Chuyên gia Võ Trí Thành: Cạnh tranh, thâu tóm là tất yếu

TP - Theo TS.Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), việc cổ phần hoá Sabeco nằm trong ý đồ cải tổ doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đặc biệt là quyết tâm cải cách DNNN đi vào thực chất hơn của Chính phủ.

Ông Thành cho rằng, đây là thương vụ lớn và kết quả của việc bán cổ phần Sabeco vừa qua khẳng định Việt Nam chơi thật, góp phần tạo thêm niềm tin cho thị trường vào câu chuyện cải cách ở Việt Nam. Đồng thời, nâng cao tính minh bạch cho sự lựa chọn của các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài.

“Việc bán Sabeco theo tôi cũng rất được giá, 110.000 tỷ (tương đương 4,8 tỷ USD). Tuy nhiên, bên cạnh việc thu được nhiều tiền, có hai vấn đề quan trọng hơn: Thứ nhất là, thay đổi tư duy về vai trò của Nhà nước ở những lĩnh vực thị trường, tư nhân làm tốt ở lĩnh vực nào thì để họ làm. Thứ hai là, câu chuyện hậu cổ phần hoá. Tức là chúng ta có tiền rồi thì sử dụng những đồng tiền đó như thế nào. Cách “tồi” nhất là dùng cho chi thường xuyên. Cách “tốt” nhất là phải đưa vào những lĩnh vực tạo được sự lan toả, ví dụ như đầu tư vào kết cấu hạ tầng, đầu tư vào đào tạo nhân lực”, chuyên gia Võ Trí Thành chia sẻ.

Ông Thành nhấn mạnh, quan trọng nhất là làm sao nguồn lực được dùng hiệu quả nhất. Còn trong kinh tế thị trường, hôm nay người này làm ông chủ, ngày mai người khác là chuyện bình thường vì tính dịch chuyển rất cao. Bàn về việc các DN nước ngoài thâu tóm cổ phần DNNN, theo ông Thành, trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, việc cạnh tranh, thâu tóm là điều bình thường và tất yếu không tránh khỏi. Chỉ có điều các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nhìn nhận đây là cơ hội để buộc phải hoàn thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh hơn. “Chúng ta sẽ vẫn có những lợi thế riêng của các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Thành khẳng định.

MỚI - NÓNG
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
TPO - Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, trong 48 giờ qua, hầu hết các kho vũ khí chiến lược ở Syria đã bị tấn công. Hoạt động này được thực hiện nhằm ngăn chặn khả năng vũ khí của Syria rơi vào tay lực lượng đối lập và khủng bố sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.