Vượt qua hủ tục, cứu hai trẻ mồ côi
Những ngày đầu tháng 5, Yryny YByen (SN 1990, ở làng Plei Piơm, thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai), ca sĩ Đoàn ca múa nhạc Đam San, thư thả hơn bên hai đứa con: Y Song - “món quà của Chúa trời” và Y Sơn - “đứa con của núi rừng”. Cô không còn phải lo thắt ruột thắt gan, chạy đôn chạy đáo đưa con đi các bệnh viện để chữa bệnh sởi, rồi sốt co giật...
Y Song 15 tuổi khỏe mạnh, đang độ cắp sách đến trường. Y Sơn đã biết ngoan ngoãn mỗi lần theo mẹ đi diễn. Nhìn những hình ảnh vui đùa, quấn quýt và tình cảm ba mẹ con dành cho nhau, chẳng ai nghĩ họ không có quan hệ “máu mủ ruột rà”.
Hai đứa con của YByen là hai mảnh đời éo le. Một đứa sinh ra mồ côi mẹ, theo tập tục đồng bào Bana phải đi theo mẹ để hồn người chết siêu thoát và không mang điều xấu cho những người thân còn sống. Một đứa sinh non bị bỏ trơ trọi bên những nấm mồ lạnh lẽo ngoài nghĩa địa, cơ thể tím tái vương máu.
YByen sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng Plei Piơm (thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa). Ngày nhận thằng bé Y Song làm con, cô đang đi học, ở độ tuổi nó bây giờ. Chưa đủ tuổi làm thủ tục pháp lý nhận con nuôi, cô nhờ mẹ hoàn tất các thủ tục với lời hứa “mẹ cứ làm hộ giấy tờ, con sẽ đi làm thuê lấy tiền nuôi Song”. Hằng ngày, YByen sáng đến trường, chiều nhận đủ việc làm thuê, từ chăn trâu, móc mủ cao su đến mò tôm ốc đến bán, dành dụm tiền nuôi Song. “Mỗi ngày kiếm được 10-20 nghìn đồng, hôm nhiều thì được 30 nghìn. Có tiền, mình mua hộp sữa đặc về pha cho con ăn. Cũng may đợt đó hàng xóm có hai người mới sinh con nên bế Y Song sang xin bú nhờ. Mình cứ luân phiên nay xin người này mai người kia. Con được 7 tháng thì mình cho ăn cơm”, YByen chia sẻ.
Cô vẫn còn nhớ cái cảm giác ngày đầu tiên nghe Y Song gọi cô là mẹ bằng tiếng đồng bào- từ ngỡ ngàng, nổi da gà rồi run người vì hạnh phúc. Y Song gọi cô là mẹ, khiến cô nhận ra mình càng phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, bảo vệ con hơn.
Không chỉ vất vả kiếm tiền nuôi con, cô còn phải đối diện với những lời thị phi cay nghiệt. “Đôi lần nghe người khác nói, gái chưa chồng mà có hai đứa con, mình cũng buồn lắm. Rồi mình cũng nhanh chóng vượt qua khi hằng ngày được chứng kiến hai đứa lớn lên khỏe mạnh, vui vẻ. Mình thấy vui khi cứu được hai mạng người và được gia đình ủng hộ”, YByen nói và cho biết lúc cô chạnh lòng nhất là khi các con đi học về thắc mắc “chỉ biết mẹ YByen mà không biết bố của con” hay “mẹ mập ơi, bố đâu rồi”...
Đến giờ, YByen không còn chạnh lòng với những chuyện vẩn vơ, mà thay vào đó là hạnh phúc thấy các con khôn lớn, yêu thương nhau. Y Song lớn khôn hơn, hiểu chuyện và biết động viên mẹ YByen. YByen vẫn chưa nghĩ tới hạnh phúc riêng. Cô chỉ mong góp thêm tiếng nói kêu gọi đồng bào Bana xóa bỏ hủ tục để những đứa trẻ thiệt thòi sớm mồ côi mẹ sẽ được người thân yêu thương nuôi dưỡng; mỗi người sống có ích hơn.
