Cỏ Ba Lá mang nước sạch tới người dân rẻo cao

Cỏ Ba Lá mang nước sạch tới người dân rẻo cao
TPO -Một nhóm bạn trẻ tự lập thành nhóm tình nguyện, hoạt động hơn 3 năm nay và giúp ích rất nhiều cho cộng đồng, chẳng hạn như việc mang nước sạch cho vùng cao. Họ là nhóm Cỏ Ba Lá

> Nữ Bí thư Đoàn đa tài

Không nhiều chữ, nhưng dòng thông tin “Đã có 105 hộ gia đình ở thôn Pá Hu và Tà Xùa (Yên Bái) quan tâm đến vấn đề nước sạch và bắt đầu tìm hiểu mô hình lọc nước than – cát – sỏi” đủ để các bạn trẻ trong nhóm tình nguyện Cỏ Ba lá hạnh phúc và có động lực đi tiếp…

Khảo sát người dân về tình hình sử dụng nước
Khảo sát người dân về tình hình sử dụng nước.
 

Thương hiệu “Cỏ Ba Lá”

Trong hoạt động tình nguyện, Câu lạc bộ tình nguyện Cỏ Ba Lá đã trở thành một thương hiệu, ngày càng thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia. Từ 15 người khi mới thành lập, hiện nay, nhóm đã có 20 thành viên chính thức và nhiều cộng tác viên là sinh viên đến từ nhiều trường cao đẳng, đại học trên địa bàn Hà Nội, như Đại học Y tế Công cộng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, Học viện Hành chính, Cao đẳng Nghề thiết bị kỹ thuật y tế …

Dù mới thành lập ba năm, nhưng Cỏ Ba Lá đã thực hiện được nhiều dự án, hoạt động cộng đồng ý nghĩa, sẻ chia những khó khăn của đồng bào dân tộc miền núi, nhất là các em nhỏ.

Trong đó, phải kể đến “Nâng bước chân trẻ miền núi” tại thôn Tà Xùa (Trạm Tấu, Yên Bái), giúp nâng cao nhận thức, cung cấp kỹ năng tự chăm sóc bản thân cho trẻ tại đây; Dự án “Thư viện xanh” hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập cho các trường khó khăn trên địa bàn miền núi tỉnh Yên Bái; Dự án “Hũ gạo vùng cao” cung cấp gạo cho các trường nội trú giúp học sinh nội trú có gạo ăn vào những thời điểm gia đình các em hết gạo…

Kết quả lọc nước
Kết quả lọc nước.
 

Nhóm còn tổ chức các hoạt động hướng dẫn kỹ năng chăm sóc bản thân, hòa nhập cộng đồng cho các em học sinh dân tộc. Ngoài ra, Cỏ Ba Lá còn tổ chức các hoạt động: “Mùa đông ấm”, “Mùa hè xanh”, “Thắp lửa vùng cao”, “Học bổng hiếu học”…

Chung một tấm lòng hướng về đồng bào dân tộc miền núi, họ không ngừng phấn đấu và đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Với dự án tạo môi trường vui chơi học hỏi, giao tiếp thể hiện năng khiếu, hòa nhập cộng đồng cho trẻ từ 5 – 12 tuổi tại thôn Tà Xùa (Trạm Tấu, Yên Bái), tỷ lệ trẻ em từ 6 – 12 tuổi có kiến thức đúng đánh răng và rửa tay vệ sinh từ 3% vào tháng 11 – 2009, đã tăng lên đến 60% vào tháng 11 – 2010. Tỷ lệ trẻ em từ 6- 12 tuổi thực hành đúng đánh răng và rửa tay vệ sinh từ 2% vào tháng 11 - 2009 tăng lên đến 50% vào tháng 11 - 2010.

Ngoài ra, nhóm còn quyên góp và hỗ trợ 1452 quyển sách vở, dụng cụ học tập cho nhiều trường vùng cao tại Yên Bái…

Mới đây là thành quả ban đầu trong dự án “Tăng cường tiếp cận nước sạch tới người dân miền núi”. “Đã có 105 hộ gia đình ở thôn Pá Hu và Tà Xùa quan tâm đến vấn đề nước sạch và bắt đầu tìm hiểu mô hình lọc nước than – cát – sỏi” - Trưởng nhóm Cỏ Ba Lá Đào Thị Quỳnh Trang hồ hởi khoe.

Các em nhỏ được hướng dẫn rửa tay sạch
Các em nhỏ được hướng dẫn rửa tay sạch.

