Chuyện ở nơi… cái ác phải trả giá

Chuyện ở nơi… cái ác phải trả giá
Chúng tôi có mặt tại Trường bắn Cầu Ngà, thuộc Trại giam số 1, CA Hà Nội vào một ngày se lạnh trong cái rét muộn của tháng ba, được chứng kiến sự đổi thay ở nơi có những người phải dùng chính mạng sống của mình để trả giá cho những lầm lỗi.

Đằng sau những số phận nghiệt ngã

Từ đầu năm 2010 đến nay, ở Trường bắn Cầu Ngà, Hà Nội, có 6 tử tù đã phải chịu sự phán quyết của luật pháp. Kể từ năm 1994 đến nay, đây là con số ít nhất phạm nhân phải chấp hành hình phạt.

Để thể hiện tính nhân văn của Đảng, Nhà nước ta, được Quốc hội thông qua Luật sửa đổi Bổ sung Bộ luật Tố tụng Hình sự, từ tháng 7-2011, thay vì dùng súng bắn, việc thi hành án phạt đối với các "phạm nhân đặc biệt" sẽ được thực hiện bằng tiêm thuốc độc.

Hơn 20 phạm nhân của Trại giam số 1, CA Hà Nội đang lao động cải tạo khiến nơi này từng ngày thay đổi. Chúng tôi được một vị Trung tá quản giáo chỉ huy hơn 20 phạm nhân lao động, cho biết: Gần một năm về trước, nơi đây cỏ dại còn um tùm, khuất tầm mắt; chẳng ai dám bén mảng đến.

Trước đây, mỗi lần trại được thông báo hôm sau sẽ có phạm nhân phải thi hành án, địa phương lại cử người ra cắt cỏ, phát quang, dọn lối đi và nơi đào hố chôn cọc, để sáng sớm hôm sau, đội thi hành án thực thi nhiệm vụ. Lâu dần, những hố chôn cọc ngày càng thu ngắn khoảng cách, tiến dần về phía cổng vào, ai cũng ngại vào khu mộ.

Thắc mắc về những ngôi mộ đang dần lún sụt, chúng tôi được Trung tá H cho biết, nhiều ngôi mộ không có người chăm sóc, bị lún xuống. Những ngôi mộ này là của những phạm nhân ở mãi Sơn La, Lai Châu… bị lĩnh án tử hình vì phạm tội buôn bán trái phép chất ma túy. "Theo phong tục của họ, người chết khi được chôn xuống đất, không phải cải táng. Nhiều năm rồi, các gia đình ấy không xuống sửa mộ hay thắp hương cho người thân của mình".

Phía xa, nhành hoa tươi trên bia mộ của Nguyễn Văn Thuân, Nguyễn Thế Đô, Thái Văn Thu… khiến nghĩa địa bớt đi phần nào sự lạnh lẽo. Trung tá H cho biết, trong ba người này, phạm nhân Đô có hoàn cảnh đặc biệt nhất. Vướng vào nghiện ngập ma túy, mỗi khi cơn nghiện giày vò, Đô không kiểm soát được hành vi của mình.

Còn những lúc bình thường, Đô là người con có hiếu, luôn được mọi người trong khu tập thể cảm thông và quý mến. Nhà nghèo, lại càng thêm khổ khi Đô không cai được ma túy. Đô có hai cô con gái, nhưng chúng phải sống thiếu mẹ từ nhỏ. Mẹ chúng đã bỏ đi xây dựng hạnh phúc riêng. Đô bị xử mức án cao nhất, nỗi đau đổ dồn lên đôi vai người mẹ già đã 80 tuổi.

Khi chờ đợi chấp hành bản án, chính là những lúc Đô sống trong giày vò, tiếc nuối. Song tất cả đều quá muộn. Trước khi ra pháp trường vào cuối năm ngoái, Đô đã khóc rất nhiều khi viết bức thư cuối cùng. Bức thư ai đọc được cũng thấy xót lòng.

Đô viết: "Tội lớn nhất của con là không thể sống để phụng dưỡng mẹ già. Xin mẹ hãy ngàn lần tha thứ cho đứa con bất hiếu này! Con cầu mong mẹ được sống thật lâu để các cháu còn có chỗ dựa tinh thần trong cuộc sống. Con đi rồi, mẹ hãy nói cho các cháu hiểu rằng, con đã ân hận vô cùng về tội lỗi mà con gây ra. Tất cả là do ma túy, nó đã hủy hoại đời con, phá nát gia đình, làm cho mẹ khổ, các cháu bơ vơ. Xin tất cả mọi người tha thứ cho con...!".

