Số Đỏ được đăng ở Hà Nội báo từ số 40 từ ngày 7-10-1936, cách đây 73 năm, từ thời Pháp thuộc. Nhắc lại “10 năm trước”, nghĩa là “cụ” Minđơ tiếc thời những năm 1920, khi mà dân An Nam sống vô kỷ luật, bị phạt vi cảnh rất nhiều.
Sau 10 năm, do báo chí lên tiếng, dân văn minh lên, các “cụ” Minđơ, Mintoa hết đường làm ăn. Không thu được phiếu phạt thì chính họ cũng bị phạt vì “sổ dự toán công quĩ” cần tiền.
Thử tưởng tượng hai “cụ” Min hôm nay sống lại và đi thăm phố phường. Chắc hẳn các thầy đội phải vui sướng vô cùng. Phiếu phạt sẽ như bươm bướm. Thu nhập cho công quĩ tăng lên hàng nghìn lần.
Dân ăn kem Tràng Tiền, thay vì vứt que vào thùng rác để ngay bên cạnh, ném ngay dưới chân. Ở nhà nhiều rác ư, gói vào túi ni lông, lên xe máy thả dù xuống phố. Rác vứt ra đường, xả vào vườn hoa công cộng, xuống hồ, ra sông, bất kể chỗ nào. Tiện tay là ném. Quen xả rác bừa bãi đã trở thành “văn hóa”.
Thấy ta làm thế, Tây lịch sự, đang ở một môi trường có kỷ luật về rác rưởi, sang Việt Nam đâm lạc lõng, nên các bác ấy cũng…bắt chước.
Xem văn minh đô thị hôm nay lại nhớ những chi tiết trong Số Đỏ thời 1920, cách đây gần một thế kỷ. Dân thời đó nhờ đọc báo nên sống văn minh hơn. Không hiểu hôm nay người ta có văn hóa đọc như các vị tiền bối, dù báo in, online, đài, tivi, internet tràn ngập.
Người viết bài này may mắn đi đó đây. Ngoài thú vui về chụp cảnh đẹp, kiến trúc thành phố, hoa nở hay người đẹp, lại rất thích chụp…thùng rác.
Thời nay người ta lại ước mong, đến bao giờ thì chuyện “buồn” ít phiếu phạt như của hai thầy đội xưa lại xảy ra, cư dân “ngàn năm văn hiến” không xả rác ra đường như thời cụ Vũ Trọng Phụng.
Sọt rác đầy tính kỷ luật tại Đức. Ảnh : Hiệu Minh |
Thùng rác tại Mỹ vào ngày đổ rác. Ảnh : Hiệu Minh |
Thùng rác đôi ở Đông Timor . Ảnh : Hiệu Minh |
Thùng rác ở Solomon, dân ăn trầu, đi chân đất. Ảnh : Hiệu Minh |
Biển và "lời nguyền" cấm đổ rác tại Hoa Lư (Ninh Bình). Ảnh : Hiệu Minh |
Xả rác xuống Hồ Hoàn Kiếm trong Lễ hội Phố Hoa đầu năm 2009. Ảnh : Tuấn Anh |
Hồn nhiên xả rác trong Lễ hội hoa anh đào tại Triển lãm Giảng Võ Hà Nội. Ảnh : Phan Kiền |
Cây cầu rộng nhất Việt Nam - Cầu Vĩnh Tuy, Hà Nội - vừa mới khánh thành đã trở thành điểm ăn nhậu và xả rác bừa bãi của một số thanh niên. Ảnh : Vnexpress. |
Trong truyện Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng có đoạn “Cẩm, Cẩm và Cẩm phạt” viết về cụ cẩm Tây than thở với ông Minđơ (1002 – số hiệu của người cảnh sát) về thời khan hiếm phiếu phạt “vi cảnh” do dân An Nam thời đó sống văn minh dần lên. Xin trích nguyên văn : ".... - Thầy có tiếc cái thời buổi ngày xưa, cách đây mười năm không? - Tiếc lắm ! Mười năm trước đây, dân ta còn ngu. - Ngày nay dân ta văn minh mất rồi, rõ thảm hại ! Thầy phải biết là xưa kia, xã hội tinh những du côn và nặc nô, tinh những người bất lịch sự, chỗ nào cũng phóng uế, cũng đánh nhau. Hồi ấy có khi bốn người ngồi cùng một xe ! Họ chửi nhau hàng nửa giờ, đánh nhau vỡ đầu, nhà cửa của họ thì rác rưởi, nước cống, nước rãnh tung toé, ngập lụt... Chó của họ cũng chạy ra ngoài đường nhông nhông... Xe đi đèo, hay không đèn là nhan nhản. Bây giờ mọi sự đã thay đổi cả. Cái thời tốt đẹp của các cụ nhà ta không còn nữa ! Thật là tai hại ! Than ôi ! - Cụ tính ! Bây giờ đến cả thằng phu xe cũng biết luật ! Chả bao giờ chúng quên đèn ! Chả mấy khi chúng đứng giữa đường nghênh ngang ! Chả còn mấy người réo năm đời mười đời nhau ra như ngày xưa nữa ! Bao nhiêu nền nếp của xã hội này thế là hết nhẵn nhụi ! Ngay cả đến trẻ con chúng nó cũng không bậy bạ như xưa ! Đứa nào cũng quần áo bảnh bao đứng đắn lắm, văn minh lắm, trèo me trèo sấu, đá bóng giữa đường, những cái ấy là thôi cả. - Sinh ra ngay cái báo chí, thật là nhảm quá. - Chính vậy. Dân chúng chỉ vì báo chí mà đâm ra văn minh, không còn cẩm phạt nhiều như trước nữa..." |
Ý kiến của bạn về vấn đề này ?
