Chuyện làm kinh tế xanh ở xứ sở mộng mơ

Theo Ủy ban Môi trường thuộc Liên Hiệp Quốc (UNEP), nền kinh tế xanh là nền kinh tế hướng đến cải thiện đời sống con người và tính công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu những hiểm họa môi trường và tình trạng khan hiếm tài nguyên. Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng kinh tế, cơ hội việc làm, giảm thiểu đói nghèo đều được điều tiết bởi sự đầu tư có mục tiêu vào môi trường và xã hội.

Nói một cách đơn giản, kinh tế xanh là vừa hướng đến một nền kinh tế hài hòa với môi trường, vừa tạo ra những “cỗ máy xanh” cho nền kinh tế, tức tìm kiếm lợi nhuận một cách thân thiện với môi trường.

Trong báo cáo mới đây của Ngân hàng thế giới (WB) với chủ đề “Việt Nam năng động: Tạo nền tảng cho một nền kinh tế thu nhập cao” đã nhận định rằng Việt Nam đang trong tình trạng khẩn cấp khi xét đến thiệt hại đối với môi trường.

Đánh giá của WB không có gì đáng ngạc nhiên ở một quốc gia đang phát triển, nơi các điểm nóng về phát triển kinh tế đang trở thành một trong những khu vực ô nhiễm nhất, nơi mà mọi người có thể cảm nhận thấy những tác động tiêu cực từ đó.

Chính phủ không vô cảm trước những quan ngại này. Ngày càng có nhiều chiến lược và kế hoạch được phê duyệt, giúp thúc đẩy đất nước đi theo con đường tăng trưởng xanh, bao gồm Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh,.. Có lẽ tín hiệu tốt nhất về cam kết của Chính phủ là việc đưa một trụ cột mới về môi trường vào thiết kế chiến lược phát triển quốc gia trong thập kỷ tới.

Chuyện làm kinh tế xanh ở xứ sở mộng mơ ảnh 1
 

Cơ hội cho phát triển nông nghiệp - dược liệu quý

Qua hai thập kỷ phát triển, Việt Nam được đánh giá là quốc gia sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, đặc biệt trong lương thực, thực phẩm và góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới. Do vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa thì những năm gần đây việc phát triển trong nông lâm ngư nghiệp cũng được đặc biệt chú trọng, thể hiện qua kết quả xuất khẩu của toàn ngành năm 2019 đạt giá trị khoảng 41,3 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 15 thế giới và đã xuất sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ở một phạm vi hẹp và cụ thể hơn, nằm trong khuôn khổ của dự án “Nhân rộng các sáng kiến thương mại gắn với bảo tồn đa dạng sinh học trong lĩnh vực thuốc thảo dược tại Việt Nam” do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ. Theo đó, thông qua các dự án thành phần thuộc 27 tỉnh, thành là đối tác để thực hiện việc hỗ trợ ngành dược liệu Việt Nam trong việc quản lý nguồn gen, bảo vệ đa dạng sinh học hiệu quả và có các chính sách quản lý và khuyến khích hoạt động bảo tồn và khai thác bền vững theo các nguyên tắc và tiêu chuẩn thương mại (BioTrade).

Mục tiêu tổng thể của dự án là giúp Việt Nam trở thành quốc gia được quốc tế công nhận về cung cấp các sản phẩm từ nguyên liệu tự nhiên cho các ngành công nghiệp thuốc thảo dược, thực phẩm và mỹ phẩm - được khai thác và chế biến theo chuẩn tự nguyện về Thương mại Sinh học có Đạo đức (Ethical BioTrade - EBT).

Theo kế hoạch này, Đà lạt - Lâm Đồng đã được chọn là nơi cần được quản lý và phát triển cây nguyên liệu Atiso và Diệp hạ châu. Đây là cơ hội rất tốt để Đà Lạt - Lâm Đồng chuẩn hóa việc quy hoạch vùng nguyên liệu, đáp ứng cho sản xuất, bảo đảm chất lượng đầu ra đạt tiêu chuẩn theo các tiêu chí của dự án, đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe nhất của Châu Âu. Biến cây Atiso, Diệp hạ châu thành một trong những thế mạnh của Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung trong phát triển kinh tế xanh.

Chuyện làm kinh tế xanh ở xứ sở mộng mơ ảnh 2  

Phát triển cây Atiso nguyên liệu

Thành phố Đà Lạt và vùng lân cận từ lâu được biết đến là vùng sản xuất nông nghiệp nổi tiếng, bên cạnh các mặt hàng chủ lực như rau, hoa thì Atiso như là một trong những cây trồng đặc trưng riêng của địa phương.

Thống kê hiện nay, Atiso của Đà Lạt đã phát triển trên 100ha , được trồng chủ yếu tại Đà Lạt và một số xã của huyện Lạc Dương, Đơn Dương. Ngoài ra địa phương hiện có gần 30 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dược liệu, với sản phẩm trà Atisô, cao Atisô hết sức giá trị, đây là điều kiện thuận lợi, và cũng là đòi hỏi bắt buộc với địa phương phải xây dựng và phát triển các vùng trồng Atisô nguyên liệu đủ về sản lượng và đạt về chất lượng.

Theo các chuyên gia, hiện nay ở nhiều vùng trên cả nước, việc quy hoạch vùng nguyên liệu đủ lớn cho sản xuất là rất khó khăn bởi do chính sách cũ trong chia ruộng đất, nhận khoán canh tác,.. nông dân nắm giữ và sản xuất nông nghiệp trên phần đất của mình, họ tự sản, tự tiêu, tự tìm thị trường nên manh mún, không xây dựng được giá trị của sản phẩm và thương hiệu. Bài toán này chỉ có thể được giai quyết khi các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã cùng tham gia với người nông dân. Đó là mô hình kết hợp giữa 6 nhà: Nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng và nhà phân phối, nếu tách ra là không thành công. 

Câu chuyện này, khi được hỏi về trăn trở cho việc xây dựng một vùng nguyên liệu bền vững, anh Nguyễn Văn Phúc ở phường 11, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: Với anh, vùng trồng nguyên liệu sẽ có lợi cho cả đôi bên, thay vì thấp thỏm đầu ra như trước đây thì việc kí kết hợp đồng bao tiêu với công ty đã đem lại sự yên tâm về thu nhập cho nông dân. Tính ra anh đã đầu tư khoảng 30 triệu đồng/1.000m2, Giá bán lá, thân và hoa cho lợi nhuận trung bình 100 triệu/1ha. “So với hoa thì atiso không được giá bằng, nhưng nó ổn định hơn, công ty họ thu mua lá, còn bông với thân mình lại bán cho thương lái”.

Doanh nghiệp có nhà máy chế biến, có công nghệ, nhưng phải có vùng nguyên liệu ổn định, Điều này cần có sự liên kết của 6 nhà. Hiện ở Lâm Đồng đã có doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu Atiso rộng 10 ha, công ty đầu tư giống, máy móc, chuyển giao kĩ thuật cho nông dân.

Ông Nguyễn Đức Bình, Chủ tịch hội nông dân xã Xuân Thọ, Lâm Đồng chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ của dự án Biotrade, người nông dân đã quan tâm mở rộng diện tích trồng Actisô. Với vai trò chính quyền địa phương, cũng đã giúp liên kết giữa bà con nông dân với các nhà khoa học để mở lớp nâng cao kỹ năng canh tác”.

Bà Phạm Thị Xuân Hương, Tổng Giám đốc Công ty Ladophar cho biết: “Chúng tôi liên kết với nông dân, bởi họ làm nông giỏi, còn mình phải giúp họ áp dụng khoa học kĩ thuật, quy trình chăm sóc, thu hái và phải giám sát họ. Nếu nói về những sản phẩm đa dạng từ Atiso thì các doanh nghiệp tại Lâm Đồng không thua kém gì các nước trên thế giới. Nhưng nói về 1 vùng nguyên liệu bền vững thì vẫn là trăn trở của không ít doanh nghiệp. Hiện tỉnh Lâm Đồng đang mở rộng vùng nguyên liệu Atiso về hướng huyện Lạc Dương nơi có khí hậu và thổ nhưỡng tương tự Đà Lạt để có 1 vùng nguyên liệu dồi dào hơn”.