Các cán bộ trại giam cho biết, trong bức thư ấy, Đô cũng dành mấy dòng viết riêng cho hai cô con gái với những chất chứa của sự ân hận, lòng tiếc nuối… Đô dặn chúng tránh xa vết xe đổ của bố, và tha thứ cho những người đã sinh thành ra chúng.

Cũng phạm trọng tội và phải nhận mức án cao nhất, nhưng Thuân, một người thuộc thế hệ 8X, lại bị "sảy chân" khi sa vào con đường cờ bạc. Khi bị những chủ nợ thúc giục, đường cùng, Thuân đi cướp của và cướp luôn sinh mạng người xe ôm vô tội. Trước giờ ra pháp trường, Thuân cũng viết một lá thư.

Nhưng lá thư của Thuân là lá thư không đầu, không cuối, và cũng chẳng rõ Thuân muốn gửi ai, chỉ hàm ý như gửi cho người anh nào đó trong gia đình. Thuân viết: "Thôi anh đừng chơi bời nữa, tu chí làm ăn đi cho bố mẹ đỡ khổ! Em đi rồi, nhà chỉ còn mình anh mà cũng hỏng nốt, thì bố mẹ sống thế nào?".

Về cuối thư, nét chữ Thuân run rẩy, loằng ngoằng trên trang giấy trắng như muốn nhắn nhủ lại những người trẻ tuổi hãy tránh xa con đường Thuân đã đi: "Tôi phải chết khi tuổi đời còn quá trẻ! Giá như tôi biết dừng lại thì mọi chuyện không ra nông nỗi này…".

Trung tá H cho chúng tôi biết thêm, theo quy định, ba ngày sau khi thi hành án, trại sẽ báo tin về cho gia đình phạm nhân để họ lên nhận mộ người thân. Sau ba năm thì gia đình được cải táng mộ, mang hài cốt của người thân về quê hương.

Tử tù viết thư trước khi ra pháp trường

Tử tù viết thư trước khi ra pháp trường.

Những chuyện chưa kể ở trường bắn

Các cán bộ Trại giam số 1 kể về một chuyện ít khi xảy ra ở nơi này. Số là sau tết Nguyên đán, gia đình trùm giang hồ khét tiếng một thời là Khánh "trắng" đã tìm đến Trường bắn Cầu Ngà để làm lễ "gọi hồn" Khánh về nhập mộ. Đây là chuyện chưa từng xảy ra ở Cầu Ngà, nhưng cũng là chuyện khó có thể từ chối.

Anh H kể: "Khánh "trắng" có một người em cùng cha, khác mẹ tên là Thắng "trố", cùng phải chấp hành án tử hình trong năm 1998 ở Trường bắn Cầu Ngà. Sau ba năm, gia đình đến cải táng mộ phần, mang về quê chôn cất.

Chuyện tưởng thế là xong, nhưng mới đây, gia đình Khánh "trắng" khẩn khoản xin ban quản giáo cho đưa thầy cúng vào đúng chỗ Khánh "dựa cột" để làm lễ gọi hồn. Hỏi ra mới biết, người nhà đi xem nhiều nơi đều nói hồn vía của anh em ông trùm xã hội đen Hà Nội một thời, đã không hề đi theo thân xác, mà còn lẩn quất ở Trường bắn Cầu Ngà từ đó đến nay.

Làm lễ nhập hồn cho anh em Khánh "trắng" xong, gia đình bày tỏ sự mãn nguyện, biết ơn khi được tạo điều kiện thực hiện tâm nguyện mà họ đã canh cánh trong lòng bấy lâu. Anh H bày tỏ: "Chúng tôi ra đây, cốt để trông coi mộ các "phạm nhân đặc biệt" này và làm cho nơi này có sự sống. Bây giờ, cửa nghĩa trang luôn rộng mở, đón thân nhân tử tù đến thăm viếng.

