Chuyện mang tên Tâm Từ Bi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Không tiếng bom rền, đạn nổ, từng đoàn xe phủ kín lá rừng trườn đi trong màn đêm thăm thẳm như những ngày này 47 năm về trước, nhưng gần ba năm qua có bao con người vẫn âm thầm, lặng lẽ giữa thời bình, mải miết chiến đấu với kẻ thù vô hình.

Giờ đây khi trận chiến đang dần đến hồi kết, ngoảnh lại tháng ngày đã qua là “hỉ, nộ, ái ố”, mãi mãi trở thành kỉ niệm bi tráng trong trái tim người lính khoác áo blouse… Và chính họ, ngay cả khi thuật lại cho ai đó nghe những khúc, đoạn đã qua, cũng chẳng ngờ có lúc mình trở thành người kể chuyện bất đắc dĩ, bởi những tờ giấy xác nhận một ai đó “tử vong do COVID-19” ám cả vào giây phút tưởng bình yên nhất. Chuyện họ kể, có tên gọi là Tâm Từ Bi…

Tháng 6/2021, các biến chủng mới bùng phát với mức độ nguy hiểm hơn rất nhiều so với chủng Vũ Hán ban đầu, số lượng người nhiễm và tử vong tăng nhanh như nấm mọc sau mưa. Và như là điều đương nhiên khi phát súng trận khai hỏa, chúng ta, những người may mắn không trở thành nạn nhân của COVID-19 khi ấy, hẳn ai cũng từng lặng người lúc bắt gặp hình ảnh nhân viên y tế bước đi loạng choạng, rồi ngả tạm lưng bên thềm nhà của người dân để ngủ khi vừa trải qua một đêm trắng lấy mẫu bệnh phẩm tại cộng đồng.

Có ai không rưng rưng khi bắt gặp thân hình mảnh mai của nữ nhân viên y tế, ướt sũng vì mưa nhưng không dám vào nhà dân ngay trước mặt để trú tạm, vì sợ bản thân có nguy cơ lây nhiễm cho người khác. Cứ thế, bao con người thầm lặng đó đã ẩn mình trong những đợt sóng dữ dội của cơn bão dịch bệnh…

Chuyện mang tên Tâm Từ Bi  ảnh 1

Các chư tăng chăm sóc F0

Những cuộc gọi không thành tiếng

Tôi từng chứng kiến dòng nước mắt chảy dài trên má những người đàn ông, đôi mắt thất thần nhìn vô định khi họ - các y bác sĩ phải chịu đựng áp lực tâm lí quá lớn vì chứng kiến không ít bệnh nhân tử vong trước mắt, trên tay mình. Mới chỉ hôm qua thôi, cô điều dưỡng còn bón từng thìa sữa, lau từng ngón tay cho bệnh nhân. Công việc cần mẫn cả tháng trời nhưng không một lời than vãn, vậy mà hôm nay đã là hai thế giới cách biệt. Cơ thể mới đó còn ấm nóng, những ngón tay gầy guộc còn cố bám víu lấy thành giường, giờ đã lạnh ngắt trong cô đơn.

Chặng đường cuối cùng của kiếp người không một ai thân thích đến tiễn đưa, chỉ có y bác sĩ rơi những giọt nước mắt xót xa, bất lực, thương cảm, coi bệnh nhân như người thân để linh hồn bất hạnh ấy cảm thấy được an ủi trên khúc đoạn cuối cùng của cõi người khổ ải... Những tháng ngày ấy, hàng chục nghìn người vĩnh viễn ra đi. Mỗi ngày con số người tử vong được công bố trở thành mất mát lớn lao và sẽ còn dai dẳng mãi trong tâm trí của người ở lại, là nỗi ám ảnh khôn nguôi với nhân viên y tế.

Những người lính không bao giờ cầm súng ấy đã chọn cho mình một lối đi không giống ai để làm nên hạnh phúc. Ấy là hi sinh niềm riêng, cống hiến tận lực và thấu hiểu tận cùng để giữ lại cho đời những phận người tưởng sẽ vĩnh viễn lìa xa dương thế. Dẫu vậy, họ tự nhận đó là những thứ rất nhỏ nhoi giữa trùng trùng bao điều lớn lao ở đời...

