Chuyện tình có hậu của hai chiến sĩ biệt động Sài Gòn

Chuyện tình có hậu của hai chiến sĩ biệt động Sài Gòn
TP - Ở xã Nhuận Đức anh hùng, đất thép Củ Chi có một gia đình nổi tiếng là “gia đình biệt động”. Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Đăng có 8 người con thì 3 người là liệt sĩ, 5 người là thương binh, trong đó 3 người là thành viên Đội 5 biệt động Sài Gòn.
Chuyện tình có hậu của hai chiến sĩ biệt động Sài Gòn ảnh 1
“Vợ chồng biệt động” Bảy Bê, Chính Nghĩa

Năm 1965, chị Chính Nghĩa 17 tuổi, gia nhập Đội 5 biệt động Sài Gòn. Hồi này, đội trưởng Bảy Bê đã 35 tuổi, thường xuyên “đóng cặp” với Chính Nghĩa để che mắt địch khi đi công tác, do thám tình hình.

Cô được đội trưởng chỉ dạy cho rất nhiều kinh nghiệm hoạt động bí mật.  Chẳng biết từ bao giờ giữa họ đã nảy sinh một tình yêu trong sáng và rất đẹp, nhất là trong những lần vào sinh ra tử, giáp mặt với kẻ thù.

Cô Chính Nghĩa nhớ lại: Có lần, sau khi đánh Tòa đại sứ Mỹ thắng lợi, cấp trên đề nghị đưa chiếc xe chở biệt động và thuốc nổ bị địch bắn thủng nhiều vết ra căn cứ làm hiện vật trưng bày để cổ vũ tinh thần đánh Mỹ.

Mỗi đợt vào nội thành hoạt động, Chính Nghĩa dối mẹ, nên rất sợ bà bắt gặp. Ai ngờ hôm lái xe về Củ Chi, bị địch ruồng bố khắp các ngả đường chính, Chính Nghĩa thạo đường đi ở quê nên tìm cách đưa xe băng đồng, luồn lách theo đường mòn mà đi.

Ai ngờ, xe mắc lầy. Lúc này có chiếc xe ngựa chở dân ra chợ nên Bảy Bê nhờ đẩy giúp, cô thót tim khi nhìn thấy má cũng đang ngồi trên xe.  Chính Nghĩa nói Bảy Bê hay rồi giả vờ nằm sau nệm lấy nón lá che mặt.

Bà mẹ thấy con gái, nhưng giả đò đau tay không tham gia đẩy xe “bọn nhà giàu”… Cô bị má mắng cho một trận nên thân vì nói dối và làm việc “quá nguy hiểm”. 

Họ trở thành vợ chồng trong vòng bí mật. Tháng 6/1966,  Bảy Bê bị địch bắt, chúng dùng đủ mọi cực hình tra tấn nhưng không khai thác được gì nên đày ông ra Côn Đảo. Chính Nghĩa tiếp tục ở lại cùng Đội 5 biệt động chiến đấu.

Mùa xuân Mậu Thân 1968, nữ chiến sĩ biệt động duy nhất của Đội 5 cùng 14 đội viên nhận lệnh xuất phát từ hầm chứa vũ khí của nhà thầu khoán Mai Hồng Quế  (287/72 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM ngày nay), chia thành 3 mũi tấn công Dinh Độc Lập.

Trận đánh không cân sức diễn ra suốt ngày và đêm mùng 2 Tết Mậu Thân, 8 đồng chí hy sinh, 6 đồng chí khác bị thương và bị địch bắt sau khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Trong số đó có nữ chiến sĩ biệt động Vũ Minh Nghĩa.

Dùng mọi cực hình tra tấn tàn bạo và dã man nhất cũng không làm khuất phục được, địch đày chị Nghĩa lần lượt qua các nhà tù Tổng nha Cảnh sát, Thủ Đức, Tân Hiệp (Biên Hòa), Chí Hòa rồi Côn Đảo. Cả hai vợ chồng Bảy Bê, Chính Nghĩa  đều bị giam tại Côn Đảo nhưng không hề biết tin nhau.

Chuyện tình có hậu của hai chiến sĩ biệt động Sài Gòn ảnh 2
Đại gia đình ông Bảy Bê

Năm 1974, Chính Nghĩa được trao trả tù binh theo Hiệp định Paris, tại Lộc Ninh cùng với chị Võ Thị Thắng…Cô là một trong số chị em bị tra tấn quá nặng nên phải dìu xốc nách mới đi được.

Trước đó, trong một dịp trao trả tù binh, Bảy Bê thoát khỏi địa ngục trần gian Côn Đảo. Nhưng ông cùng hai đồng chí khác, do địch tra tấn đánh đập đến tàn phế nên không đi được. Sợ bị báo chí phanh phui, chúng thả ông và 2 bạn tù xuống cánh đồng Chó Ngáp tỉnh Hậu Nghĩa cũ (nay là Long An).

Bảy Bê được bà Võ Thị Tránh ở ấp Bầu Tre, xã Tân An Hội,  Củ Chi đùm bọc chở che. Bà Tránh trước đây đã có chồng là bộ đội huyện Củ Chi hy sinh năm 1965, để lại cho bà đứa con gái chưa đầy một tháng tuổi. 

Sau khi phục hồi sức khỏe, Bảy Bê tìm cách liên lạc với anh trai Chính Nghĩa nhưng không có tin tức gì về vợ. Ông tiếp tục trở lại Đội 5 biệt động hoạt động.

