Khi được giới thiệu là người phụ trách Ban vận động Đời sống mới của Thủ đô đến chúc thọ Hồ Chủ tịch, Người tươi cười kéo nhà văn Nguyễn Huy Tưởng lại gần.
- Chú cho tôi biết cuộc vận động đời sống mới đến đâu rồi?
- Thưa cụ - tôi đáp - chúng tôi đã bắt đầu bằng sự chia ra các ban nghiên cứu, tổ chức… nhưng công việc chính là định rõ cái hướng cho đời sống mới. Mấy khẩu hiệu Cần, Kiệm, Liêm, Chính, chúng tôi xét ra vừa không đủ, vừa cổ.
- Cổ? Lạ quá! Thế cơm các cụ ăn ngày xưa, bây giờ mình ăn cũng cổ à?
- Thưa cụ - sau mấy buổi họp, Ủy ban vận động đời sống mới đã định rõ ba nguyên tắc cho đời sống mới là: dân tộc, dân chủ, khoa học.
Cụ nói: Hay lắm, nhưng mình phải xem đồng bào bây giờ cần gì? … Cụ lắc đầu nhìn tôi, nhìn mọi người, tay gân guốc vỗ vào bụng và nói:
- Trước hết là cái này. Dân chúng cần cái này trước hết, phải ăn đã… Phải làm việc, nhưng điều cốt yếu là phải thiết thực, mà đừng nên tung ra nhiều khẩu hiệu quá. Ít mà thực hiện được đến nơi đến chốn thì hơn… Sau nữa, muốn cho cuộc vận động có kết quả thì mình phải làm gì? Cụ chậm rãi nói một cách nghiêm trang: Mình phải làm gương. Và sợ chúng tôi hoài nghi, Cụ nhắc lại: Mình phải làm gương. Cụ đưa mắt nhìn mọi người như để căn dặn điều đó”...
Bác Hồ tặng hoa cho tướng Vương Thừa Vũ |
Đại biểu Ủy ban Thành phố kính biếu Bác một Tháp Rùa bằng bánh ngọt, biểu tượng của Thăng Long - Hà Nội. Các cơ quan, xí nghiệp, khu phố, làng xã đều tổ chức mít tinh mừng thọ Bác. Đặc biệt, đại biểu Phật giáo dâng Bác quyển Kinh Dược sư. 19 giờ ngày 19-5-1946, tại chùa Quán Sứ, Hội Phật Tử đã tổ chức lễ cầu trường thọ cho Hồ Chủ Tịch.
Báo Cứu Quốc ( số 244, 20-5-1946) trích lời Ông Cụ.
“Tôi chưa xứng đáng với sự săn sóc của đồng bào. Vì tôi hãy còn là một thanh niên, tuổi 56 chưa đáng được đồng bào chúc thọ.
…Từ trước đến nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào.
Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc. Tôi xin hứa với đồng bào gắng sức làm việc, nhưng tôi hy vọng vào sự cộng tác chặt chẽ của đồng bào. Việc nước là lớn, không ai có thể làm một mình nổi. Tôi mong rằng ngày này năm sau các đồng bào sẽ làm cho nước Việt Nam dân chủ cộng hoà cường thịnh hơn.
Hôm nay đồng bào cho tôi nhiều hoa, bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi”.
Tận tối muộn, Bắc Bộ phủ vẫn chưa ngớt khách. Có mặt tại Thủ đô, đại biểu các nước thuộc phe đồng minh Mỹ - Pháp - Anh đã đến chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Rồi những ngày gian nan của đời sống chiến khu.
Những sải chân Người cùng Trung ương Đảng, Chính phủ qua Hà Đông, Sơn Tây, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên... nhịp cùng đồng bào, đồng chí trong cuộc kháng chiến trường kỳ.
Những biên chép hiếm hoi còn sót lại. May mà có hồi ký của Vũ Kỳ! Mỗi khi đọc lại, như bất tận về một huyền thoại?
Trước sinh nhật năm 1948 vài ngày, đồng chí Lộc (tên thật là Nguyễn Văn Ty) - người phục vụ nấu ăn cho Bác, ông Ty cũng là người như cật ruột luôn bên cạnh Bác thời gian hoạt động ở Thái Lan, Trung Quốc - đột ngột qua đời vì căn bệnh sốt rét ác tính.
Sáng sớm ngày 19/5/1948, các đồng chí phục vụ đã mang một bó hoa rừng đến… Cầm bó hoa rừng và những lời chúc mừng, Bác rơm rớm nước mắt:
Bác cảm ơn các chú. Bác cháu cùng đến viếng mộ đồng chí Lộc.