Chàng vũ công và ba đứa trẻ
Những ngày hè sôi động đang đến, vũ công Đào Phi Hải thêm tất bật chuẩn bị khai giảng khoá dạy nhảy dành cho các bé từ 4-14 tuổi tại Trung tâm đào tạo tài năng nhí Joker Kids. Trung tâm toạ lạc trên đường Hoàng Việt (quận 4, TPHCM). Đây không chỉ thoả mãn mơ ước của các em có một sân chơi và phát triển kỹ năng Hiphop, Popping, Jazz mà còn là nơi tiếp tục gắn kết Hải với ba anh em ruột Lê Hiếu, Lê Huy và Lê Hào.
Cách đây hơn 5 năm, Hải quen biết rồi thân thiết với ba anh em Hiếu trong lần tham gia cuộc thi tìm kiếm nhóm nhảy ngôi sao. Những ngày diễn ra cuộc thi cũng là những ngày mẹ của ba anh em Hiếu chống chọi với căn bệnh suy thận mãn tính. Mẹ của ba anh em Hiếu đã không qua khỏi sau đó. Biết được hoàn cảnh ngặt nghèo của anh em Hiếu, Hải quyết định đưa cả ba về nhà chăm sóc, dạy dỗ.
Từ đó, chàng vũ công tuổi đôi mươi vụng về vừa làm anh, làm cha và làm thầy của Hiếu 15 tuổi, Huy 11 tuổi và Hào 8 tuổi. Thêm người, căn nhà vỏn vẹn 20m2 vốn quá tải với gia đình 4 người của Hải càng bí bách. Phòng của Hải vừa đủ để bốn người nằm ngủ. Chi tiêu trong nhà tăng hơn trước, trong khi thu nhập của bố mẹ Hải chẳng đáng là bao, chủ yếu từ quán nước mía và tiền lương. Để có thêm tiền hỗ trợ gia đình và lo cho ba đứa đi học, Hải đã mở thêm các lớp dạy nhảy, diễn show, biên đạo cho nhiều cuộc thi và nhận thêm nhiều công việc mới, kể cả việc chạy khắp thành phố bán từng cái ốp điện thoại, phụ kiện...
Thời gian riêng tư của Hải ít đi, nhiều sở thích cá nhân gác sang một bên để ưu tiên đưa đón bọn trẻ đến trường, hướng dẫn ôn bài, luyện tập vũ đạo... và phân xử lúc chúng xảy ra mâu thuẫn. “Khó khăn nhất là phần giáo dục, mình không lớn hơn tụi nhỏ là mấy, lại chưa có kinh nghiệm chăm sóc, dạy dỗ trẻ. May mắn có ba mẹ và thầy nhảy hỗ trợ việc dạy dỗ tụi nhỏ này”, Hải chia sẻ. Khó khăn là thế nhưng Hải cho hay “không thể làm khác vì trái tim mình muốn thế” và cậu cảm thấy hạnh phúc khi ba đứa rất tình cảm, trong đó Hào luôn gọi cậu là ba.
Câu chuyện của chàng vũ công tuổi đôi mươi cưu mang ba anh em mồ côi dần được nhiều người biết đến, nhận được sự đồng cảm. Được hỗ trợ, ba anh em Hiếu có thêm điều kiện học tập và theo đuổi đam mê nhảy. “Nhiều lúc thấy mệt mỏi muốn dừng lại nhưng nghĩ về điều hạnh phúc làm được việc tốt ấy, mình lại tiếp tục. Với lại, một khi đã quyết định rồi, mình phải làm cho tới nơi tới chốn”, Đào Phi Hải chia sẻ.
YByen (SN 1990, ở làng Plei Piơm, thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai), ca sĩ Đoàn ca múa nhạc Đam San vẫn chưa nghĩ tới hạnh phúc riêng khi đang nhận nuôi Y Song và Y Sơn. Cô chỉ mong góp thêm tiếng nói kêu gọi đồng bào Bana xóa bỏ hủ tục để những đứa trẻ thiệt thòi sớm mồ côi mẹ sẽ được người thân yêu thương nuôi dưỡng; mỗi người sống có ích hơn.