Chuyện ở nơi “mất một đền 20”

Chuyện ở nơi “mất một đền 20”
Bất chấp những ánh mắt hoài nghi trước việc “chơi sang” của Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu khi tuyên bố cam kết “mất một đền tới 20 lần” để kêu gọi người chăn nuôi tham gia, sau 10 năm, mô hình bảo hiểm vật nuôi tại đây đã giúp nhiều người nông dân trở thành tỷ phú.

Chuyện ở nơi “mất một đền 20”

Bất chấp những ánh mắt hoài nghi trước việc “chơi sang” của Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu khi tuyên bố cam kết “mất một đền tới 20 lần” để kêu gọi người chăn nuôi tham gia, sau 10 năm, mô hình bảo hiểm vật nuôi tại đây đã giúp nhiều người nông dân trở thành tỷ phú.

Chuyện của những tỷ phú trẻ

Có thể nói không ngoa, không nơi nào ở Việt Nam có nhiều câu chuyện “lạ” như ở vùng thảo nguyên xanh Mộc Châu. Chỉ cần vào Google, là tìm thấy hàng trăm bài báo viết về nơi có nhiều tỷ phú nông dân đến mức ra ngõ gặp tỷ phú này, cũng như những câu chuyện tưởng chừng chỉ có trong tiểu thuyết về các cặp gia đình trẻ mới ngoài đôi mươi, các ông, bà nông dân trên 60 tuổi có thu nhập bình quân 20 – 30 triệu đồng, thậm chí cả trăm triệuđồng/hộ/tháng sau một hai năm nuôi bò.

Nhiều người chăn nuôi bò ở Mộc Châu trở thành tỷ phú nhờ chính sách bảo hiểm vật nuôi
Nhiều người chăn nuôi bò ở Mộc Châu trở thành tỷ phú nhờ chính sách bảo hiểm vật nuôi. Ảnh: Phạm Tuyên

Nhưng có lẽ chuyện người nông dân mất của một được đền tới 20 lần là chuyện độc đáo và cũng là điều đáng hơn cả. Nhất là trong bối cảnh bảo hiểm nông nghiệp ở nước ta, dù được nói đến từ nhiều năm qua, nhưng vẫn đang loay hoay thí điểm ở 21 tỉnh, thành. Còn tại Mộc Châu, người chăn nuôi không lạ lẫm gì với mô hình bảo hiểm vật nuôi được triển khai thành công từ cả chục năm nay, giúp nhiều người nông dân trở thành tỷ phú nhờ đầu tư vào chăn nuôi bò.

Khá bẽn lẽn khi nói về thu nhập, chị Quách Thanh Xuân, tiểu khu 85, thị trấn nông trường Mộc Châu cho biết, trước làm công nhân mỏ và trồng rau sạch ở Quảng Ninh, số tiền kiếm được mỗi tháng của hai vợ chồng chỉ đủ để trang trải cuộc sống. Cuộc sống vất vả, hai vợ quyết định lên Mộc Châu học nghề nuôi bò sữa với người chị họ. Nhận thấy mô hình hiệu quả, hai vợ chồng vay mượn tiền từ họ hàng để mua 24 con bò sữa. Sau đúng một năm nguồn tiền thu từ bán sữa đủ để trả toàn bộ các khoản nợ. Giờ khối tài sản tiền tỷ mỗi ngày cho tới 2,2 tạ sữa, tương đương số tiền hơn 3,5 triệu đồng.

“Thu nhập của hai vợ chồng mới đạt 17 triệu/người/tháng nhưng đến cuối năm, với 5 con bò sắp sinh, thu nhập của gia đình chắc chắn sẽ đạt trên 20 triệu đồng/người. Nhưng so với các hộ khác ở đây là thấp. Các hộ gia đình nào có đàn bò 30 con, thu nhập “bèo” mỗi tháng cũng 70 triệu đồng. Tất cả cũng nhờ chính sách hỗ trợ người nông dân trong thu mua sữa và thực hiện chính sách bảo hiểm vật nuôi của công ty”- Chị Xuân kể.