Dù không chủ quan, nhưng chưa bao giờ ở Cầu Ngà xảy ra tình trạng đào nhầm hay trộm mộ. Tôi quan niệm, "chết nghĩa là hết tội". Tử tù trả giá bằng cả mạng sống của mình, nằm dưới mồ sâu rồi thì ai cũng như ai nên ngày nào tôi cũng thắp nén nhang lên bàn thờ chung ở nghĩa trang này. Chăm sóc những ngôi mộ một cách tự nguyện luôn khiến lòng tôi thấy thanh thản. Nếu thực sự vẫn còn có những linh hồn tử tù như Khánh "trắng" vương vấn ở đây, tôi cầu mong cho họ được siêu thoát".

Anh H kể cho chúng tôi biết thêm, một gia đình "phạm nhân đặc biệt" ở Hải Phòng chấp hành án ở đây, đã nhận được một bức thư lạ từ Trường bắn Cầu Ngà. Họ tức tốc trở lại nơi này để nhận lại đoạn xương cẳng chân của con trai mình.

Trước tết Nguyên đán, gia đình họ đến trường bắn, xin đưa mộ con trai của họ về quê. Sau tết, khi anh em phạm nhân tiến hành san lấp lại hố chôn tử tù, phát hiện một đoạn xương còn sót. Các anh đã làm lễ, cất giữ cẩn thận rồi viết thư mời gia đình đến nhận.

Anh Hùng cũng chỉ tay vào nơi các "phạm nhân đặc biệt" phải đứng "dựa cột", cạnh đó là những tảng bê tông ngả sang màu nâu sẫm, và nói, đây là vết máu của các tử tù. Trước lúc chấp hành án, họ phải dựa vào những thân gỗ có đường kính khoảng 15cm, chiều dài chừng hơn 2m. Sau khi tuyên án xong, lúc rạng sáng, là cái ác bị loại ra khỏi đời sống xã hội.

Đại úy Lê Quý L, cán bộ Trường bắn Cầu Ngà cho biết, từ khi về đây công tác, anh đã chứng kiến hàng trăm sự trả giá của cái ác. L kể: Tôi nhớ nhất có đêm thi hành án bảy tử tù cùng vụ buôn bán ma túy do Vũ Xuân Trường cầm đầu. Trước giờ ra pháp trường, cả 6 "phạm nhân đặc biệt" cãi nhau chí chóe.

Bùi Danh Ca mắng Vũ Xuân Trường vì cho rằng trước khi chết, còn ra điều trách móc một anh PV đang ghi lại hình ảnh của hắn. Mắng Trường xong, Ca xin cán bộ cho phép hắn được hát bài Tình cây và đất. Cả nhóm phạm nhân lặng đi, rồi hát theo và khóc…

Vũ Phong Mã phá tan bầu không khí ngột ngạt bằng cách nhắc nhở đồng phạm của mình: "Ca ơi! Mày đừng có mải hát quá mà quên đeo găng tay đấy nhé. Mày mà quên là gia đình không tìm thấy xương tay của mày đâu".

Cả bọn quay sang nhìn nữ phạm nhân Lại Thị Ngấn, là nữ phạm nhân duy nhất, thấy Ngần đã ngoẹo đầu sang một bên, ai gọi cũng không thưa nữa. Thì ra Ngấn giống như một số tử tù khác, chết lâm sàng vì quá sợ.

Thượng tá Bùi Ngọc B cho biết thêm, rất nhiều phạm nhân trở nên trầm cảm hoặc điên dại trong quá trình chờ thi hành án. Có phạm nhân cứ quỳ lê lết cầu khấn nạn nhân đã bị mình cướp đi mạng sống, để van xin tha tội. Sự cắn rứt lương tâm, sự ân hận, sự bế tắc khiến có những phạm nhân chết trước ngày thi hành án.

Ít tháng nữa thôi, Trường bắn Cầu Ngà sẽ không còn tiếng súng, vẻ âm u, lạnh lẽo có lẽ cũng đang dần tan biến. Giờ đây vườn hoa đang rực rỡ sắc màu. Những luống rau thẳng tắp được các phạm nhân chăm bón cẩn thận. Hơn 50 máy may công nghiệp đã lắp đặt xong làm nơi sản xuất, học nghề của các phạm nhân nữ.

Theo Q.Minh - T.Hiền
Pháp luật&Xã hội

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG