Theo cách giải thích của lãnh đạo Cục Thống kê TP HCM với báo chí, thì người không có nhà ở là những người mà “nơi ở của họ có thể là lều, ván, trại được dựng tạm bên đường hoặc bãi đất bỏ hoang”. Còn “những người lang thang, cơ nhỡ ngủ vỉa hè nay đây, mai đó không được tính vào nhóm không có nhà ở, mà thuộc nhóm người lang thang”.
Đã vô gia cư mà không được “lang thang”, thì là thế nào nhỉ?! Có lề đường hay “bãi đất bỏ hoang” nào vĩnh viễn dành cho những người ấy chăng? Hay là ở thành phố này người “không có nhà ở” không phải là người “vô gia cư”? Hại não quá! Ai bảo tiếng Việt nghèo nàn cần cải tiến thử bơi vào đây xem nào.
Rối thế, nên không biết làm cách nào mà người ta đếm được trong cả thành phố đông dân nhất nước này có 1 hộ ở quận Nhất, 1 hộ ở quận Tư và 37 hộ ở huyện Cần Giờ là “không có nhà ở”. Chứ chưa chắc là “vô gia cư”.
Có gì đó sai sai so với chuẩn khái niệm người vô gia cư vốn được định danh từ hàng trăm năm qua trên khắp thế giới. Lục Tổ Huệ Năng coi thân thể như cái “quán trọ”. Chỉ là nơi nương náu nhất thời, ẩn thân tạm bợ. Còn 39 người/hộ không nhà kia, những lữ khách trên cõi trần gian đầy khổ ải này, đã giác ngộ chưa?
Công an vừa khởi tố vụ án hình sự để điều tra thủ phạm đổ dầu thải gây ra khủng hoảng nước sạch ở Hà Nội suốt tuần qua. Nhưng có lẽ đó mới chỉ là phần ngọn, phần mà luật pháp dễ điều tra xử lý nhất. Còn biết bao nhiêu góc khuất khác, để từ những “họng” nhận nước nơi đầm hồ hoang vu dẫn về các nhà máy xử lý, đến các doanh nghiệp bán nguồn nước ấy thu tiền của dân không sót đồng nào, tận từng vòi trong từng nhà. Mỗi góc khuất đang được dư luận đồn đoán về những thuyết âm mưu. Nhưng nhìn thẳng băng ra, thì thái độ và tư duy vô trách nhiệm đến vô cảm của những người liên quan là chẳng có gì phải bàn cãi. Rùng mình với cái lỗ hổng trách nhiệm rộng toang hoang.
Chợt ước, làm sao như trong thần thoại Hy Lạp kia, đứng giữa đôi dòng nước. Một chảy ra từ đầm nước mang tên Trí Nhớ Mnemosyne. Một chảy ra từ Lethe, dòng sông Quên Lãng. Chỉ nhấp vào một ngụm, cũng đủ để mãi mãi lãng quên.