Ngày 19/5/1948, trước lời chúc mừng của Quốc hội, Chính phủ, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, Bác gửi một thư chung: “Đồng bào yêu mến chúc thọ tôi, tôi biết lấy gì, nói gì để báo đáp lại lòng thân ái ấy? Tôi chỉ có một cách báo đáp là kiên quyết cùng đồng bào chịu cực, chịu khổ, quyết cùng đồng bào kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn…”.
Ngày 19/5/1949, Bác bí mật lánh đi một nơi vắng. Bên cạnh chỉ có đồng chí Vũ Kỳ. Và bên máy chữ.
Bài thơ không đề ra đời:
“Vì nước nên chưa nghĩ đến nhà
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già
Chờ cho kháng chiến thành công đã
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta”
Ngày 19/5/1950, chất giọng truyền cảm ấm áp, Người đọc bài thơ tại một cuộc họp cán bộ các cơ quan Trung ương ở chiến khu Việt Bắc, Thác Dẫng (Tuyên Quang):
“Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán
So với ông Bành vẫn thiếu niên
Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe
Trần mà như thế kém gì tiên”
Những lần bí mật lánh đi như thế vào dịp sinh nhật để tránh những nghi lễ phiền phức tốn kém, Bác thường đi làm việc, thăm hỏi một nơi khác. Ngày 19/5/1953, Bác thăm các cháu lớp mẫu giáo. Bác còn chụp ảnh chung với cô giáo và các cháu. Bác cũng không quên có thơ, bằng Đường luật, mà hai câu cuối được sánh với cổ thi mẫu mực Tự cung thanh đạm tinh thần sảng/ Tố sự thung dung nhật nguyệt trường!
“Chưa năm mươi đã kêu già
Sáu ba mình vẫn nghĩ là đương trai
Sống quen thanh đạm nhẹ người.
Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung”
Năm 1968, sức khỏe giảm sút.
Buổi tối 18/5/1968, Bác lên nhà nghỉ ở Hồ Tây. Trưa 19/5, một bữa cơm thân mật được tổ chức. Quây quần bên Bác chỉ anh em phục vụ, lái xe, bảo vệ. 6h15 ngày 20/5/1968, Bác Hồ dự khai mạc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa III. Họp sớm để tránh hoạt động của máy bay Mỹ. Hội trường sôi động hẳn lên nhất là khi nghe Bác Hồ kết thúc buổi họp vào lúc 8 giờ bằng những lời chân tình.
“Lần trước tôi có nói là những thắng lợi của chiến sĩ và đồng bào hai miền làm cho tôi thấy như mình trẻ lại 20 tuổi. Nhưng nay nghe nói 78 tuổi, thế thì tôi thấy già đi. Vì vậy, tôi có bài thơ này:
“Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm,
Vẫn vững hai vai việc nước nhà
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn,
Tiến bước! Ta cùng con em ta”
16 giờ 15 ngày 11/5/1969, Bác đến thăm và nói chuyện thân mật với các đại biểu dự Hội nghị cán bộ cấp cao toàn quân. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ thay mặt anh em mang hoa đến và phát biểu chúc thọ Bác, vì xúc động quá nên giọng run run, khi đồng chí Vũ vừa dứt lời, Bác vui vẻ rút một bông hoa đẹp nhất tặng lại tướng Vương Thừa Vũ.
Chiều 18/5/1969, các đồng chí trong Bộ Chính trị và một số Ủy viên Trung ương Đảng vào chúc thọ Bác ở nhà họp Bộ Chính trị, ngay sau nhà sàn. Khi bánh kẹo bưng ra, Bác thân mật mời và lại căn dặn nhớ mang phần về cho các cô, các cháu ở nhà.
10 giờ 30 ngày 19/5, Bác tiếp chị Phan Thị Quyên (vợ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi).
Buổi chiều, Bác ghi phía dưới tấm chân dung( có lẽ là tấm ảnh cuối cùng?) gửi tặng quê nhà Nghệ An “Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong mọi công tác, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”…
Năm 1963 Quốc hội khai mạc đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 73 ngày sinh Hồ Chủ tịch. Trong kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí đề nghị Quốc hội trao tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh Huân chương Sao Vàng. Bác bộc bạch “Tôi vừa nhận được một tin tức làm tôi rất cảm động và sung sướng. Đó là tin Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy. Vì sao? Vì Huân chương là để thưởng người có công huân, nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội”. Bác nói tiếp: “Miền Nam thật là xứng đáng với danh hiệu“Thành đồng Tổ quốc” và xứng đáng được tặng Huân chương cao quý nhất, vì những lẽ đó, tôi xin Quốc hội đồng ý thế này: Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình, thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng”.