Năm 1974, ông báo cáo tổ chức lập gia đình với bà Tránh như để tri ân người đã cưu mang ông những ngày từ cõi chết trở về. Khi bà Tránh sinh con gái Nguyễn Thị Thanh Hồng (lúc này bà cũng tham gia biệt động thành) cũng là lúc Vũ Minh Nghĩa được trao trả tù binh ở Lộc Ninh sau đó về công tác tại Ban Quân báo Miền.

Đầu xuân năm 1975, bà Chính Nghĩa tìm gặp lại Bảy Bê ở Bến Súc - Dầu Tiếng cũng là lúc ông đã có vợ con. Éo le hơn,  bà Tránh lại là họ hàng chị em bạn dì với Chính Nghĩa, tuy lớn hơn 5 tuổi nhưng vai vế là em bà Nghĩa (mẹ bà Nghĩa là chị ruột mẹ bà Tránh).

Nhắc lại chuyện tình éo le này, cô Chính Nghĩa kể lại: Hồi đó cô tức đến trào máu ra ngoài. Đàn bà mà, ai cũng tức giận vì người yêu không chung thủy. Người cô như khẩu súng đã nạp đầy đạn, chỉ cần bóp cò là banh xác hết…”.

Mặc dù Bảy Bê rất chân tình, thành khẩn giải thích và đồng đội khuyên can (ông còn nói: Nếu cần ông sẽ bỏ bà Tránh để chứng minh tình yêu với Chính Nghĩa) nhưng cô giận quá đã bỏ về Tây Ninh, ngồi khóc suốt vì đau đớn mối tình đầu rất đẹp tan vỡ.

Chưa kịp giải quyết chuyện riêng, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã cuốn hút mọi người vào cuộc cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Bảy Bê hoàn thành sứ mạng của một chỉ huy biệt động, bắt đầu vào một cuộc “chiến đấu mới”: chấp nhận mọi chuyện để yêu thương và chăm sóc cho hai người vợ mà vì hoàn cảnh chiến tranh ông đã nặng nợ tình, không thể phụ bỏ ai.

Năm 1975, Chính Nghĩa mới 27 tuổi, cô còn trẻ và  không thể dễ dàng chấp nhận lấy người yêu cũ làm chồng, khi anh đã có vợ và có con. Nhưng mối tình đầu của một thời đạn lửa, được trui rèn, thử thách nào dễ quên!

Chính những giây phút bị tra tấn dã man nhất, hình ảnh người chồng, người chỉ huy Bảy Bê hiện về trong cô với những kỷ niệm quá đẹp, quá lãng mạn không thể xóa nhòa đi được. Kỷ niệm là liều thần dược giúp cô vượt qua đau đớn để tiếp tục sống và chiến đấu.

Không thành vợ chồng thì “là đồng chí”? Bảy Bê cố thuyết phục, thường xuyên chở Chính Nghĩa tới thăm đồng đội cũ, thăm các cơ sở bí mật từng che giấu biệt động…

Bao nhiêu kỷ niệm xưa lần lượt hiện về như thuở hai người rong ruổi khắp Sài Gòn trinh sát, nắm tình hình, chuẩn bị các trận đánh. “Đàn bà mà, giận dữ có đến bao nhiêu thì kỷ niệm đẹp của mối tình đầu cũng  làm dịu đi, dễ tha thứ và chấp nhận”- Cô cười rất phúc hậu. 

Và ông bà đã có lại hạnh phúc gia đình.

Năm 1980, bà Nghĩa hạ sinh con trai đầu lòng Nguyễn Thanh Hiệp, năm 1984 là con gái Nguyễn Thị Xuân Hạnh ra đời. Hiệp và Hạnh hiện đang sống với bà Chính Nghĩa ở Gò Vấp, cả hai đang làm công nhân.

Theo Xuân Hạnh cho biết:  “Mấy anh chị em tụi em rất thương nhau. Má Hai (bà Tránh) tuy có con với ba trước (cô Thanh Hồng), nhưng vẫn là nhỏ, sau mẹ em mà”. Bà Tránh và hai con đang sống ở phường 25, quận Bình Thạnh. Hai bên gia đình rất thương yêu, quý mến nhau.

Tôi cầm tấm ảnh ông Bảy Bê ngồi với hai bà vợ hai bên, các con vui vẻ trong ngày sinh nhật tuổi 70 của ông mà thầm phục: Ông không chỉ là anh hùng trong chiến đấu mà anh hùng cả trong đời thường…

Ông đã sống trọn vẹn nghĩa tình và kết thúc có hậu chuyện chung lẫn việc riêng. Từ năm 1992 Bảy Bê nghỉ hưu, làm Chủ nhiệm CLB truyền thống vũ trang Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Ông cùng các cựu chiến binh vận động xây dựng 52 nhà tình nghĩa, tình thương, tổ chức đi tìm hài cốt đồng đội.

Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng (năm 2006), ông để lại di chúc dùng tiền phúng điếu xây một nhà tình nghĩa cho phường 25, một căn cho quận Bình Thạnh, số còn lại chuyển cho Hội Bảo trợ người khuyết tật TP Hồ Chí Minh.

Thực hiện di nguyện ông, bà Tránh và bà Chính Nghĩa đã mang số tiền phúng điếu 90 triệu 960 ngàn đồng trao cho “thủ trưởng” biệt động Tư Cang để thực hiện công tác từ thiện mà sinh thời Bảy Bê mong muốn…

Trong sổ tang của ông, Thượng tướng Phan Trung Kiên- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã ghi những dòng chữ: “Đồng đội và nhân dân ghi tạc công lao của đồng chí đã cống hiến hết mình vì Tổ quốc, vì nhân dân”.

Sài Gòn tháng 5/2008

MỚI - NÓNG
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
TPO - Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 19/12 đến 22/12/2024 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại, trong đó có những sản phẩm mới sản xuất gần đây sẽ được trưng bày.