Câu chuyện về cặp sừng dưới suối
Lần theo thông tin của sao la, chúng tôi đến với một thị trấn không tên tại Tây Trường Sơn, thuộc tỉnh Quảng Bình. Đó là nơi mà chú Mười, một đồng bào Vân Kiều kể cho chúng tôi câu chuyện về cặp sừng sao la.
Ông Mười - huyện Lệ Thủy - Quảng Bình chia sẻ câu chuyện tìm thấy sừng sao la (© WWF-Việt Nam/ Thảo Nhiên) |
Hồi đó là năm 1995, chú vào rừng để lấy mật ong như thường lệ thì thấy một cặp sừng dưới khe suối. Lúc đầu, chú tưởng đó là sừng hươu, hay mang. Nhưng nhìn kỹ, chú mới nhận ra đây là cặp sừng của sao la. Cặp sừng dài gần 1m, nhọn hoắt, có vẻ như thuộc về một con sao la đực đã chết khá lâu. Di chuyển theo dọc khe suối, chú thấy dấu chân của sao la dọc theo đó và chỉ có số lượng ít, từ 1 – 2 con.
Sao la – loài “Kỳ lân” bí ẩn của Trung Trường Sơn (© Robichaud/ WWF) |
Chú kể, sao la được người Vân Kiều gọi là A Ngao. Đây là một loài vô cùng hiếm gặp. Kể cả những người lấy rừng làm nhà đã hơn 50 năm như chú cũng chưa gặp dù chỉ một lần. Chú chỉ biết tới sao la qua những câu chuyện mà mẹ kể, qua lời đồn đại của những người đi rừng.
Loài "Kỳ lân" đang cận kề tuyệt chủng
Điểm đến tiếp theo trên hành trình là A Lưới, Thừa Thiên Huế, chúng tôi được nghe già Lượng, một già làng Cơ Tu, kể lại những ký ức của ông về sao la.
“Hồi đó (1996), ở đây mà gặp được sao la là cực kỳ khó. Còn bây giờ chỉ có những người trên 60 tuổi mới còn nhớ về sao la. Hắn (sao la) thích chỗ yên tĩnh, ít người qua lại, đặc biệt là vùng lèn đá giữa khu vực rừng xanh nguyên sinh và rừng thấp. Cực kỳ hiếm trường hợp người dân gặp được từ hai con sao la trở lên. Nếu có thì là một sao la con và một sao la mẹ.”
Ông Lượng chia sẻ ký ức về sao la (© WWF-Việt Nam/ Thảo Nhiên) |
Hơn một thập kỷ nay các nhà sinh vật học đã mất dấu sao la. Loài thú móng guốc này được xếp hạng ở mức Cực kỳ Nguy cấp trong sách đỏ của IUCN và là bước cuối cùng trước khi tuyệt chủng. Liệu có khi nào sao la lặng lẽ biến mất khỏi những cánh rừng Trung Trường Sơn?
“Mái nhà” duy nhất có còn nguyên vẹn?
Cho tới nay, sao la vẫn chỉ có thể tồn tại được trong môi trường rừng nguyên sinh. Giới khoa học đánh giá sao la là một trong những loài chỉ thị của rừng nguyên sinh, chưa bị con người tác động. Do chúng rất nhạy cảm và có cặp sừng dài dễ bị đe doạ nên không thể sống trong những khu rừng bị xâm hại.
Thế nhưng, “mái nhà’ duy nhất sao la có thể trú ngụ là rừng Trung Trường Sơn đang bị đe doạ nghiêm trọng. Cảnh quan Trung Trường Sơn, sinh cảnh của sao la, nổi tiếng với độ đa dạng sinh học cao và độc đáo, nhưng hiện nay, quần thể các loài đặc hữu trong khu vực đã suy giảm nghiêm trọng, đối mặt với hiện tượng “rừng lặng” do sinh cảnh bị chia cắt và suy thoái. Biến đổi khí hậu và tác động của các hoạt động đến từ phía con người là những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với hệ sinh thái nơi đây.
Đội ngũ cán bộ bảo tồn tiến hành phá bẫy (© WWF-Việt Nam) |
Vì vậy việc phục hồi rừng, kết nối các khu rừng bị phân mảnh và các khu bảo tồn sao la là nhiệm vụ hết sức cấp bách hiện nay. Đồng thời, việc nâng cao ý thức của người dân về việc chấm dứt săn bắt trong rừng và chuyển đổi sinh kế bền vững có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động bảo vệ loài vật sắp tuyệt chủng này. (còn tiếp)
Nếu bạn có thông tin hoặc đã nghe câu chuyện liên quan đến sao la, hãy liên hệ với WWF-Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động bảo tồn.
Thông tin liên hệ: Đỗ Thanh Hào, Điều phối viên dự án “Giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng” - điện thoại/Zalo: 0975156258