Theo TS.Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, để có những vùng sản xuất theo quy hoạch, Nhà nước cần có cơ chế tích tụ ruộng đất, có cơ chế đặc thù thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp.

Vùng trồng Atiso theo tiêu chuẩn Châu Âu

Hiện có một bất cập với vùng trồng Atiso nguyên liệu ở Lâm Đồng là mỗi doanh nghiệp 1 quy trình, 1 chuẩn đầu ra  nên nông dân cũng canh tác theo những hướng rất khác nhau. Vì thế Dự án BioTrade phát triển dược liệu sạch do Liên minh châu Âu EU tài trợ để giúp người trồng Atiso hướng tới 1 chuẩn chung được công nhận bởi cộng đồng quốc tế tốt cho cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Dự án nhằm mục tiêu khuyến khích hoạt động khai thác, đi kèm với bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời phát triển các chuỗi giá trị dược liệu bền vững vốn được biết đến và chấp nhận rộng rãi tại thị trường châu Âu.

Hiện nay nhiều vùng trồng Atiso tại Lâm Đồng, thay vì trồng trong nhà kính như trước đây, khi tham gia dự án, Atiso của nhiều hộ nông dân đã chuyển sang cách canh tác tự nhiên và sử dụng phân chuồng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng hàm lượng chất dinh dưỡng trong đất, hạn chế các mầm bệnh phát sinh trong quá trình sinh trưởng của Atiso. Anh Đặng Thế Quốc Tài, nông dân trồng Atiso tại Lâm Đồng cho biết: “qua lớp tập huấn kỹ thuật đầu bờ nâng cao của dự án BioTrade, giúp tiếp thu 1 số công nghệ mới, hướng tới việc Actiso đạt chuẩn xuất ra thế giới”. 

Dự án đã hỗ trợ nông dân theo 1 chuỗi khép kín từ khâu canh tác/trồng trọt, đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Hàng nghìn nông dân yên tâm canh tác đạt chuẩn GACP - WHO (thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc). Người nông dân không còn tư duy nhỏ hẹp là trồng cây chỉ để cho sản phẩm tiêu thụ trong nước mà sẽ cho ra nguồn nguyên liệu đạt chuẩn ở những thị trường khó tính nhất.

Tại vùng trồng Atiso Lâm đồng này, 7 nguyên tắc vàng mà Dự án BioTrade luôn khuyến khích người nông hướng tới tập trung vào tính bền vững: bền vững cho môi trường, bền vững cho phát triển kinh tế xã hội, bền vững trong mối quan hệ giữa các bên tham gia từ sản xuất đến tiêu thụ, bền vững trong mối quan hệ giữa các bên cùng tham gia chuỗi sản xuất và tiêu thụ. Đây cũng chính là những nguyên tắc mà các đối tác Châu Âu chấp thuận.

Chuyện làm kinh tế xanh ở xứ sở mộng mơ ảnh 3  

Ông Phạm Văn Lương, Giám đốc Helvetas Việt Nam - Đại diện Dự án BioTrade EU cho biết: “Từ năm 2014, khi mà Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt nam và Liên minh châu Âu chưa được ký kết, thì chúng tôi đã được Liên minh châu Âu và chính phủ Thuỵ sĩ tài trợ các dự án nông nghiệp để tiếp cận thị trường châu Âu. Phương pháp tiếp cận của dự án là nâng cao năng lực cho nông dân cũng như là các doanh nghiệp về chứng nhận cũng như là tiếp cận thị trường”.

Lâm Đồng được Chính phủ đánh giá là địa bàn trọng điểm trong quy hoạch phát triển dược liệu. Actisô là một trong các dược liệu được ưu tiên. Những vườn atiso theo tiêu chuẩn châu âu vẫn đang được mở rộng ở Đà Lạt, Dự kiến, Dự án Biotrade sẽ hỗ trợ nông dân xây dựng 50 chuỗi giá trị dược liệu trên khắp Việt Nam, tạo ra các sản phẩm thuốc và sản phẩm bảo vệ sức khỏe chất lượng cao, sẵn sàng chinh phục thị trường Châu Âu khi hiệp định EVFTA thực sự mở toang cánh cửa vào miền đất hứa này./.

MỚI - NÓNG