Đoạn trường vinh hoa lấy theo tứ của bốn câu thơ “Khi bức màn buông, danh vọng hết/Người về lòng rũ sạch sầu thương/Người vào cởi áo lau son phấn/Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường”. Đạo diễn Lê Mỹ Cường (VTV3) bảo không dễ thuyết phục bộ phận phụ trách cho theo đuổi dự án. VTV đặc biệt vốn chọn những đề tài chính trị-xã hội rộng lớn hơn, còn phim tài liệu này chỉ là lát cắt cuộc sống của những con người nhỏ bé. Nhóm làm phim theo đuổi dự án hơn một năm, hiện còn một số cảnh quay cuối vừa gấp rút làm hậu kỳ.
“Tôi luôn đau đáu làm phim về những thân phận mong manh, những đời người mà sự hiện diện của họ trong xã hội khá khiêm tốn. Sau khi nghiên cứu về văn hóa miền Tây, tìm được một số gánh tuồng tương tự, tôi quyết định lựa chọn thể loại điện ảnh hiện thực”, đạo diễn nói. Anh có xu hướng làm phim về những thân phận yếm thế như hai người đồng tính trong Nhà đối diện, Tôi đẹp bạn cũng đẹp về show thời trang cho người khuyết tật, Nhọc nhằn than từng chiếu ở Mỹ.
Gánh cải lương tuồng cổ Phương Ánh là một trong số gánh hát còn sót lại, rong ruổi khắp các ngôi đình, cổ miếu ở các tỉnh miền Tây. Trên sân khấu là ông hoàng bà chúa, ngoài đời họ đích thực là người lao động chân lấm tay bùn chật vật mưu sinh. Gánh hát gặp khó khăn vì cô đào chính lâm trọng bệnh, trưởng đoàn hát buộc phải lựa chọn giữa trách nhiệm của người mẹ hay tình yêu nghề.
“Tôi không sử dụng phỏng vấn hay lời bình. Phim ghi lại diễn biến cuộc sống như những mảnh ghép. Nhân vật chính có những lời tự sự với vai trò dẫn dắt và kể chuyện. Tôi tìm đến với họ với tâm thế tò mò, muốn ghi nhận cuộc sống của họ không hề có định kiến về sự khổ sở. Phim là những hình ảnh tương phản giữa sân khấu và cuộc đời, nhưng được kể dưới góc độ khách quan nhất về đời sống tự nhiên của những nghệ sĩ này”, Lê Mỹ Cường nói.
Đạo diễn Đoạn trường vinh hoa không ngại ngần thừa nhận được truyền cảm hứng từ Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng-phim kể chuyện gánh hát hội chợ với phần lớn là người chuyển giới. Anh lại tự tin sự khác biệt của phim nằm ở góc nhìn, câu chuyện đời của mỗi thân phận. Nhân vật chính là “bà bầu” Phương Ánh của gánh hát. Nghệ sĩ Phương Ánh hơn 40 năm đau đáu giữ nghề hát gia truyền. Không khó để thuyết phục đoàn cho ghi hình làm phim, nhưng để họ dốc hết tâm can chứ không phải diễn cho vui lòng quay phim không phải chuyện ngày một ngày hai.
Trước khi chiếu trên sóng VTV đặc biệt tháng 9, những người làm phim xoay xở xin tài trợ từ các quỹ văn hóa và điện ảnh để phát hành rạp phi lợi nhuận. Dự kiến có ba suất chiếu tại Hà Nội, TPHCM và Cần Thơ, phim sau đó còn được gửi đi một số liên hoan phim tài liệu trong nước và quốc tế, nhất là liên hoan về đa dạng văn hóa.