Biểu diễn tơ lụa Bảo Lộc tại San Marino |
Kỳ công
“Đêm 19/10/2022 để lại ấn tượng khó quên bởi toàn bộ số ghế của Nhà hát Titano ở San Marino đều kín chỗ, trong đó có sự hiện diện của hai vị đồng nguyên thủ nước Cộng hòa San Marino là Maria Luisa Berti và Manuel Ciavatta. Ngoài ra còn có các quan chức cấp cao như Ngoại trưởng, Bộ trưởng Văn hóa, Bộ trưởng Lãnh thổ, các nghị sĩ quốc hội... Phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Italia kiêm nhiệm Cộng hòa San Marino Dương Hải Hưng, đại diện Vietmode, Vietnam Silk House, Nhật Minh Silk…”, NTK Minh Hạnh tâm sự. Chị cho biết đó là sự kiện văn hóa “Lụa với San Marino” nhân kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-San Marino, với mong muốn thông qua con đường văn hóa để thúc đẩy các quan hệ ngoại giao và kinh tế.
Ông Huỳnh Tấn Phước, Giám đốc Nhật Minh Silk hồi tưởng: Tiếng vỗ tay vang dội cả nhà hát sau từng tiết mục biểu diễn áo dài sang trọng và váy lụa quyến rũ của những người mẫu Việt Nam kỳ cựu, có nhiều kinh nghiệm trên sàn catwalk như Hồng Quế, Trang Phạm, Trà My, Kim Dung cùng 12 người mẫu Italia, đặc biệt là “Vũ khúc múa nón” mềm mại, uyển chuyển do nghệ sỹ ưu tú Linh Nga thể hiện. Bộ trưởng Văn hóa Andrea Belluzzi cho rằng văn hóa, nghệ thuật đóng vai trò là một hình thức ngoại giao đặc biệt, mở ra lộ trình đầy triển vọng cho mối quan hệ giữa hai nước. Đây là một trong những bước đầu tiên để hướng tới các dự án hợp tác song phương.
Để tổ chức sự kiện này, NTK Minh Hạnh đã sáng tạo một bộ sưu tập riêng cho San Marino trên nền lụa Việt. Bộ sưu tập chắt lọc những hình ảnh đẹp, lung linh sắc màu mang tính biểu tượng của San Marino; đồng thời giới thiệu về tơ lụa và văn hóa giàu bản sắc của Việt Nam. “Mình có nhiều cảm hứng với đất nước nhỏ bé nhưng vô cùng xinh đẹp này, nơi mà du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. San Marino nằm gọn trong lòng một trong những kinh đô thời trang thế giới là Italia và có ngành công nghiệp dệt may, do đó rất thuận lợi cho việc giới thiệu lụa. Một khi tạo được dấu ấn ở hai nước này sẽ làm khởi điểm lý tưởng để nối dài đường tơ Việt tại châu Âu”, chị Minh Hạnh chia sẻ.
Trước đó, vào trung tuần tháng 7/2022, với sự hỗ trợ của ông Dương Hải Hưng, đoàn công tác của NTK Minh Hạnh đã đến vùng Como biểu diễn thời trang, quảng bá các sản phẩm tơ lụa được sản xuất tại TP Bảo Lộc và tỉnh Thái Bình. Tại đây, từ đề xuất hợp tác của Đại sứ Việt Nam, các bên thống nhất trao đổi về việc kết nghĩa giữa TP Bảo Lộc và TP Como; triển lãm tơ lụa Việt tại Florence; tham gia sự kiện biểu diễn tơ lụa tại Festival hoa Đà Lạt 2022; khảo sát hoạt động tơ lụa tại Bảo Lộc…
Từ ngày 23 - 25/10/2022, đoàn công tác của tỉnh Lâm Đồng do Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận dẫn đầu cũng đã đến Italia, làm việc với Lãnh đạo TP Como và đại diện một số doanh nghiệp in lụa, dệt may, thiết kế thời trang. Ông Alessandro Rapinese, Thị trưởng TP Como bày tỏ tình cảm của người dân Italy nói chung và thành phố Como nói riêng đối với Việt Nam, mong muốn hai bên tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi, đặc biệt trong các lĩnh vực tương đồng và tiềm năng giữa Como và Lâm Đồng như sản xuất, thiết kế tơ lụa.
