Trong tiến trình này, sự hồi phục phát triển kinh tế của TPHCM là rất quan trọng, bởi nó đóng vai trò là động lực cho cả nước. Ông đề xuất 5 giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó đáng chú ý là mở cửa theo nghĩa rộng nhất kinh tế quốc tế, mở lại đường bay quốc tế và không hạn chế về tần suất khai thác của các hãng hàng không, miễn là có nhu cầu của thị trường.
Các doanh nghiệp tại TPHCM khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19 |
Cùng với đó, TPHCM bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm đến các đối tượng yếu thế trước biến động của kinh tế, duy trì sinh kế bằng cách thực hiện giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có động lực phục hồi nền kinh tế. Ngoài ra, ông kiến nghị nâng cấp hạ tầng thông qua đẩy mạnh hàng loạt dự án đầu tư công để thúc đẩy phát triển tăng trưởng trong ngắn hạn, tạo đà cho phát triển dài hạn.
PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lưu ý: Vấn đề hiện nay là làm sao xử lý được gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng một cách thống nhất để phục hồi kinh tế - xã hội. Cụ thể là nhận thức phải thống nhất (về dịch bệnh, phương pháp ứng phó với dịch bệnh, các yêu cầu sống còn…). Cách triển khai, hành động cũng phải thống nhất, nghĩa là từ nhận thức tới thực tiễn và cách hành động phải thống nhất. Điển hình như sân bay Long Thành thiếu sự thống nhất giữa tỉnh với các nhà đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu nên chưa triển khai được.
“Nhiều người cho rằng nền kinh tế không đủ khả năng hấp thụ nhưng thế nào là không hấp thụ được? Có phải doanh nghiệp yếu hay các đường dẫn nguồn lực không tới được doanh nghiệp? Phải phân biệt rõ để tháo gỡ. Hiện nay tắc nghẽn là ở các đường dẫn chính sách, thủ tục hành chính, cần phải tháo gỡ để tạo ra sự đồng bộ trong việc lưu thông các nguồn lực. Giải pháp đồng bộ nhưng “tọa độ” ưu tiên phải chuẩn. Như TPHCM phải là “tọa độ” ưu tiên.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia kiến nghị Chính phủ ban hành Chương trình phòng chống dịch, cập nhật Nghị quyết 128 bởi hiện tại các địa phương đang chờ đợi chương trình phòng chống dịch bài bản hơn, trong đó chú trọng nâng cao năng lực y tế. “Theo khảo sát của chúng tôi, rất nhiều bệnh viện công thiếu trang thiết bị y tế, kể cả thuốc cũng khan hiếm, do những chương trình thanh tra, kiểm tra nên việc mua sắm, thiết bị y tế rất thiếu” - TS Cấn Văn Lực cho hay.
Theo TS Cấn Văn Lực, hiện tại đang là cơ hội vàng để đẩy nhanh cải cách thể chế, nhất là môi trường đầu tư, kinh doanh.