Chơi sang

Mang chuyện “ngược đời” hỏi ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu. Ông cười khà cho biết, việc áp dụng mô hình bảo hiểm vật nuôi xuất phát từ ý tưởng của ông khi còn là trưởng phòng của công ty. Khi đó, có chị nuôi bị chết một lúc 5 con bò. Thấy hoàn cảnh khó khăn của người chăn nuôi nhưng công ty cũng không có tiền để hỗ trợ. Trở thành lãnh đạo công ty, ông Chiến cùng ban lãnh đạo quyết tâm triển khai mô hình bảo hiểm cho vật nuôi theo kiểu “người dân mất của được đền tiền gấp 20 lần”.

Hồi đầu triển khai rất gian nan, có khá nhiều điều tiếng, nghi ngại mô hình nuôi bò có bảo hiểm của công ty sẽ “yểu mệnh” như những mô hình được áp dụng trước đó. Nông dân thì nghi ngại, không dám đóng bảo hiểm vì sợ mất tiền, công ty cũng không dám tự tin vì mức bồi thường khá lớn khi rủi ro xảy ra.

Ông Chiến kể, khi đó những câu chuyện về rủi ro khi nuôi bò luôn được người dân nhắc đến. Cả khu chuồng rộng, chỉ cần hai con bò húc nhau, một con ngã trật đầu gối đồng nghĩa con bò “lên thớt”, trong khi nếu lành lặn, con bò có thể cho tới 8 tấn sữa/năm với mức thu nhập xấp xỉ 90 triệu đồng.

Khi mới đưa mô hình vào hoạt động, một con bò sinh sản người dân tự nguyện đóng 100 nghìn/năm. Nếu bò chết được đền 1,5 triệu, khi bò hết khả năng sinh sản (bò thải) được hỗ trợ 1,2 triệu. Mô hình chứng minh tính ưu việt chưa từng thấy, người dân tự nguyện tham gia góp quỹ ngày càng nhiều. Đến nay, mức nộp phí bảo hiểm được người dân tự nguyện nâng lên 600 nghìn đồng/năm, một con bò chết được đền 12 triệu, bò thải đền 10 triệu. Ngoài tiền đền bù 12 triệu/con, người nuôi còn thu được khoảng 12 triệu nữa từ việc bán thịt bò. Hiện quỹ đã có nguồn trên 11 tỷ đồng.

Không chỉ đầu tư cho nông dân bằng bảo hiểm, hàng năm công ty chi hàng trăm tỉ đồng hỗ trợ tiền thức ăn chăn nuôi cho người dân. Không ít đối thủ phải tròn mắt khi thấy Mộc Châu “chơi sang” khi hỗ trợ người dân từ 700 – 900 đồng/kg cỏ khô giàu đạm nhập từ Mỹ để nuôi bò trong khi một con bò nhỏ tầm 35 kg mỗi ngày xơi tái từ 5-6 kg cỏ khô loại này. Thế mới biết để hỗ trợ cho hàng nghìn con bò đang được nuôi ở Mộc Châu, số tiền hỗ trợ người dân công ty phải bỏ ra lớn đến chừng nào.

Ông Phạm Văn Nhán, Phó tổng giám đốc công ty cũng cho biết, một trong những nguyên nhân giúp mô hình bảo hiểm thành công là công ty không kinh doanh quỹ. Thành công của mô hình cũng nhờ doanh nghiệp đồng hành cùng lợi ích của người sản xuất nguyên liệu, coi người sản xuất nguyên liệu chính là cái gốc của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mỗi hộ chăn nuôi mua thêm bò được công ty cho vay vốn 50%-70%, hỗ trợ 5 triệu đồng/con, hỗ trợ đầu tư các trang thiết bị phục vụ chăn nuôi như máy vắt sữa, máy thái băm. Toàn bộ các khoản tiền này công ty lấy ra từ lợi nhuận và trích từ quỹ phát triển sản xuất.

Với chính sách bảo hiểm này, nhiều lớp người dân Mộc Châu đã đổi đời thành tỷ phú nhờ những giọt “vàng trắng” mang đúng tinh thần “Thảo nguyên xanh, sữa mát lành”

Phạm Tuyên

Theo Quảng cáo
MỚI - NÓNG