Nhiều năm qua, TS Ngô Kiều Oanh cùng chúng tôi viết báo, làm kiến nghị lên cấp trên và đấu tranh bảo vệ khu danh lam thắng cảnh linh thiêng bậc nhất nước Nam: Chùa Hương khỏi bị xâm hại bởi một dự án nhà máy rác thải định xây dựng gần kề; Bảo vệ những người dân đến chữa bệnh ở khu vườn “lạ” Long An rồi bảo vệ khu làng cổ Đường Lâm… Người ta gọi bà là “Tiến sĩ lội ruộng” bởi bà lăn lộn khắp nơi với nhiều dự án góp phần bảo vệ sự cân bằng sinh thái, bảo vệ sự toàn vẹn của những khu danh lam thắng cảnh nổi tiếng, bảo vệ công bằng, lẽ phải cho những người nông dân thấp cổ bé họng…
“Tôi dạy các con như ba mẹ tôi đã dạy, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể sống được, sống đàng hoàng, có lòng tự trọng và biết điểm dừng. Tôi dạy các con học vấn đề gì cũng phải học sâu, hiểu biết và nắm vững chuyên môn, và khi làm phải kiên trì làm đến cùng, luôn khiêm tốn và rèn luyện để có sức khỏe dẻo dai… có như thế mới tự đứng vững được trên đôi chân của mình”.
TS Ngô Kiều Oanh
“Ba tôi dạy chị em chúng tôi một nguyên tắc cơ bản là trong cuộc sống dù trong bất cứ hoàn cảnh nào phải đứng vững trên đôi chân của mình. Hàng ngày lúc học phổ thông, chị em chúng tôi phải báo cáo việc học, điểm số, cả những vướng mắc trong cuộc sống hàng ngày… Ba dạy chúng tôi từ bước đi, dáng đứng, lúc nằm, khi ngồi, không được ngồi xổm, không được nằm sấp, nằm co mình như con tôm, lúc đi phải ngẩng cao đầu, dáng đứng phải thẳng… Ra khỏi nhà là áo quần phải ngay ngắn, phẳng phiu, chỗ ở, nơi học phải sạch sẽ, ngăn nắp và phải luôn tập thể dục. Ba mẹ tôi từng sinh ra trong một gia đình khá giả. Ông nội tôi là Ngô Minh Ứng, từng là thông dịch tiếng Pháp cho tòa án ở thành phố Mỹ Tho (nay là thuộc tỉnh Tiền Giang) là con một điền chủ rất giàu, có hàng ngàn mẫu ruộng. Bà nội tôi Trần Thị Ý xuất thân từ một gia đình yêu nước có nhiều người tham gia cuộc khởi nghĩa chống Pháp của lãnh tụ Nguyễn Trung Trực. Ba tôi từng là kỹ sư canh nông làm việc ở sở lúa gạo Nam bộ. Mẹ tôi đỗ tú tài dạy học tại, Sài Gòn và họ gặp nhau ở đó… Ba mẹ tôi đã từ bỏ cuộc sống giàu sang để đi theo cách mạng. Những ngày sống ở vùng chiến khu U Minh Đồng tháp Mười thật gian khổ. Sau năm 1954 ông bà tập kết ra Bắc và sau đó là cuộc sống đạm bạc của những năm tháng chống Mỹ hay bao cấp… Nhưng dù sống ở đâu, ba mẹ tôi cũng hết lòng chăm sóc dạy dỗ các con. Ba mẹ là tấm gương sáng để chị em chúng tôi noi theo. Mẹ tôi thạo tiếng Pháp nên từng làm việc trong tổ thư ký dịch thư cho Bác Hồ tại Chủ tịch phủ sau 1954. Bà rất ham học. Tôi không thể quên hình ảnh mẹ tôi vừa nấu nướng, vừa dùng phấn viết lên tất cả các cánh cửa ở nhà các từ tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung để học thêm ba ngoại ngữ. Bà thích công việc nghiên cứu nên vừa nuôi con nhỏ vừa học xong Đại học Kinh tế quốc dân để thành một trong lớp cán bộ đầu tiên của Viện Kinh tế thuộc Ủy ban Khoa học xã hội. Chị em chúng tôi và sau này là các con tôi, con chị tôi, em tôi cũng rất ham học, đều thông thạo nhiều ngoại ngữ, có lẽ cùng bắt đầu từ tấm gương của ba mẹ tôi…” TS Ngô Kiều Oanh tâm sự.
