Chuyên gia y tế giải thích lý do ca mắc COVID-19 âm tính rồi lại dương tính

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Trước diễn biến của một số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, các chuyên gia y tế đã lên tiếng lý giải về vấn đề này.

BN 149 và BN 50 đang cách ly, điều trị tại Quảng Ninh mới đây được Sở Y tế Quảng Ninh thông báo dương tính sau khi đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Trước đó tại Hà Nội cũng có trường hợp kết quả xét nghiệm phức tạp, đã xét nghiệm âm tính rồi lại dương với SARS-CoV-2 như bệnh nhân 21.

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng, trong thực tế trường hợp bệnh nhân có xét nghiệm âm tính rồi lại dương với SARS-CoV-2 xảy ra là chuyện bình thường. Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời điểm lấy mẫu, trong quá trình xét nghiệm…

"Đến giờ phút này chúng ta vẫn đang kiểm soát dịch bệnh tốt. Hơn nữa bệnh nhân âm tính rồi dương tính này vẫn đang điều trị, sức khỏe tốt, được cách ly mà chưa cho về nên không cần quá lo ngại, không có khả năng lây lan virus ra cộng đồng. Để xác định chính xác phải cần lấy mẫu và đánh giá lại, xét nghiệm kĩ và theo dõi" – ông Phu cho hay.

ThS.BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho hay khi mà lượng virus ít thì có thể có mẫu tìm thấy, có mẫu không.

Đây là ca bệnh chưa điều trị xong, cơ thể bệnh nhân chưa đào thải hết virus. Vì không có thuốc đặc hiệu nên cũng không làm sạch được hết virus trong cơ thể bệnh nhân bị nhiễm.

Vì được quản lý tốt nên bệnh nhân mới được xét nghiệm nhiều lần. Việc cho kết quả dương tính đã khẳng định việc cách ly 14 ngày là hợp lý. Vì thế, trong trường hợp F1 (những người tiếp xúc gần với bệnh nhân F0) âm tính, vẫn cần cách ly tập trung vì bất cứ lúc nào F1 cũng có thể trở thành dương tính.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng cục Y tế Dự phòng (bộ Y tế) cũng cho rằng, việc bệnh nhân 50 nhiễm COVID-19-19 âm tính rồi tái dương tính trong điều trị là chuyện bình thường.

Bệnh nhân chưa điều trị xong nên chưa đào thải hết virus. Hiện bệnh COVID – 19 chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị hiện là để cơ thể chống lại virus. Có thể trong cơ thể có những con virus nằm ẩn nấp ở đâu đấy khi đó xét nghiệm thì cho kết quả âm tính nhưng lần khác xét nghiệm lại xuất hiện, cho kết quả dương tính. Do đó bệnh nhân xét nghiệm 2 lần âm tính đến lần thứ 3 dương tính cũng không có gì bất thường.

TS.BS Phạm Quang Thái - Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho rằng việc một người xác định âm tính sau đó lại dương tính với virus SARS-CoV-2 trong thời gian dài điều trị là có thể xảy ra.

Đây không phải trường hợp đầu tiên bởi cả Trung Quốc và một số nước đều đã ghi nhận trường hợp như ca bệnh số 50. Có trường hợp đào thải virus rất dài. Đó cũng là lý do vì sao những người điều trị khỏi còn phải theo dõi tiếp 14 ngày.

Tình huống trên đã được nhìn nhận thấy và đặt vấn đề này lâu rồi. Thậm chí trên thực tế mẫu của bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 đã được lấy và cấy lại xem như thế nào. Cho đến nay mẫu cấy lại cho thấy những con virus cấy lại không mọc. Như vậy tạm yên tâm những người nhiễm virus không còn khả năng lây lan cho cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ mầm bệnh trong cộng đồng nên người dân cần tuyệt đối tuân thủ việc cách ly xã hội.

PGS.TS.BS Lê Văn Đông - Cục Quân y (Học viện Quân y) cũng cho rằng người bị bệnh do mắc COVID-19 một lần đã khỏi có thể có hoặc không bị bệnh lại tùy theo từng điều kiện nhất định. Nếu virus SARS-CoV-2 tạo được miễn dịch bền vững như virus sởi hoặc quai bị thì không bị lại nhưng điều này chưa thể khẳng định được vì còn quá sớm.

Nếu miễn dịch không bền vững, trong giai đoạn đầu mới khỏi bệnh, lượng kháng thể đủ mạnh thì có thể không bị lại, nhưng đến giai đoạn sau, lượng kháng thể đặc hiệu mất dần đi thì vẫn có thể bị lại. Trong trường hợp này thì cần sử dụng vắc-xin để khôi phục lại khả năng đề kháng chống virus.

MỚI - NÓNG