Cá voi ngày nay hoàn toàn khác với cá voi hàng chục triệu năm trước. Bộ cá voi (hiện nay gồm cá voi, cá heo, cá nhà táng) đã tiến hóa 50 triệu năm trước từ loài thú nhỏ 4 chân có móng. Thay vì là một trong những sinh vật lớn nhất trên Trái đất như hiện nay, cá voi ngày xưa chỉ to bằng con chó cỡ trung bình, CNN đưa tin ngày 4/4.
Những điều ngạc nhiên
Trước đây, các nhà cổ sinh vật học đã phát hiện bộ xương của cá voi thời xưa ở Ấn Độ và Pakistan nhưng bộ xương được tìm thấy gần đây ở lưu vực Pisco trên bờ biển phía nam của Peru khiến mọi người kinh ngạc.
Phát hiện mới được đề cập trong tạp chí Current Biology (Sinh học ngày nay) số ra ngày 4/4. Phát hiện của nhóm chuyên gia quốc tế dẫn đầu bởi Mario Urbina gồm không ít điều ngạc nhiên.
“Đây là bộ xương cá voi 4 chân đầu tiên ở Nam Mỹ và cả khu vực Thái Bình Dương. Bản thân phát hiện này đã là một sự ngạc nhiên lớn”, CNN ngày 4/4 dẫn lời đồng tác giả nghiên cứu Olivier Lambert. Lambert làm việc tại Viện Khoa học tự nhiên Hoàng gia Bỉ.
“Chúng tôi cũng ngạc nhiên với tuổi địa chất của phát hiện này (42,6 triệu năm trước) cũng như tình trạng bảo quản của rất nhiều xương thuộc hầu hết các phần của bộ xương, thậm chí bao gồm một xương bánh chè, một số xương mắt cá cỡ nhỏ và các đốt xương cuối cùng của bàn chân với các móng nhỏ tí”, Lambert nói.
Đây là con cá voi cổ nhất được tìm thấy ở khu vực này và là bộ xương hoàn chỉnh nhất (gồm xương hàm, chân trước, chân sau, một phần cột sống, đuôi…) mà người ta tìm thấy bên ngoài Ấn Độ và Pakistan. Loài vật đặc biệt này dài 4m nếu tính cả đuôi.
Nhóm chuyên gia tìm thấy bộ xương đã đặt tên cho nó là “Peregocetus pacificus, có nghĩa là “cá voi chu du tới Thái Bình Dương”.
Các nhà khoa học đã biết rằng, hình dáng cơ thể cá voi thay đổi qua thời gian dài, giúp chúng thích nghi tốt hơn với đời sống dưới nước. Tuy nhiên, họ không biết làm thế nào mà cá voi di chuyển từ Nam Á sang Nam Mỹ. Tổ tiên cá voi ngày xưa không có hình dáng khí động học đầy đủ như cá voi ngày nay.
“Cá voi 4 chân, tổ tiên của cá voi và cá heo ngày nay, trước đây được tìm thấy ở ba khu vực chính: cổ nhất là ở Ấn Độ và Pakistan, mới hơn là ở Bắc Phi và Tây Phi và mới hơn nữa là ở phía đông Bắc Mỹ”, Lambert nói.
“Dựa trên các chứng cứ hiện có và dựa trên thực tế rằng bộ xương cổ ít liên quan các loài đến từ cả châu Phi và Bắc Mỹ, chúng tôi đưa ra mấy câu hỏi chưa được giải đáp. Khi nào những con cá voi tứ phương này đến được Tân thế giới (châu Mỹ)? Chúng đi theo con đường nào? Và đâu là năng lực vận động của chúng trong hành trình dài như vậy?”, ông Lambert nêu vấn đề.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, cá voi cổ đại có thể bơi tốt và di chuyển tốt cả trên cạn.
Tiếp tục đào bới
Tuy nhiên, các nhà khoa học không tìm thấy phần cuối cùng của đuôi cá voi. Đốt sống lưng cuối cùng kết nối với phần xương đuôi tương tự của hải ly và rái cá thời hiện đại.
Cá voi cổ đại còn có móng dài và móng nhiều khả năng có màng. Điều này có nghĩa là chúng di chuyển giống rái cá ngày nay. Điều này phần nào lý giải cách thức cá voi vượt Ấn Độ Dương.
Ngày nay, một sinh vật kiểu như rái cá khổng lồ sẽ phải bơi một chặng đường dài để di cư, nhưng tại thời điểm xa xưa trong lịch sử Trái đất, khoảng cách giữa châu Phi và Nam Mỹ chỉ bằng 1/2 so với ngày nay và dòng chảy thì rất mạnh.
Từ Nam Mỹ, cá voi cổ đại có thể di cư sang Bắc Mỹ. Các nhà khoa học nghĩ rằng, phải đến thời điểm khoảng 12 triệu năm trước đây, cá voi mới trở thành động vật có vú hoàn chỉnh sống dưới biển.
Có nhiều giai đoạn trung gian của lịch sử tiến hóa ngoạn mục này, và các nhà khoa học cần tiếp tục tìm kiếm ở các khu vực khác của thế giới, đặc biệt là ở nam bán cầu, để có thể tìm ra các bộ xương của loài cá voi 4 chân lạ lùng này”, Lambert nói.
Các nhà khoa học sẽ tiếp tục đào bới tại khu vực này ở Peru. Họ hy vọng tìm thấy xương cổ xưa hơn để họ có thể hiểu về cách thức tiến hóa của cá voi. “Tìm thấy xương sọ và chót đuôi nữa thì thật tuyệt”, Lambert nói.