Để các con “Đứng vững trên đôi chân của mình”, ngay từ bé các con đã tự làm lấy mọi việc. “Lúc thành lập Ủy ban Kế hoạch Nhà nước do bác Phạm Văn Đồng là chủ nhiệm, vì ba là kỹ sư canh nông ngành thủy lợi nên được mời về đề định hướng phát triển thủy lợi cho miền Bắc. Thời kỳ đó do còn nhỏ nên hễ có dịp ba tôi thường cho tôi đi cùng đến những làng bản xa xôi, hẻo lánh khi ông đi khảo sát.
Cố Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn sinh năm 1914 tại Vĩnh Kim, Tiền Giang, từng là kỹ sư canh nông trước khi vào chiến khu theo cách mạng. Ông tham gia cách mạng từ năm 1930 cùng đồng chí Phạm Hùng, từng bị thực dân Pháp bắt đi tù ở bót Catina; Bà Rá, Côn Đảo. Năm 1945 lãnh đạo “Thanh niên Tiền Phong” tước vũ khí của Nhật, giành chính quyền tại Sài Gòn… Ông là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên (sau đó là các khóa 2, 3, 4, 5, 6, 7) cùng lúc làm Bộ trưởng hai bộ (Bộ Canh nông và bộ Kinh tế năm 1946). Trong kháng chiến chống Pháp ông là đặc phái viên của chính phủ (đặc phái viên đặc biệt của Bác Hồ) bên cạnh Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ. Ông rất ít nói và luôn hoàn thành nhiệm vụ dù khó khăn gian khổ cỡ nào nên được Bác Hồ rất tin và tín nhiệm. Ông là trưởng đoàn chuyến đầu tiên mở đường Trường Sơn - sau này là đường mòn Hồ Chí Minh. Ông đã ba lần đi bộ vượt Trường Sơn ra họp Chính phủ từ chiến khu Đồng Tháp Mười ra chiến khu Việt Bắc. Ông cũng là người đầu tiên chỉ đạo in tờ giấy bạc Cụ Hồ tại chiến khu Đồng Tháp để chống lại sự phong tỏa của địch về tiền tệ ở Nam bộ. Ông cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng xây dựng kế hoạch 5 năm đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Ông mất năm 2005 tại Sài Gòn, thọ 92 tuổi.
Cố Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn có ba người con gái và một người con trai (con trai đã mất khi chưa được 3 tuổi do viêm phổi cấp tính).
Trưởng nữ của cố Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn là GS TS khoa học, NGND Ngô Kiều Nhi sinh năm 1945, từng học Đại học ở Liên Xô (cũ). Bà là một nhà khoa học nữ nổi tiếng, được giải thưởng danh giá Kovalevskaya, giáo sư đầu ngành cơ học dao động vẫn đang làm việc tại Đại học Bách khoa TPHCM.
TS Ngô Kiều Oanh sinh năm 1950, học ngành điều khiển học tại Matxcova, làm nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Nhiều năm (từ 1974 đến 2008) bà làm việc ở Viện khoa học công nghệ Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN).
Người con gái thứ ba là Ngô Kiều Yến, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, làm việc trong ngành hải quan.
Có lần, vợ chồng tôi lên thăm “Trang trại đồng quê”, dưới chân núi Ba Vì của TS Ngô Kiều Oanh, một trang trại mà bây giờ đã trở nên nổi tiếng khi vừa được nhận Giải thưởng “Bông lúa vàng” lần thứ nhất của Bộ NN&PTNT. Khi thấy cô con gái của bà nhanh nhẹn sắp xếp mọi thứ rồi vui vẻ hướng dẫn khách tham quan, giới thiệu những danh lam thắng cảnh bằng tiếng Anh rất trôi chảy cho du khách nước ngoài, tôi bỗng hiểu TS đã nuôi dạy con như những gì mà ba má mình đã dạy…
Mới ngày nào, mỗi lần tôi đến thăm TS Ngô Kiều Oanh tại phố Trần Nhân Tông (Ngôi nhà mà nghe nói bà đã tự tay thiết kế rồi thuê thợ xây lên), hai con của bà còn đuổi nhau chạy nhảy rất hồn nhiên. Bây giờ, cô con gái Ngô Hoàng Kiều Nga (sinh năm 1984) đã là thạc sỹ, còn cậu con trai Ngô Hoàng Quang Minh sinh năm 1992 tự xin được học bổng tại một trường đại học tốp đầu ở Mỹ. Tôi được biết, chồng bà đi du học rồi làm việc và định cư ở nước ngoài từ khi các con bà còn nhỏ. Mình bà chăm sóc, dạy dỗ, nuôi nấng các con trưởng thành.
Viết tại nhà vườn Sóc Sơn