Yeon Sang Ho là đạo diễn trẻ, năm ngoái làm phim ngắn về nhóm người sống sót sau đại dích xác sống ập đến Hàn Quốc. Sau đó, anh được nhà sản xuất động viên để phát triển thành phim điện ảnh.
Ngay đầu phim không khí u ám bao trùm thành phố nhỏ bởi virus lạ tấn công động vật. Chỉ ít phút sau, đạo diễn đưa rất nhiều người lên chuyến tàu đến Busan để làm bối cảnh, khắc họa chân dung, tính cách từng nhân vật.
Phải nói Chuyến tàu sinh tử là phim hành động hấp dẫn. Khán giả chốc chốc lại có cảm giác tim đập thình thịch vì một nhóm người bước vào cuộc chiến sống còn với đám zombie ngày một đông hơn, dữ tợn và khát máu.
Hóa trang có thể được xem là một trong những điểm cộng của phim
Trong số những người chiến đấu giành giật sự sống có Seok Woo (Gong Yoo), một người cha đơn thân mải mê công việc không có thời gian cho con gái nhỏ Su An. Nam diễn viên này có sự thay đổi lớn so với vai diễn trong phim Tiệm cà phê hoàng tử.
Bên cạnh anh là diễn viên nhí Kim Soo An, kịp có bốn năm kinh nghiệm làm phim. Cô bé lột tả xuất sắc tâm trạng của một cô bé luôn thiếu thốn tình cảm, với gương mặt và đôi mắt u buồn.
Hai vợ chồng Sang Hwa (Ma Dong Soek) và Sung Gyeong (Jung Yu Mi) đóng góp cho bộ phim những tình huống dí dỏm, bởi ông chồng Sang Hwa phải đưa bà bầu sắp đến ngày sinh nở thoát khỏi hàng trăm xác sống bao vây.
Đạo diễn trẻ và biên kịch khéo dựng lên đủ tuyến nhân vật từ trẻ đến già, điển hình đôi bạn trung học Young Guk và Jin Hee, hai chị em tóc bạc luôn đi đâu cũng có đôi, lo lắng cho nhau.
Một bức tranh xã hội Hàn Quốc thu nhỏ. Ở đó người ta thấy những kẻ ác đến tận cùng, đạp lên mọi chuẩn mực đạo đức, tình người để tồn tại. Lại có những người tốt, hào hiệp như Sang Hwa, luôn ra tay vì lợi ích của người khác, dù trước đó từng bị hiểu lầm.
Một trong những thành công lớn của đạo diễn là chạm tới trái tim người xem. Đằng sau những màu mè của chất hành động, kinh dị của dòng phim xác sống, người xem nhận ra những giá trị nhân văn, tình cảm thiêng liêng của gia đình, người thân trong những phút nguy khốn. Mà đôi khi ở những hoàn cảnh thông thường không mấy ai nhận ra, hoặc không biểu hiện ra.
Không sợ bị mang tiếng giống Hollywood, bởi Chuyến tàu sinh tử có được màu sắc Hàn Quốc đậm đà hơn một số tác phẩm khác. Mô típ tự biến mình thành người hùng dù khá giống Mỹ, nhưng cách họ chiến đấu và vượt qua những thách thức ấy gần gũi hơn, hợp lý hơn. Hóa trang và kỹ xảo tạo hình xác sống rất chân thực.
Tuy nhiên cái kết của phim khiến nhiều người chưa ưng ý cho lắm, họ vẫn hy vọng cách kể chuyện có đột phá hơn, hình ảnh kết lắng đọng hơn, không cần lan man như cách đạo diễn đã chọn.
Bộ phim Chuyến tàu sinh tử từng dự LHP Cannes 2016, gây ấn tượng. Phim được 56 quốc gia mua bản quyền công chiếu, thu về 2,5 triệu USD. Phim khởi chiếu tại Hàn Quốc từ 20/7, đánh bật mọi kỷ lục doanh thu mở màn tại đất nước Kim Chi, doanh thu đạt 5,2 triệu USD.