 năm một lần. Tại những vùng có nguy cơ cao, có thể thực hiện những chiến dịch tiêm vét, tiêm bổ sung… Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách li và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Không tự ý đi tiêm vắc xin ngừa bạch hầu
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức cho biết, hiện không thiếu thuốc kháng sinh dự phòng bệnh bạch hầu. Vắc xin ngừa sởi và bạch hầu hiện cũng bảo đảm đủ tiêm cho đối tượng có chỉ định và các trường hợp cần tiêm bù, tiêm vét.
“Việt Nam vẫn đang triển khai tiêm miễn phí 5 liều vắc xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ từ 2 tháng tuổi, lịch tiêm phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để tạo miễn dịch lâu dài. Người dân không tự ý tiêm chủng vắc xin chứa thành phần bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể của cơ quan y tế trong vùng có dịch”, TS Hoàng Minh Đức khuyến cáo.
“Việc cách li tại nhà chỉ áp dụng đối với các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc bạch hầu đã được chẩn đoán xác định và không mở rộng đối với các trường hợp tiếp xúc khác như đã từng thực hiện đối với bệnh COVID-19 trong thời gian đang có dịch. Đề nghị các địa phương không lạm dụng việc cách li rộng rãi một cách không cần thiết, không đúng đối tượng gây hoang mang lo lắng và xáo trộn cuộc sống của người dân”, Cục trưởng Hoàng Minh Đức nói.
Ngày 9/8, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định về việc công bố dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Trước đó, tại khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) phát hiện ca bệnh đầu tiên vào ngày 5/8, không xác định nguồn lây. Đến nay, tại ổ dịch này đã ghi nhận 3 ca mắc bạch hầu; trong đó, 2 ca bệnh mới phát sinh đều là F1 của bệnh nhân đầu tiên, đã được cách ly kịp thời. Có 34 trường hợp F1 của 3 bệnh nhân đã được cách ly, theo dõi, tại nhà.