Bác sĩ Hoàng Thị Phú Bằng, phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Bạch Mai) nhớ về giai đoạn đau thương đó mà trong đôi mắt chưa thôi thảng thốt, bởi khi bắt đầu nhận bệnh nhân, tất cả đều không ngờ số ca nặng, nguy kịch lại tăng nhanh đến vậy.

Người phụ nữ ấy có một nỗi sợ sau mỗi một buổi giao ban nghiệp vụ, đó là phải thông báo tới thân nhân của người bệnh những trường hợp tử vong trong đêm. Dẫu không muốn chút nào, nhưng sự khốc liệt của đại dịch COVID-19 buộc họ phải thực hiện cuộc gọi đặc biệt ấy.

Giọng chị nghẹn lại, các ngón tay xoắn vặn vào nhau như che giấu niềm đau. Vẫn chị, không ít lần rơi nước mắt khi nghe phía bên kia đầu dây tiếng người lớn khóc nghẹn gọi thân nhân, tiếng trẻ con khát sữa chờ mẹ…

Những âm thanh ấy cứa vào tim quặn thắt. Ít ai bình tĩnh nghe hết thông tin từ bác sĩ. Có thể cảm nhận đằng kia là đau đớn, hoang mang. Thường phải đợi một lúc cho người nhà bớt xúc động bác sĩ mới báo tiếp ngày giờ mất, các thủ tục nhận thi hài. Lời chia buồn lúc này thật khó thốt ra.

Nhiều đêm, sau những cuộc gọi như thế, họ không thể ngủ được vì cứ nhắm mắt lại thấy hình ảnh bệnh nhân hiện ra, vừa gần gũi, vừa xót thương, day dứt. Khoảng thời gian khốc liệt ấy, bàng hoàng nhất là có người tử vong trước mắt mình mà y, bác sĩ không biết bấm máy điện thoại gọi cho ai vì cả nhà họ đã mất vì COVID.

Chuyện mang tên Tâm Từ Bi  ảnh 2

Tổ quân y 318 của Học viện Quân y hỗ trợ TPHCM chống dịch

Cuộc chiến mỗi ngày một khốc liệt, mất mát đau thương diễn ra từng phút đã đặt những người lính khoác áo blouse vào thế chỉ tiến, không được lùi cho dù đã cạn kiệt sức lực, để những gắng gượng trong hơi thở tàn của người bệnh không trở thành vô ích. Nhìn họ, tôi nghĩ đến Thiên lương - Trách nhiệm - Tấm lòng. Một bức tượng lớn chèn trong khối phù điêu mang tên Thấu hiểu!

Ám ảnh còn là sự bất lực khi tận thấy bệnh nhân trượt về phía cửa tử trong khoảnh khắc mà mình không thể níu lại được.

Không ít nhân viên y tế bị sang chấn tâm lí phải dùng đến thuốc ngủ và sự hỗ trợ của đồng nghiệp chuyên khoa tâm thần để vượt qua khủng hoảng.

Tôi nhớ, trong nhiều lần trò chuyện, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, lặng đi khi nhắc về các đồng nghiệp. Người đàn ông can trường và dạn dày kinh nghiệm ấy không ít lần mủi lòng khi vô tình bắt gặp nhân viên của mình khóc thầm nơi góc khuất bệnh viện. Nhìn những giọt nước mắt thấm ướt khẩu trang, đôi vai rung lên trong bất lực, anh lặng lẽ quay đi, trả lại không gian riêng tư, những mong giúp họ vơi bớt muộn sầu.

Thấu hiểu, là yêu thương

“Chúng tôi đã được tăng cường gấp rút để dồn toàn lực đánh một trận thật lớn với COVID lần này. Tranh thủ từng giây, từng phút trong cuộc đua sinh - tử, giành lại sự sống cho bệnh nhân càng nhiều càng tốt đó là tiêu chí được chúng tôi đặt hàng đầu”, dường như trong lời tự sự của bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Truyền máu huyết học) là cả trời hoài niệm khi nhớ về khoảng thời gian cam go ấy.