Ý kiến bạn đọc
HLNgoc, Email: ...28188@yahoo.com
Cần có sự đồng bộ từ trên xuống dưới
Đó là chuyện xả rác vào thùng. Bây giờ chúng ta còn đang tiến tới việc phân loại rác. Hướng dẫn người dân vứt rác tái sinh vào 1 thùng, còn rác không tái sinh vào thùng bên cạnh. Mọi người háo hức thực hiện.
Nhưng hỡi ôi, khi vừa vứt xong, nhân viên vệ sinh và xe đi thu hồi rác lại dồn cả 2 loại vào một chỗ. Nếu mọi việc cứ tiến hành thiếu đồng bộ như vậy thì ai còn tiếp tục mất thời gian phân loại rác nữa? Mong sao toàn Đảng toàn dân cùng đồng lòng xây dựng văn hóa xả rác mà ai cũng thấy rằng rất rất nhức nhối này.
Thái Nguyễn, Email: ...xh@yahoo.com
Khu du lịch sinh thái Tràng An (Hoa Lư, Ninh Bình) là một địa điểm du lịch đẹp, còn rất sơ khai. Để bảo đảm vệ sinh ở khu vực này, trên đường đi đều xuất hiện các biển báo giữ gìn vệ sinh, nếu vi phạm bị phạt 100.000 đồng.
Nhưng hiềm một nỗi, biển báo thì nhiều, mà nơi để tập trung rác lại không có. Hầu như không thấy thùng rác ở đây nên những người có ý thức lại cứ phải ôm túi rác hết cả hành trình tour rồi mang lên ô tô, rất bất tiện. Đề nghị Ban quản lý khu du lịch lưu tâm đến việc này.
Phạm Đăng Thông, Email: ...lim@yahoo.com.vn
Khổ thay...
Khốn khổ thay! Vẫn biết báo chí có tác dụng tuyên truyền văn minh lớn lắm nhưng có một sự thật không thể chối cãi là: Người đọc báo thì ít xả rác, người xả rác thì ít đọc báo.
Đâm ra cái sự xả rác của dân ta vẫn còn là vấn đề lớn phải bàn cãi lâu. Muốn người ta thôi xả rác có lẽ phải cần đến những biển cấm đi kèm với những 'lời nguyền' mà chắc chắn phải linh nghiệm thì may ra....
Nhóm bảo vệ môi trường Hà Nội Xanh, Email: chung.tay.vi.ha.noi@gmail.com
Bài viết rất hay. Xin cảm ơn tác giả Hiệu Minh và TPO. Hiện nay việc vứt rác bừa bãi không những trở thành thói quen của nhiều người, tệ hơn, một bộ phận không nhỏ coi hành động bỏ rác vào thùng là "mất thời gian", nhiễu sự.
Chúng tôi nghĩ rằng ít thùng rác cũng chỉ là một nguyên nhân nhỏ. Những người có ý thức họ sẵn sàng gói rác cất trong túi, chờ đến khi gặp thùng rác mới vứt.
Hy vọng những bài viết tương tự sẽ xuất hiện nhiều hơn trên báo chí, các chương trình tuyên truyền, nêu gương được phát thường xuyên hơn trên truyền hình, để qua đó người dân hình thành nếp nghĩ, rằng, vứt rác bừa bãi là một hành động đáng xấu hổ. Hà Nội Xanh.
Hoàng Diệu Nhung, Email: ...hungcho@gmail.com
Tôi rất hoanh nghênh nội dung bài viết này. Tôi thấy đây là một vấn đề không mới nhưng đã đến lúc phải được quan tâm như là một phần tạo nên bộ mặt của đất nước với bạn bè năm châu.
Song thật đáng tiếc hình như rất ít người có trách nhiệm quan tâm mặc dù họ được đi nước ngoài không ít lần, khi mà những người có trách nhiệm chưa gương mẫu thì thật là khó.
Nhưng điều này thực sự dễ nếu như chỉ cần tivi phát hình ảnh một vị lãnh đạo bỏ rác vào thùng để làm gương thì chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ tới toàn xã hội, rất nhiều nước người ta đã làm như vậy.
Tôi thấy rằng trên trang báo điện tử Tiền Phong từ lâu đã nêu vấn đề này, tuy nhiên để đạt hiệu quả hơn nữa trên các chương trình Tivi phải thường xuyên đưa vấn đề này lên, cộng với vấn đề xử phạt nghiêm minh, chắc chắc sẽ thay đổi thói quen xấu này. Xin cảm ơn!
>> Tiếp tục cập nhật...