TPHCM xin cơ chế đặc thù:

Chuyên gia nói gì về việc cơ chế “đặc thù”?

TP - TS Lê Đăng Doanh: Quốc hội cần có cơ chế để tránh địa phương “đua” xin ưu đãi

Đánh giá về việc TP HCM xin cơ chế đặc thù, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, đây là xu thế của thế giới. Hiện nay, trung ương có quyền thu ngân sách, còn quyền liên quan giáo dục, y tế và đời sống của người dân thì phân cấp cho địa phương.

“Tôi đồng ý nên dành cho TPHCM tỷ lệ thu ngân sách tại chỗ cao hơn hiện nay. Với số ngân sách đang được giữ lại, TPHCM không thể đủ để làm nhiệm vụ tiên phong trong bất cứ lĩnh vực gì. Khi nhận quyền tự chủ, lãnh đạo địa phương phải tự quyết mọi việc như vậy sẽ có thay đổi mạnh mẽ chứ không còn lí do chờ xin ý kiến Chính phủ”, ông Doanh nói.

Ông Doanh cho rằng, nếu Quốc hội thông qua đề xuất này của TPHCM thì các địa phương đang nộp ngân sách về trung  ương sẽ xin cơ chế như vậy. Vì vậy, Quốc hội cần có cơ chế để tránh việc địa phương đua nhau xin ưu đãi.

TS Lưu Bích Hồ: Cần cam kết về hiệu quả sau khi có cơ chế đặc thù

Cùng quan điểm, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Chiến lược phát triển cho rằng, việc TPHCM xin cơ chế đặc thù về tài chính là hợp lý. Nhưng sau khi xin cơ chế, địa phương này cần cam kết sẽ thu hút, huy động được bao nhiêu nguồn lực  đầu tư mà thành phố đang rất cần.

“Lãnh đạo TPHCM phải cam kết, có kế hoạch chi tiết, có cơ chế, thành phố sẽ thực hiện được bao nhiêu, chứ không phải cứ xin mà không biết quá trình thực hiện như thế nào”, ông Hồ nói.

Theo đại diện Bộ KH&ĐT, trong đề nghị của TPHCM, không liên quan nhiều đến các chức năng của Bộ KH&ĐT và chỉ liên quan đến cơ chế ủy quyền đầu tư một số dự án. “Cơ bản chúng tôi đồng ý với đề nghị của TPHCM để lãnh đạo thành phố có quyền nhiều hơn, không mất nhiều thời gian để xin ý kiến Thủ tướng và các bộ ngành”, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết. 

TS Vũ Thành Tự Anh: Vận dụng sáng tạo mô hình hợp tác công tư

“Đối với mô hình hợp tác công tư kết hợp với khai thác giá trị từ đất, TPHCM đã có những điển hình thành công với trường hợp nổi bật là phát triển khu Nam. Có những dự án thành công như mở rộng xa lộ Hà Nội trong giai đoạn đầu, nhưng cũng có những dự án gặp nhiều trục trặc như cầu Phú Mỹ chẳng hạn.

Trong điều kiện ràng buộc ngân sách, TPHCM đã có những cách thức vận dụng để tạo ra nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó phải kể đến cách thức “đổi đất lấy hạ tầng” cụ thể là các doanh nghiệp đầu tư các CSHT sau đó được thành phố đổi đất ở những nơi khác hoàn toàn không liên quan gì đến dự án hạ tầng như dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài chẳng hạn.

Đây là giải pháp cần phải làm đối với thành phố trong điều kiện “cái khó ló cái khôn”. Tuy nhiên, trên thực tế đây là cách thức “hàng đổi hàng” với hai lần không minh bạch. TPHCM nên vận dụng một cách sáng tạo và xem xét thấu đáo những rủi ro liên quan của mô hình hợp tác công tư. Đây là phương thức tốt để huy động các nguồn lực, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và trục trặc. Thành phố cần phân tích và đánh giá những dự án đã thực hiện trên địa bàn để rút ra các bài học kinh nghiệm, đồng thời tham khảo kinh nghiệm từ các nơi khác để lựa chọn mô hình phù  hợp.

TPHCM cần tìm hiểu và đề xuất hay đưa ra sáng kiến về các hình thức khai thác giá trị từ đất trong quá trình chuyển đổi bao gồm thuế bất động sản, thuế cải thiện và phí phát triển. Đây là những cách thức huy động nguồn lực địa phương rất phổ biến trên thế giới nhưng chưa có ở Việt Nam. Nếu các hình thức huy động nguồn  lực này được áp dụng thì khả năng cao sẽ là một nguồn “được giữ lại” rất dồi dào và ổn định”.

MỚI - NÓNG