Đến với Trạm vệ tinh dã chiến 115 trong giai đoạn khó khăn, lúc tình hình dịch đang trên đà “lên đỉnh” nên công việc của bác sĩ Tuấn là cấp cứu - hồi sức tại hiện trường cho cả F0 và người bệnh không COVID, vận chuyển bệnh nhân đến đúng tuyến điều trị cùng hàng trăm công việc không tên khác.

Chuyện mang tên Tâm Từ Bi  ảnh 3

Chuyến xe cứu thương của Trạm vệ tinh dã chiến 115 đưa F0 đi bệnh viện

Tôi gọi đấy là những chuyến xe đặc biệt. Ở đó người lính bám trụ 20/24 giờ hằng ngày để mỗi chuyến xe đi càng nhanh càng tốt, mỗi phút giây chậm trễ có thể bị đánh đổi bởi sinh mạng vô giá của ai đó. Có lẽ chính vì thời gian cấp cứu đong đếm bằng phút giây mà họ, những người lính trong đội 115 không bao giờ có được bức ảnh lung linh, trọn vẹn cả ê kíp. Và vòng lặp cứ thế cho đến hết ca, bàn giao lại cho kíp trực sau tiếp tục nhiệm vụ của những chiến sĩ cấp cứu 115.

Dù vậy, phía sau những lớp khẩu trang in hằn lên mặt, những bộ quần áo bảo hộ nóng bức phải mặc trong nhiều giờ liền, nụ cười vẫn hiện ra như động viên chính mình, thách thức cam go, lắc đầu với tháo lui, nhụt chí. Đôi khi cứ tưởng rằng, giá trị của cuộc sống cấu thành từ những điều thật lớn lao, nên khiến ta quên đi những điều rất nhỏ trong đời thường.

Nhưng khi hiểu được tận cùng giá trị của những điều rất đỗi bình thường trong cuộc sống là căn nguyên làm nên những sự lớn lao, mới hay rằng, làm những điều lớn lao không bao giờ là việc ngoài tầm tay với.

Chỉ cần nâng niu những điều rất nhỏ trong cuộc sống, góp nhặt những niềm vui đơn sơ trong dòng đời thì chẳng xa xôi gì niềm vui sẽ nối tiếp niềm vui, tới một ngày vỡ òa thành hạnh phúc.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng dạy rằng: “Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu, thì bạn chẳng thể yêu thương”. Đứng ở nơi hiểm nguy, thậm chí cái chết có thể ập đến với mình bất kì lúc nào, những y bác sĩ, có lẽ bằng hành động, không một lời thuyết giáo, dựng lên bức tượng THẤU HIỂU, quên bản thân mình để hồi sinh những trái tim tưởng đã lạnh câm khi thần chết ló mặt.

Thiên lương

“Gần 3 năm kể từ ngày COVID-19 xuất hiện khiến nhân loại đảo điên, nhưng ở thời điểm có mặt TPHCM, dẫu đã có những hiểu biết về dịch bệnh nhưng khi đó vào chiến trường mới thấy sự khủng khiếp. Lần đầu tiên sau rất nhiều lần vào TPHCM cho mình cảm giác nơi đây hiu quạnh, buồn, không bao giờ nghĩ thành phố này có những giờ phút như vậy.