Nước sạch nơi rẻo cao

Dự án thực hiện ở thôn Pá Hu – xã Pá Hu và thôn Tà Xùa – xã Bản Công thuộc huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Đây là hai thôn nghèo thuộc huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Chưa có điện, đường giao thông chủ yếu là đường đất lầy lội, không nước sạch. Hiện có khoảng 200 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc H’mông. Đời sống kinh tế nhỏ lẻ, vẫn mang nặng tính tự cung tự cấp.

Chia sẻ lý do thực hiện dự án, Đào Thị Quỳnh Trang cho biết: Trong quá trình thực hiện dự án “Nâng bước chân trẻ miền núi” tại 2 thôn Pá Hu và Tà Xùa, dạy kỹ năng chăm sóc răng miệng, chăm sóc cơ thể cho học sinh, nhóm quan sát và phát hiện tại đây còn tồn tại vấn đề sức khỏe khác, đó chính là nguồn nước thường xuyên bị ô nhiễm. Nguyên nhân do người dân sử dụng nguồn nước lộ thiên, từ hệ thống máng dẫn, lại không được bảo quản tốt nên dễ bị ô nhiễm. Trẻ em và người dân ở đây hay bị mắc các bệnh giun sán, da liễu…

Các bạn trẻ trong Nhóm Cỏ Ba Lá đã quyết định thực hiện dự án “Tăng cường tiếp cận nước sạch tới người dân miền núi” từ tháng 7-2011.

Học rửa tay
Học rửa tay.
 

Để đạt hiệu quả cao, trước khi tiến hành triển khai dự án, nhóm thí điểm hai mô hình lọc tại hai điểm trường để người dân có thể nhận biết được sự khác biệt rõ rệt về màu sắc, độ trong giữa nước họ đang dùng từ máng và nước được lọc. Mô hình lọc sử dụng các nguyên liệu có sẵn tại địa phương, đó là than – cát – sỏi.

Tiếp theo, nhóm tiến hành nghiên cứu khoa học “Kiến thức – thực hành và một số yếu tố liên quan đến sử dụng nước sạch cho mục đích ăn uống của người dân xã Pá Hu – huyện Trạm Tấu”.

Đây là nghiên cứu tìm hiểu kiến thức, thực hành của người dân, cũng như những cách thức truyền thông phù hợp với địa phương trong việc triển khai dự án. Nghiên cứu này đạt giải ba trong Hội nghị Khoa học Công nghệ các trường Đại học, Cao đẳng Y Dược toàn quốc lần thứ 16.

Quỳnh Trang chia sẻ, đây là giai đoạn khó khăn nhất của dự án. Sự khác biệt về ngôn ngữ, phong tục tập quán của người dân nơi đây là rào càn lớn. Gia đình nào cũng nuôi gia súc, gia cầm gần nguồn nước. Hơn nữa, họ luôn tin rằng, nguồn nước đang dùng đã sạch rồi, không thể sạch hơn được nữa.

Nước ăn
Nước ăn.
 

Đời sống thu nhập thấp nên nếu muốn thì họ cũng không đủ chi trả cho những hệ thống lọc nước đang bán trên thị trường. Theo khảo sát của nhóm, kiến thức, thực hành của người dân về nước sạch và bệnh về nước còn rất hạn chế. Chỉ có 12% người dân có kiến thức đạt và 0,9% người dân có thực hành đạt về sử dụng nước sạch cho mục đích ăn uống.

Khó khăn là vậy, nhưng Trang cùng cả nhóm không bỏ cuộc. Các bạn kiên trì đến từng hộ dân vận động và tuyên truyền, hướng dẫn họ về cách sử dụng của nước sạch với khẩu hiệu “Nước sạch cho cuộc sống ấm no”.

Nhóm đã sử dụng nguồn kinh phí từ Giải thưởng Tình nguyện Chim Én 2011 để khảo sát, xây dựng mô hình thí điểm ban đầu. Kinh phí nghiên cứu dự án được hỗ trợ từ Quỹ Nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Y Tế Công Cộng. Hiện tại, nhóm đang gửi dự án tới các quỹ và các đơn vị khác để xin tài trợ cũng như tiếp tục tham gia các hội nghị khoa học để xin ý kiến đóng góp từ các chuyên gia.

Mong muốn của Trang và các thành viên trẻ trong Nhóm Cỏ Ba Lá là mở rộng mô hình ở quy mô rộng hơn, có thể sử dụng phương pháp “trao quyền”, ký cam kết giữa người dân và nhóm tiến hành dự án để 2 bên cùng đóng góp sức xây dựng hệ thống lọc tại hộ gia đình. Có như vậy thì mới giải quyết được những khó khăn và dự án mang tính bền vững lâu dài.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.