Chuyên gia hé lộ nguyên nhân hình thành cồn cát 15 ha ở biển Quảng Nam

Ảnh: cồn cát rộng 15ha nổi lên ở biển Cửa Đại, Quảng Nam.
Ảnh: cồn cát rộng 15ha nổi lên ở biển Cửa Đại, Quảng Nam.
TPO - Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cồn cát hình thành ven biển Cửa Đại là kết quả của quá trình động lực rất phức tạp ở cửa sông Thu Bồn. Đây là món quà mà tự nhiên ban tặng cho bờ biển Cửa Đại bị sạt lở nhiều năm qua.

PV: Thưa ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến sự hình thành cồn cát mới ở Quảng Nam?

Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca: Cồn cát mới tại Cửa Đại, Quảng Nam được hình thành là do tác động của các quá trình động lực rất phức tạp ở cửa sông Thu Bồn, bao gồm dòng chảy sông, dòng chảy ven biển và sóng.

Thông thường, vào mùa lũ, nước từ thượng nguồn chảy về cửa sông mang nhiều cát. Khi ra đến biển, do diện tích mặt cắt dòng chảy tăng đột ngột nên cát đọng lại tại cửa sông. Thông thường, lượng cát này sẽ tạo thành doi cát bao quanh cửa sông và được dòng chảy ven biển, bao gồm dòng gió, sóng và triều vận chuyển đi để bồi vào bờ.

Ngoài ra, cát vận chuyển từ bờ ra biển do xói lở bờ trong điều kiện sóng mạnh sẽ được vận chuyển trở lại vào bờ do sóng có chu kỳ dài trong điều kiện lặng sóng để bồi cho bờ. Dòng vận chuyển cát này cũng bị sóng và dòng chảy ven biển vận chuyển dọc bờ. Trong một số điều kiện, khi các quá trình động lực thay đổi theo hướng tạo thành quá trình hội tụ cát tại khu vực cửa sông, các cồn cát như cồn cát tại Cửa Đại sẽ hình thành.

Hiện tượng cồn cát hình thành tại cửa sông rất phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam. Dân vùng ven biển thường gọi các cồn cát chưa hoàn toàn xuất hiện trên mặt biển là “cồn mờ”, còn cồn cát xuất hiện hoàn toàn trên mặt biển, như cái cồn cát ở Cửa Đại hiện nay là “cồn tỏ”.

Cuối năm 2018 và đầu năm 2019 vừa qua là một năm có ít đợt gió mùa đông bắc xen kẽ với những đợt gió nam và do vậy tạo điều kiện thuận lợi để cát hội tụ, tạo thành cồn cát nêu trên. Theo ước tính của tôi, lượng cát tạo thành cồn chủ yếu là do cát xói lở bờ biển Cửa Đại và có một phần do sông Thu Bồn chảy ra trong mùa mưa vừa qua.

Chuyên gia hé lộ nguyên nhân hình thành cồn cát 15 ha ở biển Quảng Nam ảnh 1PGS.TS Vũ Thanh Ca 

Việc hình thành một cồn cát như thế có ý nghĩa như nào bởi khu vực biển Cửa Đại, Quảng Nam nhiều năm nay nổi tiếng về tình trạng sạt lở bờ biển?

Đây là một nguồn cát rất lớn phục vụ khôi phục bãi biển Cửa Đại. Vì Cửa Đại là bãi biển du lịch, việc duy trì bãi cát ở Cửa Đại là một yêu cầu sống còn của ngành du lịch biển Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung. Bảo vệ bờ biển bằng cách bảo vệ bãi cát là cách mà ta bắn một mũi tên trúng nhiều đích.

Những năm trước đây, nhiều nhà khoa học đã đề xuất phương án nuôi bãi Cửa Đại theo cách sử dụng “động cơ cát” do một nhà khoa học nổi tiếng ở Hà Lan đề xuất. Tuy vậy, vấn đề rất quan trọng cần phải trả lời là nguồn cát ở đâu để nuôi bãi. Sự xuất hiện của cồn cát tại cửa sông Thu Bồn đã cho ta một câu trả lời hoàn mỹ cho câu hỏi đó.

Theo ông, phương án xử lý cồn cát đó như thế nào?

Nếu cồn cát không ảnh hưởng tới việc tàu thuyền ra vào Cửa Đại thì ta không cần phải làm gì cả. Cứ để vậy rồi sóng và dòng chảy sẽ mang cát vào bồi cho bãi.

Nếu cồn cát ảnh hưởng tới luồng tàu, thuyền thì nên nạo vét, thông luồng và chở cát lên phía bắc đổi bên ngoài, ngay sát bãi tắm công cộng Cửa Đại. Sóng và dòng chảy sẽ mang cát vào bồi cho bãi và bảo vệ bãi. Cách thứ hai này được gọi là con người hỗ trợ tự nhiên để tự nhiên bảo vệ bờ. Tuyệt đối không cho phép mang cát đi nơi khác vì sẽ gây thiếu cát, làm Cửa Đại gia tăng xói lở.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG