Chuyên gia đề xuất sách giáo khoa quá lỗi cần thay thế bằng sách khác

Chuyên gia đề xuất lập Hội đồng thẩm định mới để 'phán quyết' sách Tiếng Việt 1
Chuyên gia đề xuất lập Hội đồng thẩm định mới để 'phán quyết' sách Tiếng Việt 1
TPO - Theo các chuyên gia, sách Tiếng Việt 1 (trong đó có bộ Cánh Diều) cần phải thành lập Hội đồng thẩm định mới, độc lập cũng như xem xét trách nhiệm của Hội đồng thẩm định cũ. Những sách quá lỗi cần dừng lại và thay thế bằng sách khác.

Liên quan đến lùm xùm về sách Tiếng Việt lớp 1, TS Vũ Thu Hương- chuyên gia giáo dục độc lập cho rằng, cần thẩm định lại sách giáo khoa. Quá trình này cũng cần được thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ hơn, cần đi từ lý thuyết đến thực tiễn.

Những người tham gia thẩm định không chỉ có đội ngũ chuyên gia mà còn phải triển khai rộng rãi đối với giáo viên tiểu học các vùng miền khắp cả nước.

Do không có thời gian thực nghiệm một cách nghiêm túc?

Liên quan đến lùm xùm về sách Tiếng Việt lớp 1, TS Vũ Thu Hương- chuyên gia giáo dục độc lập cho rằng, một số sách bố trí âm vần không hợp lý dẫn đến việc học sinh khó nhớ.

Cũng theo TS Hương, bộ sách Cánh Diều có thêm truyện ngụ ngôn dành cho người lớn. Với những truyện dành cho người lớn, trẻ nhỏ sẽ khó hiểu vì trẻ chưa có khả năng tư duy phân tích các dữ liệu.

Ví dụ, câu chuyện “Hai con ngựa” trong sách Tiếng Việt 1 thuộc bộ sách Cánh Diều. Theo đó, câu chuyện này được chia làm 2 phần, cắt ngang nội dung và gây hiểu lầm về ý nghĩa câu chuyện.

Thêm vào đó, cũng theo bà Hương, khả năng ghi nhớ của học sinh có hạn, các con khó có thể liên hệ nội dung từ bài hôm trước đến bài hôm sau. Chính vì vậy, những bài đọc dài chia làm 2 phần không phù hợp với năng lực của học sinh lớp 1.

Cũng theo bà Hương, một số chỉ đạo của Bộ về sách giáo khoa lớp 1 ở năm học này mang tính… chữa cháy. Vì tất cả những vấn đề trên xảy ra là do chúng ta không có thời gian thực nghiệm một cách nghiêm túc đối với chương trình sách giáo khoa lớp 1.

“Theo tôi, thời gian thực nghiệm phải kéo dài từ 1 đến 2 năm. Nhưng trên thực tế, cả chương trình giáo dục phổ thông mới lại được thực nghiệm chỉ trong 1 tháng"- bà Hương nhấn mạnh.

Những sách quá lỗi cần dừng lại và thay thế bằng sách khác

Theo bà Hương, trong năm học này, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời gian học online kéo dài đã gây nhiều áp lực đối với giáo viên, thời gian tập huấn cho chương trình mới cũng bị hạn chế.

Bà Hương cho rằng, bất cập trong dạy học lớp 1 là do giáo viên chưa nắm bắt được tinh thần của chương trình mới, chưa thực hiện tốt phương pháp dạy học.

Trong khi đó, Bộ GD&ĐT khẳng định chương trình mới đã trao quyền chủ động cho giáo viên. Tuy nhiên, hầu hết các giáo viên đều lung túng, khó khăn trong khi dạy học.

Bà Hương đề xuất, cần thẩm định lại sách giáo khoa. Quá trình thẩm định cũng cần được thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ hơn, cần đi từ lý thuyết đến thực tiễn.

Theo bà Hương, những người tham gia thẩm định không chỉ có đội ngũ chuyên gia mà còn phải triển khai rộng rãi đối với giáo viên tiểu học các vùng miền khắp cả nước. Giáo viên tham gia vào hội đồng thẩm định sách giáo khoa có thể thực hiện ngay tại địa phương.

“Họ sẽ viết nhận xét, ý kiến đóng góp và gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Như vậy, việc thẩm định lại sách giáo khoa sẽ hiệu quả mà không gây tốn kém”- bà Hương nhấn mạnh.

Bà Hương cho rằng, việc cần làm là ngay lập tức điều chỉnh giờ học Tiếng Việt trở về 10 tiết/tuần. Những sách quá lỗi cần dừng lại và thay thế bằng sách khác.

Ngoài ra, việc tập huấn lại giáo viên lần nữa cũng nên được tiến hành sớm để đảm bảo việc thực hiện chương trình và áp dụng sách giáo khoa mới được thuận lợi hơn.

Đặt ra trách nhiệm của Hội đồng thẩm định cũ 

Băn khoăn về bộ SGK tiếng Việt lớp 1, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Hà Nội, một trong bảy thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới GD&ĐT giai đoạn 2016-2021 cho biết, đã là "sạn" thì cần thiết phải "nhặt".  Ông cũng cho rằng, khi dư luận lên tiếng quyết liệt như vậy, thì phải trân trọng, không thể lấp liếm những ý kiến ấy.

Chuyên gia này cho biết thêm, sẽ phải thẩm định lại SGK tiếng Việt, trong đó đặt ra trách nhiệm của Hội đồng thẩm định cũ và một hội đồng khác sẽ đánh giá độc lập lại bộ sách.

"Trách nhiệm của hội đồng thẩm định phải xem xét lại mình, không ai làm thay được. Sẽ có một bộ phận khác đánh giá một cách độc lập, khách quan. Còn vấn đề xảy ra "sạn" như thế thì giao trách nhiệm cho bộ phận thẩm định cũ xem lại đã"- TS Tùng Lâm nêu quan điểm.

Cũng theo TS Lâm, việc thẩm định các bộ SGK lớp 2, lớp 6 tới đây cần phải làm chặt chẽ hơn. Và trước khi thẩm định, các tác giả và NXB phải đưa SGK lên mạng để lấy ý kiến công luận.

MỚI - NÓNG