Lâu nay, sưa đỏ được người dân ví như báu vật, “khối vàng lộ thiên” bởi mức giá đắt đỏ mà chúng mang lại. Mỗi cây sưa 20 năm tuổi trở lên có giá hàng chục tỷ đồng thậm chí đối với những cây cổ thụ có thể được trả giá cả trăm tỷ.
Hiện nay ở Việt Nam, những cây gỗ sưa cổ thụ mọc trên rừng, trong tự nhiên còn rất ít, chỉ một số lượng ít ỏi còn sót lại trong các đình làng, miếu mạo và luôn được trông giữ cẩn thận.
Một cây sưa đỏ có tuổi đời trên một trăm năm tuổi ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Ảnh: Trọng Trinh
Ông Nguyễn Văn Hùy, đại gia gỗ ở Đồng Kị người từng chi 26 tỷ để sở hữu cây sưa 200 năm tuổi ở Thuận Thành (Bắc Ninh) cho biết, sở dĩ gỗ sưa có giá đắt đỏ là bởi chúng có ý nghĩa về mặt tâm linh.
Gỗ sưa có vân gỗ đẹp, không bị mối mọt đặc biệt lại có mùi hương vĩnh hằng nên nhiều người quan niệm chúng có thể tránh tà ma, xua đuổi bệnh tật. Đây cũng được xem là loại gỗ “quý tộc”. Trước kia ở Trung Quốc, chỉ có những gia đình vua chúa, quyền thế mới được thưởng các đồ dùng làm từ gỗ này.
Do mức độ đắt đỏ của cây nên để tránh mất trộm ở nhiều nơi, người dân phải quấn dây thép bảo vệ cây. Ảnh: Trọng Trinh
“Chính vì ý nghĩa đó mà ngày nay gỗ sưa cũng được các đại gia Trung Quốc ráo riết săn lùng. Tuy nhiên, một cây gỗ sưa phải mất hàng chục, hàng trăm năm mới có giá trị sử dụng. Do mức độ ít ỏi, quý hiếm nên gỗ sưa có giá rất cao, một cây gỗ cổ thụ có thể được trả giá cả chục tỷ đồng”, ông Hùy nói.
Cách đây khoảng 5-6 năm là thời kỳ “sốt” của thị trường gỗ sưa. Một kg gỗ sưa khi đó có giá là 30 triệu/kg, tương đương một cây gỗ sưa cổ thụ có thể lên tới cả trăm tỷ đồng. Hiện nay thị trường đã ở giai đoạn bão hòa, nhu cầu tiêu thụ giảm dẫn đến giá gỗ sưa cũng không cao như trước.
“Một kg gỗ sưa tốt giờ chỉ có giá khoảng 10-12 triệu, chỉ bằng một nửa so với trước đây. Tuy nhiên so với các loại gỗ khác trên thị trường, gỗ sưa hiện vẫn đứng đầu danh sách đắt đỏ bậc nhất và là loại gỗ vương giả được các đại gia săn lùng”, vị đại gia Đồng Kị khẳng định.
Theo ông Hùy, các sản phẩm từ gỗ sưa được ưa chuộng là các đồ nội thất, các sản phẩm tâm linh như: tượng Phật, lộc bình, thần tài… Do mức độ khai thác cạn kiệt nên các cây gỗ sưa cổ thụ trong tự nhiên hiện còn rất ít.
Trong khi đó, đánh giá về giá trị gỗ sưa, TS Nguyễn Tiến Hiệp, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thực vật Việt Nam cho rằng, gỗ sưa có chất lượng tốt, đường vân đẹp, mùi thơm tự nhiên nên được định giá cao. Có hai loại là sưa trắng và sưa đỏ, sưa đỏ có giá trị cao hơn nhờ màu gỗ và hương thơm, gỗ sưa đỏ có vân bốn mặt, mùi thơm thoảng như hương trầm trong khi sưa trắng chỉ có vân hai mặt và cũng không có mùi thơm. Cây gỗ sưa đỏ được liệt vào nhóm 1A nghiêm cấm khai thác, mua bán vì mục đích thương mại.
Về sinh thái, sưa đỏ là loài cây ưa sáng, ưa đất sâu, dày độ ẩm cao. Phân bố ở đai độ cao tuyệt đối dưới 500m. Trong tự nhiên, sưa đỏ được tìm thấy trong rừng mưa nhiệt đới và rừng mưa nhiệt đới gió mùa. Chủ yếu phân bổ ở Việt Nam và được tìm thấy rải rác tại Hải Nam, Trung Quốc, tại đây gọi là huỳnh đàn. Gỗ sưa đỏ chỉ dùng phần gỗ lõi có giá trị kinh tế cao hơn phần gỗ giác.
Trước thông tin cho rằng sưa đỏ là loại thuốc quý, người Trung Quốc xưa thường dùng làm chất ướp xác trong các lăng mộ, TS Hiệp cho rằng hiện cũng chưa có nghiên cứu cụ thể về công dụng này của gỗ sưa. “Loại gỗ này được cho là có giá trị về mặt tâm linh nên thường được sử dụng để làm đồ thờ cúng, phong thủy. Tuy nhiên thực hư những ý nghĩa này ra sao thì vẫn chưa có lời giải chính xác”, ông Hiệp nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng do có giá trị về mặt kinh tế, là loại cây quý hiếm trong tự nhiên nên hiện nay loại cây này đang ngày càng khan hiếm và rất dễ mất trộm. Ở một số nơi, để bảo vệ cây người ta phải cử người túc trực, cuốn dây thép gai. Gần đây, nhiều địa phương ở Việt Nam cũng đang thử nghiệm việc nhân rộng diện tích trồng gỗ sưa tự nhiên.