Khi vào đến khu phố nơi tổ quân y 318 của chúng tôi đóng quân, thực sự cảm giác đó còn bộc lộ rõ hơn rất nhiều khi thấy ánh mắt nghi ngại, sợ hãi, lo lắng, vô vàn cảm xúc tiêu cực của người dân bởi lúc đó thành phố đi vào giai đoạn cách li phong tỏa càng khiến mọi người hoang mang hơn”, Thiếu tá, bác sĩ, TS Hoàng Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mĩ (Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác) nhớ lại. Nhưng sau khi nghe giải thích “chúng tôi là bác sĩ quân y vào hỗ trợ F0 điều trị tại nhà và cấp phát thuốc, đồng thời tham gia trạm y tế phường hỗ trợ người dân tốt nhất có thể” thì những con người đang trẫm mình trong ngổn ngang lo sợ kia lập tức chia sẻ và cởi mở…

Dẫu khó khăn bời bời, dẫu không tránh được những thời điểm mệt mỏi tinh thần thì bác sĩ Tuấn vẫn luôn tâm niệm, đây là cuộc chiến không tiếng súng nhưng vẫn có thương vong và những người lính ra trận không cầm súng nhưng chắc chắn sẽ chiến thắng trở về!

Chuyện mang tên Tâm Từ Bi  ảnh 4

Bác sĩ quân y tư vấn điều trị F0 tại nhà ở TPHCM

Tôi như chìm đi sau lời anh kể. TPHCM những ngày tháng đó như đông cứng lại. Đô thị hơn 10 triệu dân, trở nên hoang vắng tịch mịch kéo dài không dứt. Chỉ có còi xe cấp cứu kéo từng hồi thất thanh, lao đi.

Ngay cả những đại lộ vốn kìn kìn người không dứt đêm ngày, giờ chỉ còn những cột điện đứng nhìn, bơ vơ, hiu hắt. Những chuyến xe tang không ai đưa tiễn. Những lọ, bình cốt nối nhau bất động như dấu chấm than đùn lên cay nghiệt kiếp người. Những phòng hồi sức, cấp cứu, bóng người mặc đồ bảo hộ qua lại nhoáng, nhòa đến mức như dư ảnh.

Có ai đó nói rằng, sau này, sẽ trưng bày những đoạn phim, bức ảnh về cơn hồng thủy chết chóc này để thế hệ mai sau nhìn đó mà biết, rằng lớp trước họ đã thấm trải bi kịch khủng khiếp do dịch bệnh lẫn sự chống trả quyết liệt, sự mạnh mẽ của người trong cuộc để giành giật hơi thở cho mình và người khác. Thuốc men, quyết tâm, ý chí, chưa đủ, còn một liều thuốc biệt dược nữa, đó là tình thương.

Tình thương trong nhà ngoài phố, trong phòng bệnh, cả trong hơi thở kín đáo, ngậm ngùi nơi góc khuất nào đó, cả giọt nước mắt chắt ra từ khô cằn vì không còn đủ sức để khóc nữa của những bác sĩ, điều dưỡng, lái xe, nhìn ngày tháng đi qua kẽ tay mình, không phải là gió, mà là đồng loại gục đầu giã biệt không một lời chia tay.

Dòng sông hoa trắng, những ngọn nến, hồi chuông sau đó tưởng niệm người đã khuất, ghi dấu trên đá bằng ước nguyện bình yên, nhưng vẫn thiếu đấy, rằng họ ra đi, mang theo tình thương của đồng loại, của những người khoác blouse trắng. Tình thương không thanh âm nhưng trĩu nặng lời thề, rằng mất đi không phải là tất cả, bởi họ hẳn để lại trần gian sự hiện diện của lẽ sống tận hiến kiệt cùng của những ai đã dấn thân vào nghề Y…

Trong cuộc đời làm nghề, chưa giai đoạn nào những bác sĩ như Thiếu tá Hoàng Thanh Tuấn lại chứng kiến nhiều mạng sống người dân dừng lại đột ngột như thế. Rất nhiều thời điểm, bất lực, đó là tên gọi không thể khác, chất chồng trong tim, trong não y bác sĩ như anh, bởi không có cách nào cứu giúp người bệnh khi có những ca ngừng tim được bác sĩ hồi sinh nhưng xe cấp cứu đến nơi thì người bệnh lại bất ngờ ngừng tim và qua đời.

