Chuyện lạ cô gái bị ung thư vú

Chuyện lạ cô gái bị ung thư vú
TP - Bị ung thư vú đã di căn vào xương, nhưng thay vì dành thời gian chăm sóc bản thân, Nguyễn Khánh Thương, SN 1982 (giảng viên trường ĐH KHXH và NV Hà Nội) lại mải miết với các hoạt động xã hội, trong đó có dự án gây quỹ cho phụ nữ ung thư vú.

> Ông già Noel tình nguyện
> Còn sống một đêm vẫn tin ở ngày mai

Truyền lửa

Sau mấy lần hẹn, cuối cùng chị cũng thu xếp được thời gian vào lúc 12 giờ trưa, sau khi kết thúc giờ dạy trên giảng đường. Chị sôi nổi kể về những công việc, những dự định tình nguyện vì cộng đồng của mình.

Chị bảo, công việc của chị hiện còn nhiều hơn cả lúc khỏe, vì thế quỹ thời gian càng eo hẹp hơn. Nhưng được làm việc chính là động lực giúp chị vượt qua những đớn đau trong cuộc chiến với bệnh tật.

Khánh Thương hạnh phúc bên chồng trong ngày cưới
Khánh Thương hạnh phúc bên chồng trong ngày cưới.

Khánh Thương có sự đồng cảm đặc biệt với những mảnh đời bất hạnh, éo le. Nhóm từ thiện Vòng tay yêu thương (FHG) được chị sáng lập năm 2006 với hàng loạt chiến dịch, chương trình gây dấu ấn như: Yêu thương trong những vòng tay; Kết nối yêu thương; Trao cho em ngày mai; Một giờ làm người khiếm thị… Chị đã đi và sẻ chia với nhiều mảnh đời khác nhau không chỉ bằng vật chất mà còn kết nối những con người xa lạ xích lại gần nhau.

Năm 2009, chị nhận học bổng học thạc sĩ tại Úc. Dù ở xa nhưng chị vẫn thường xuyên kết nối, hỗ trợ các hoạt động của FHG. Ngoài ra, chị cũng tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện ở Úc, đặc biệt là các hoạt động liên quan bệnh nhân ung thư.

Với sự năng nổ của mình, chị được Hội đồng Ung thư của Úc tại bang News South Wales tuyên dương là trưởng nhóm xuất sắc trong chiến dịch gây quỹ phòng chống và nghiên cứu ưng thư “Daffidil Day” và “Pink Ribbon Day” năm 2010.

Cũng tại đây, chị gặp anh Aaron Thaan, hai người đã viết nên câu chuyện tình yêu đẹp như mơ và quyết định đi đến hôn nhân. Thế nhưng, số phận trớ trêu, một ngày sau lễ ăn hỏi, Thương nhận tin sét đánh, chị bị ung thư vú giai đoạn 3.

Chị được chồng động viên sang Úc phẫu thuật cắt bỏ khối u. Ca phẫu thuật thành công, hy vọng sống vừa lóe lên thì các bác sĩ phát hiện khối u đã di căn vào xương.

Các phác đồ điều trị chỉ có tác dụng duy trì sự sống của chị trong một thời gian nhất định. Khát khao có con nhưng sức khỏe không cho phép để mang thai, chị định áp dụng phương pháp cấy trứng nhờ em gái mang thai hộ nhưng cũng không thể được, vì theo bác sĩ căn bệnh quái ác này có thể đã ảnh hưởng đến trứng. Mọi hy vọng đều sụp đổ. Chị sốc nặng.

Nhưng nhờ sự động viên của gia đình, đặc biệt là tình yêu lớn của người chồng, chị đã lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống. Chị lao vào đọc, dịch các loại tài liệu liên quan bệnh ung thư vú để in thành sách. Ý tưởng về việc xây dựng dự án truyền thông gây quỹ cho bệnh nhân ung thư vú của chị đã được nảy sinh từ những tháng ngày chiến đấu với bệnh tật ở nơi xa xứ đó.

Sẻ chia

Chị Thương hướng dẫn các tình nguyện viên học các bài thể dục phục hồi chức năng
Chị Thương hướng dẫn các tình nguyện viên học các bài thể dục phục hồi chức năng .
 

Cuối năm 2012, chị trở về nước và đều đặn lên giảng đường truyền đạt kiến thức cho sinh viên và bận rộn với các kế hoạch thực hiện dự án.

Nhiều phụ nữ đồng cảnh ngộ đã tìm đến chị để được tâm sự, sẻ chia, học hỏi kinh nghiệm chống chọi với căn bệnh quái ác. Nhiều phụ nữ sau khi nói chuyện với chị đã vượt qua được khủng hoảng tâm lý, sống lạc quan hơn.

Căn nhà nhỏ trên phố Hạ Đình, Thanh Xuân (Hà Nội) chị cũng tận dụng thành phòng làm việc cho các tình nguyện viên (TNV).

Hiện chị có gần 40 tình nguyện viên chuyên dịch các tài liệu liên quan bệnh ung thư vú và hàng trăm TNV là sinh viên các trường y, dược trên địa bàn Hà Nội đến các bệnh viện phát tài liệu và hướng dẫn bệnh nhân tập các bài thể dục phục hồi chức năng sau phẫu thuật.

Chị đang tích cực hướng dẫn các bài tập cho các TNV, dự kiến đầu tháng 5 này sẽ đi phát tài liệu cho bệnh nhân tập.

“Dự án sẽ giúp cho bệnh nhân trang bị các kiến thức để tự chăm sóc mình từ chế độ dinh dưỡng, luyện tập cho đến tâm lý, từ đó nâng cao chất lượng bệnh nhân, hạn chế di căn; giảm chi phí điều trị”, chị Thương nói. Với phương châm: “Không từ chối bất kỳ sự giúp đỡ nào”, chị sẵn sàng nhận tất cả mọi sự giúp đỡ từ cộng đồng để giúp những phụ nữ cùng cảnh ngộ.

Đồng hành, tiếp thêm sức mạnh để chị làm được tất cả những điều đó chính là người chồng hết mực yêu thương. Ngày biết tin mình bị ung thư di căn, nhiều người đã hỏi chị: “Có chồng chưa”, “Chồng có bỏ không”, đau đớn, chị đã đề nghị anh chia tay nhưng anh chỉ trả lời ngắn gọn: “Không”. Từ đó, anh luôn bên chị trong mọi hoàn cảnh. Để tiện cho việc điều trị chữa bệnh, đặc biệt là tiện cho những việc làm mà chị Thương ấp ủ, anh đã quyết định rời xa quê hương, nước Úc, từ bỏ tất cả công việc để theo chị về Việt Nam.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chuyện chưa biết về lần trùng tu đầu tiên của Nhà hát Lớn Hà Nội
Chuyện chưa biết về lần trùng tu đầu tiên của Nhà hát Lớn Hà Nội
TPO - Dự án trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội lần đầu được thông qua năm 1994. Kiến trúc sư, GS.TS Hoàng Đạo Kính - người chủ trì hội đồng trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội 30 năm trước - nhận Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Ông tiết lộ quá trình trùng tu công trình kiến trúc gắn liền với tên tuổi Thủ đô Hà Nội.