Người mẫu Italia biểu diễn thời trang trong trang phục lụa Việt |
Hồi sinh sợi đũi
Tại Italia, đoàn đã đến thăm 2 công ty in và dệt là Ratti và Tessitura Serica, những doanh nghiệp dệt có tiếng tăm và lâu đời, đang lưu giữ hàng ngàn mẫu in và dệt cho thế giới. “Tôi chợt nghĩ tại sao chúng ta không kết nối để các nhà máy tại Como dệt bằng sợi tơ của Bảo Lộc. Đây là con đường để tơ lụa Bảo Lộc bước chân vào thủ phủ lụa của Italia một cách chính danh và có tên trên hệ thống truy xuất nguồn gốc. Hàng chục năm nay, hầu hết tơ Bảo Lộc được xuất khẩu dưới tên những thương hiệu nổi tiếng của Nhật. Điều này quả là đáng tiếc!”, chị Minh Hạnh nói và cho biết đoàn đã gửi 20 mẫu lụa cho một số cơ quan, doanh nghiệp ở Como để chứng minh Bảo Lộc có dòng tơ lụa độc đáo mà ngành thời trang của họ khó kiếm được, đặc biệt là đũi.
“Tơ lụa Bảo Lộc là thương hiệu nổi tiếng đã được khẳng định từ những năm 60 của thế kỷ XX, hiện đang dệt nên một chân dung mới với sự kết hợp giữa hiện đại và truyền thống đậm chất văn hóa của các tộc người thiểu số. Còn Como được mệnh danh là thành phố của lụa, cung cấp tới 85% lượng vải lụa cho ngành thời trang Italia và 70% vải lụa cho toàn châu Âu”.
NTK Minh Hạnh
Kén tằm được sấy khô rồi kéo bằng tay thành sợi đũi, sau đó dệt thành vải bằng khung cửi. Hiện trên thế giới chỉ có xã Nam Cao (huyện Kiến Xương, Thái Bình) còn sản xuất đũi theo kiểu làm thủ công này. Vải đũi rất mềm, mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Gần đây, một số doanh nhân đã chở kén từ Bảo Lộc ra Thái Bình để các nghệ nhân kéo sợi, sau đó chuyển ngược về Bảo Lộc; liên kết với các nhà máy dệt có thiết bị tương đối hiện đại để tạo ra loại vải đũi độc đáo.
Mặt khác, Nhật Minh Silk còn kỳ công chuyển loại tơ đũi này đến một số buôn làng ở Tây Nguyên để nghệ nhân dệt thủ công với các họa tiết của người Mạ, Ba Na… nhằm tạo ra những mẫu vải hiện đại mà vẫn giữ được khía cạnh văn hóa bản địa của các tộc người… Giám đốc Huỳnh Tấn Phước cho biết các nghệ nhân có thể chèn hơn chục màu lên một tấm thổ cẩm để cho ra những sản phẩm mang bản sắc riêng biệt, không trùng lắp. Số vải này sẽ được cung cấp cho NTK Minh Hạnh để thiết kế bộ thời trang không đụng hàng cho chương trình triển lãm và biểu diễn thời trang lụa Việt trên mặt hồ Como thơ mộng (thắng cảnh nổi tiếng thế giới) trong năm 2023, nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt - Italia.
UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa đề xuất nhiệm vụ Khoa học công nghệ cấp quốc gia “Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Tơ lụa Bảo Lộc” tại thị trường 3 nước Ấn Độ, Thái Lan và Italia”nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đưa lụa tơ tằm Bảo Lộc vươn xa ra thị trường thế giới.
Nghệ nhân Y Thoai (45 tuổi, phường Thắng Lợi, TP Kon Tum) thổ lộ: “Người có tay nghề giỏi mới dệt được vì sợi đũi to, trơn, không đều nhau. Dệt rất vất vả nhưng vui vì có được những tấm vải, khăn lụa đẹp và mềm mại. Những người nước ngoài đến tham quan cơ sở dệt thổ cẩm của mình đều trầm trồ khen loại vải này. Họ bảo chưa được nhìn thấy ở bất kỳ nơi nào mà họ từng đi qua”.