“Những lúc đó tâm trạng vô cùng nặng nề, bệnh nhân mất ngay trên tay mình, tôi cứ tự đặt ra rất nhiều câu hỏi về sự ra đi của họ. Nhưng rồi không thể chìm trong thất vọng, chúng tôi phải tự động viên nhau vượt qua khó khăn bằng những niềm tin, bằng việc cứu chữa kịp thời hơn những ca bệnh tiếp theo”, bác sĩ Tuấn kể, mà thanh điệu và ánh mắt như lạc về đâu đó.

Quãng lặng đằng sau tâm tình này, có lẽ là những dư ảnh ngổn ngang, xô lệch, trùng khít, không thiếu vật vã, như bức tranh lập thể đặc tả sự vô lí khủng khiếp đến bàng hoàng về sự sống và cái chết, mà tên gọi của nó, là sự nhỏ nhoi của kiếp người. Lúc đó, trong từng khoảnh khắc, giọt nước mắt không rơi xuống, mà nó thành giọt nước lành, dù đã khô cằn bởi kiệt sức, vắt ra, như liệu pháp tâm hồn, níu cả bệnh nhân và bác sĩ ở lại bên này của niềm vui.

Yêu thương ở lại

Không biết, sau cơn kinh hoàng kia, con người vốn ngụp lặn, lăn lóc trong tham -sân - si, có tỉnh thức được chút nào không về sự vô nghĩa của kiếp người, để buông bỏ bớt lòng tham. Chắc là có, nhưng chúng ta không hề hoang tưởng rằng tất cả sẽ như thế, rằng mọi người sẽ tốt hơn. Vẫn hằng ngày đó, như bình thường trở lại của nhịp sống, như chưa từng nếm trải chết chóc, mọi thứ trở về nguyên bản.

Tất nhiên, đó là cuộc sống. Chỉ mong rằng, tình thương được bồi đắp thêm, khi ai cũng có nguy cơ bước một chân vào cõi chết, để nhìn quanh đồng loại, thân phận như mình. Phật Giáo dạy rằng, Ái chính là tình thương yêu trong mỗi chúng ta. Nó là một loại năng lượng có thể thực hiện được nhiều phép lạ.

Khi người ta thương, có thể làm được những việc mà người không thương không thể làm được. Nếu không có nó, rất khó có thể chia sẻ hay giúp đỡ người khác. Khi trái tim tràn ngập tình thương, chúng ta sẽ có đầy đủ dũng khí để biến nó thành hành động thực tế một cách vô điều kiện. Không có hạnh phúc nào lớn hơn sự chia sẻ. Đó là lí do yêu thương thường song hành với sự chia sẻ, giúp đỡ. Món quà của tình thương đôi khi chỉ đơn giản là lời động viên, là cái nhìn đầy thiện cảm… Bao nhiêu đó cũng đủ làm ấm lòng người nhận.

Thế nên với cuộc chiến COVID, trong những phút giây dẫu ngắn ngủi hay thăm thẳm buồn đau của kiếp người, bằng chánh niệm, tỉnh thức, người ta luôn hiểu được giá trị của những người xung quanh, nhờ đó mà yêu thương. Và những con người đang oằn mình vì bạo bệnh đã được trao yêu thương từ chính những thiên sứ khoác trên mình tấm áo blouse. Phật đã dạy rằng, mọi thứ trên đời đều phù du, khi mất đi thì chỉ còn yêu thương bao la mới lưu lại nơi trần thế.

Sở dĩ có được tình thương yêu to lớn như vậy vì tình thương ấy được đặt trên nền tảng Tâm Từ Bi. Làm người, ai cũng có Tâm Từ Bi, vấn đề họ có thấu hiểu hay không, để mang vác điều đó đi giữa bão táp của mệt mỏi, giằng co, tranh giành, thù hận, với ý nghĩ hãy cho đi, đừng mong nhận, rồi ta sẽ được tất cả hoặc đôi khi là cái nhìn chan chứa yêu thương của ai đó. Thế là đủ. Và những người lính giữa thời bình hẳn đã thấu hiểu, khai ngộ được Tâm Từ Bi ở chính mình, để nối dài yêu thương. Với tôi, đây là sự diệu kì của khoa học và tôn giáo, gặp nhau ở một ngả đường…

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.